GTHN - 1. Muốn đọc Đắc Nhân Tâm được nhiều lợi ích nhất, cần có một đức tính cốt yếu, quan trọng hơn cả các định lệ và quy tắc. Không có nó thì bài học hay tới mấy cũng không bổ ích gì, mà có nó thì không cần những bài đó cũng làm được những việc phi thường.
Vậy điều kiện mầu nhiệm đó là gì? Rất giản dị: là phải có lòng ao ước thiết tha muốn tìm hiểu thêm, và một cường chí quyết bồi bổ năng lực xử thế dụng nhân của mình.
Làm sao luyện được chí đó? Bằng cách luôn luôn tâm niệm rằng những quy tắc dạy trong tập này vô cùng quan trọng. Bạn hãy tự nhắc luôn luôn rằng: “Hạnh phúc của ta, sự thành công của ta, danh vọng, tiền của của ta phần lớn đều do sự khôn khéo trong khi giao thiệp với người mà có”.
2. Bạn đọc một lần mỗi chương để hiểu đại cương. Rồi có lẽ bạn muốn hấp tấp coi tiếp ngay chương sau. Xin đừng. Phải đọc kỹ một lần nữa. Như vậy đỡ tốn thì giờ mà có nhiều kết quả.
3. Phải thường thường ngưng đọc để suy nghĩ những điều mới đọc và tự hỏi: lời khuyên đó, lúc nào có thể áp dụng được và áp dụng ra sao?. Như vậy mới bổ ích.
4. Tay nên có cây viết chì hoặc viết máy để đánh dấu ở ngoài lề những lời khuyên nào mà bạn tính thi hành. Nếu là một quy tắc cực kỳ quan trọng thì gạch dưới nó, hoặc đánh bốn chữ x: “xxxx” ở ngoài lề. Như vậy, khi coi lại, mau và dễ thấy hơn.
5. Tôi biết một người đã làm giám đốc một công ty bảo hiểm lớn từ mười lăm năm rồi. Vậy mà mỗi tháng ông đọc hết những điều lệ bảo hiểm của công ty, tháng nào cũng vậy, hết năm này qua năm khác. Tại sao? Tại kinh nghiệm cho ông hay rằng chỉ có cách đó mới nhớ kỹ hết được thôi. Riêng phần tôi, tôi đã có lần để ra hai năm trời để viết cuốn sách về sự hùng biện, vậy mà tôi vẫn phải thỉnh thoảng coi lại cuốn đó để khỏi quên những điều chính tôi đã viết ra. Sự mau quên của loài người thật lạ lùng, đáng làm cho ta ngạc nhiên. Vậy, nếu bạn muốn cuốn sách này giúp ích cho bạn được lâu dài, xin đừng tưởng rằng chỉ cần đọc nó một lần là đủ. Sau khi nghiên cứu nó kỹ rồi, mỗi tháng nên để ra vài giờ ôn lại. Bạn đặt nó luôn luôn trên bàn giấy và thường mở nó ra. Đầu óc bạn phải thấm nhuần những khả năng đẹp đẽ nó cải thiện đời bạn, những khả năng mà bạn chưa có còn phải chinh phục nữa. Xin bạn nhớ rằng chỉ có cách luôn luôn thấy ở trước mắt những quy tắc đã trình bày, mới có thể áp dụng nó được một cách tự nhiên, không khó nhọc như cái máy và làm những quy tắc đó thành ra bản tính thứ nhì của bạn. Ngoài ra không có cách nào khác.
6. Bernard Shaw nói rằng học không, không đủ, phải thực hành nữa. Đã học thì phải hành. Ông nói có lý. Muốn học phải hoạt động, chớ không thụ động. Nhờ thực hành mới tiến được. Vậy muốn thấm nhuần những quy tắc này, hễ có cơ hội, xin bạ thực hành liền. Nếu không, sẽ mau quên lắm. Tôi cũng biết điều đó khó khăn. Vì chính tôi cũng có khi thấy khó thi hành những điều tôi chỉ cho các bạn. Ví dụ khi bạn bực tức, tự nhiên muốn chỉ trích, khiển trách chứ không nghĩ tới sự tự đặt mình vào địa vị người. Kiếm một tật xấu của người dễ hơn là tìm cái hay của họ. Ta tự nhiên muốn nói tới những việc ta đương lo nghĩ hơn là nói tới những đầu đề làm cho người khác vui lòng. Cho nên bạn phải nhớ rằng đọc sách này không phải để hiểu biết thêm mà là để luyện cho có những tập quán mới, để dự bị một lối sống mới. Như vậy cần phải mất công kiên nhẫn, chăm chú hàng ngày. Vậy, xin bạn thường mở những trang này ra. Cuốn này phải là kim chỉ nam của bạn trong sự Giao thiệp với người. Và khi bạn gặp một vấn đề như sửa lỗi một đứa nhỏ, làm sao cho bạn trăm năm vừa ý với bạn, hoặc làm cho một khách hàng đương giận mà được hài lòng thì xin bạn hãy suy nghĩ một chút đã, Chống cự với xúc động đầu tiên, đừng để cho nó lôi cuốn vì thường nó có hại. Lúc đó xin bạn hãy nhớ tới cuốn này, hoặc nếu có thì giờ thì mở ra coi, đọc lại những đoạn đã đánh dấu. Áp dụng những quy tắc trong đó và bạn sẽ thấy những kết quả phi thường.
7. Bạn đặt điều lệ với người nhà hoặc bạn bè rằng hễ gặp bạn làm trái quy tắc nào đó thì bạn phải chịu phạt một số tiền. Phải làm sao cho sự học tập của bạn thành ra một trò chơi vui mà mê được.
8. Ông hội trưởng một ngân hàng lớn ở New York, sau khi nghe vài bài giảng của tôi, có tả rõ cách sửa mình của ông như sau này mà chính ông đã kiếm ra được từ lâu. Nó vô cùng hiệu nghiệm. Ông học ít lắm, Nhưng là một trong những nhà tài chánh lớn nhất ở châu Mỹ, ông thú rằng chỉ nhờ phương pháp của ông mà ông thành công.
“Từ lâu rồi, ông nói, tôi ghi trên một cuốn lịch những công việc buôn bán mỗi ngày. Tối thứ bảy, tôi không tiếp ai hết, để tự xét mình. Ăn tối rồi, tôi cấm cung trong phòng giấy của tôi, mở cuốn sổ tay ra, suy nghĩ về mỗi câu chuyện, mỗi lần bàn cãi, mỗi cuộc thương nghị, mỗi vụ chạy chọt trong tuần lễ đó. Tôi tự hỏi:
– Lần đó, ta đã lỡ lầm chỗ nào?
– Đã hành động khéo chỗ nào? Có thể khéo hơn được không? Ra làm sao?
– Sự lôi thôi đó cho ta bài học gì?
Có khi tự xét như vậy, tôi thấy đau khổ lắm; có khi tôi lấy làm lạ sao đã lỡ lầm lỡ nặng nề như thế được. Nhưng tôi càng lớn tuổi thì lầm lỡ càng ít đi và có khi còn muốn tự vỗ vai và khen mình nữa. Chưa có gì giúp tôi nhiều bằng phương pháp tự xét và tự cải đó.
Nhờ nó mà tôi xét đoán chắc chắn, minh mẫn hơn, các sự quyết định của tôi thích đáng hơn, và giúp tôi rất nhiều trong sự giao thiệp với Mọi người. Tôi xin nhiệt liệt giới thiệu nó với “hải nội chư quân tử”.
Tại sao các bạn không dùng một phương pháp tương tự để kiểm điểm lại cách các bạn áp dụng những quy tắc trong tập này ra sao? Nếu các bạn quyết tâm làm, sẽ có hai cái lợi:
Thứ nhất: Các bạn sẽ say mê học được một môn học có giá trị vô song về phương diện giáo hóa.
Thứ nhì: Các bạn sẽ nhận thấy rằng khả năng của bạn làm đẹp lòng và dẫn dụ người khác sẽ nẩy nở rực rỡ như bông đào về tiết xuân vậy.
Tóm Lại, muốn đọc sách được nhiều ích lợi nhất, phải:
- Có lòng ham muốn học hỏi và thi hành những định lệ chi phối sự giao thiệp giữa loài người với nhau.
- Đọc mỗi chương hai lần, rồi mới qua chương sau.
- Thỉnh thoảng ngưng đọc để tự hỏi nên thi hành những quy tắc ra sao và vào lúc nào?
- Gạch dưới những ý chính.
- Mỗi tháng coi lại cuốn này một lần.
- Hễ có cơ hội thì phải thực hành ngay những quy tắc học được. Dùng cuốn này làm kim chỉ nam để giải quyết những nổi khó khăn hàng ngày.
- Tặng cho bạn thân một số tiền nào đó mỗi khi bạn gặp ta làm trái với những quy tắc đó. Như vậy để làm cho sự học biến thành một trò chơi hứng thú.
- Mỗi tuần kiểm điểm những tấn tới hoặc những sai lầm của mình. Bạn hãy tự xét coi đã bồi bổ được khuyết điểm nào và trong dịp nào.
Bài viết này được trích từ cuốn sách Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie do dịch giả Nguyễn Hiến Lê dịch.