GTHN - Tất cả mọi người đều tự có trong mình một ý thức đánh giá bản thân: Khi là tự hào, tự tin vào chính mình, quan tâm đến mình, nhưng cũng có lúc cảm thấy tự ti, nghi ngờ chính mình là không có giá trị gì. Chính vào lúc mang thái độ tiêu cực, thiếu tự tin đó, con người dể chấp nhận những ý kiến rẻ rúng của người khác (nếu có) đối với mình, nên sẵn sàng làm những việc gọi là: “không ngại xấu hổ”.
Thiếu lòng tự tin, bạn sẽ không có lòng tự trọng. Thiếu lòng tự tin, bạn sẽ cảm thấy sợ hãi. Khi còn đi học chẳng hạn, vì sợ thiếu điểm nên bạn quay cóp. Là sinh viên sắp ra trường, vì thiếu điểm nên bạn chạy điểm, mua điểm để tốt nghiệp. Cho dù bạn viện dẫn bất cứ lý do gì: vì hoàn cảnh, vì kinh tế, vì xã hội nó như thế…thì nguyên nhân xâu xa và chính xác nhất vẫn là sự sợ hãi, sợ không có được tấm bằng, sợ không đạt được điều mà mình mơ ước. Bạn đã thiếu lòng tự tin, “tay trắng làm nên” là chuyện của người khác, còn bạn, bạn phải có tấm bằng để tranh đua với đời. Vì thiếu lòng tự tin nên bạn đánh mất lòng tự trọng, bạn thừa biết việc mua điểm, mua bằng là đáng xấu hổ , trừ phi bạn tự hào khoe với con bạn rằng: “Ngày xưa bố/mẹ học kém nên đã xài bằng cấp giả” .-- Biết là chuyện xấu hổ, nhưng vẫn phải làm, và sẽ tiếp tục làm?
Mỗi người là một cá thể riêng biệt khác nhau, nên sự nhận biết về lòng tự trọng cũng khác nhau. Ngay trong mỗi người, không ai là thập toàn cả, có những thời điểm ở vào trạng thái thiếu tự tin, cũng có thể đánh mất lòng tự trọng. Vì thế, không thể vội vả quy kết rằng những người có lòng tự trọng thấp là những người hoàn toàn xấu hoặc những người nghiện ngập đều là những người thiếu lòng tự trọng.
Sự tự tin, lòng tự trọng, thành công, hạnh phúc và đau khổ, sợ hãi, thiếu tự trọng, thiếu tự tin đan xen lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau, điều này có thể trở thành điều kia và ngược lại. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng cho mình lòng tự trọng bằng cách tin vào bản thân, tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
Lúc tin vào bản thân, tôn trọng bản thân, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận bản thân mà không cần điều kiện gì, đó chính là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể tặng cho mình. Có lòng tin vào bản thân, chúng ta có thể đối mặt với tất cả mọi hoàn cảnh. Không sợ hãi, chúng ta không cần phải bán lòng tự trọng để mua lấy bất kỳ một quyền lợi không chính đáng nào. Tin vào bản thân, tin vào sự độc đáo của mình, hoàn toàn ổn thỏa và không cần phải chứng minh điều gì cho ai cả. Không sớm thì muộn, khi những người khác nhận thấy tính tích cực từ những đặc điểm đó, họ sẽ trân trọng chúng: "Đó là người có lòng tự trọng".
Một khi không tin vào bản thân, không đánh giá mình một cách tích cực, không cảm thấy mình có giá trị, không đủ khả năng, không thể đối phó thì chúng ta sẽ không thể đối phó hay không có khả năng đúng như những gì chúng ta tự nghĩ. Khi chúng ta không tin vào bản thân, nghĩa là chúng ta tự đặt những rào cản giới hạn lên khả năng đối phó với những thay đổi, những thách thức trong cuộc đời của mình.
Đang là một sinh viên, chỉ vì sợ hãi, không dám tin rằng mình có thể “sống được” nếu thiếu bằng cấp, không thể tin rằng mình vẫn có thể sống đàng hoàng nếu như chỉ là một người thợ, nên khi thiếu điểm đã vội vàng đánh mất lòng tự trọng để mua điểm, mua bằng. Và cũng thật đáng thương, đây đó thỉnh thoảng vẫn còn những chuyện nữ sinh chấp nhận sự dày vò nhục nhã để đổi “tình” lấy “điểm”….
Rời ghế nhà trường bước vào đời, lòng tự trọng của các bạn sẽ có cơ hội gặp nhiều thử thách khốc liệt hơn. Khoan bàn đến chuyện đạo đức, nếu không học cách tin vào bản thân, không gây dựng cho mình lòng tự trọng, không thoát khỏi sự sợ hãi, để mặc cảm tự ti lấn áp thì các bạn sẽ kiệt sức vì bị tổn thương tự bên trong. Các bạn sẽ mang bên mình một tâm hồn trống rỗng, đòi hỏi phải bù đắp bằng những thứ hãnh diện sai lầm: tiền bac, sức khỏe, thành công, những thứ sẽ không bao giờ đủ, các bạn sẽ luôn luôn cảm thấy bất mãn và đau khổ.
Chỉ có lòng tự trọng, chúng ta có lòng tin vào chính mình. Động lực hành động của chúng ta không phải là để thỏa mãn những điều mong muốn sai lầm do chính mình hay người khác đặt ra, mà phát xuất từ sự tin vào bản thân, tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. “Dẫu tôi là ai hay là gì đi nữa, tôi vẫn ổn thỏa. Tôi có thể và sẽ đạt được bất cứ điều gì tôi cần phải đạt được, tôi Tự Do”.
Tp.HCM, Ngày 11/08/2009.
Văn Chí Kỳ. (hieuhoc.com.).