GTHN - Tôi thấy tủi thân khi mình học cũng khá nhưng còn về kiến thức xã hội, nữ công gia chánh thì ôi thôi!
Tôi - một đứa con gái chỉ biết học, học và học. Mọi việc lớn bé trong nhà đều một tay bố mẹ lo lắng, đảm đương. Tôi - một đứa con gái vô tâm, vô lo, chỉ có suy nghĩ đơn giản là học thành ông nọ bà kia. Cuộc sống những tưởng cứ thế êm đềm trôi qua. Thực ra tôi học không thuộc loại xuất sắc. Tôi chỉ nằm ở mức top giữa trong kỳ thi tuyển sinh vào trường chuyên, trường điểm. Tôi như con vẹt, học mà không có hành. Bố thường hay nói với tôi: “Con cứ lo học cho giỏi, chuyện còn lại bố mẹ lo hết”.
Tôi cũng thèm thuồng khi nhìn các bạn tổ chức cắm trại, chụp ảnh, đi chơi với nhau. Nhiều lúc tủi thân khi mình học cũng khá nhưng về kiến thức xã hội, nữ công gia chánh thì ôi thôi! Thế rồi ngày thi đại học cũng đến gần, năm ấy tôi lại được dịp cô lập với thế giới bên ngoài. Tôi trốn tất cả những gì liên quan đến bạn bè, chỉ chăm chăm học vẹt. Kết quả là tôi đỗ Đại học Ngoại thương với 25 điểm khối D. Một kết quả xứng đáng cho những ngày tháng dùi mài kinh sử, tôi nghĩ thế.
Thế mà, khi biết trong trường có nhiều bạn đạt điểm cao và tham gia hoạt động ngoại khóa, nhanh nhẹn, tôi thấy chạnh lòng ghê gớm. Lúc trước tôi sợ thất bại mà đã không dám vào bếp phụ mẹ. Tôi sợ thất bại khi không được loại giỏi, loại xuất sắc. Tôi sợ bị chê cười khi nêu lên quan điểm cá nhân. Ngày đầu vào đại học, tôi rụt rè, tự ti trong các buổi phỏng vấn, tuyển thành viên câu lạc bộ. Tôi nhận được email từ chối của nhiều câu lạc bộ, đội nhóm: “Cảm ơn bạn... Bạn không phù hợp với câu lạc bộ XYZ”. Tôi đã khóc, nước mắt của đứa con gái lần đầu xa nhà, xa bố mẹ. Nước mắt tủi thân cho 12 năm học hành chỉ chỉ vì ganh đua điểm số mà tự cô lập mình, bị bạn bè bắt nạt; tủi thân vì gia đình không khá giả như nhiều gia đình khác; tủi thân vì mình thua kém bạn bè.
Vào đại học, tôi tham gia vào nhiều hội thảo về định hướng nghề nghiệp trong trường, ngày hội việc làm ở nhà văn hóa... Tôi được chia sẻ nhiều hơn, về cả thất bại và thành công. Tôi nhận ra không ai thành công mà không nếm mùi thất bại. Như Albert Einstein từng khẳng định: “Kẻ nào chưa từng mắc phải lỗi lầm cũng là kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì cả”.
Thời gian rảnh, tôi tìm hiểu nhiều hơn về các học bổng du học, kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, các bài test IQ, EQ trên Internet. Tôi khiến người khác nhớ đến mình thông qua các hoạt động ngoại khóa. Tôi sẵn sàng chấp nhận thử thách, làm nhiều hơn yêu cầu công việc. Tôi hiểu rằng, tôi không được lặp lại những thất bại của quá khứ.
Tôi năng trò chuyện, cởi mở hơn với các bạn trong lớp. Mối quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo, hay những anh chị lớp trên là những cơ hội tuyệt vời để tôi hiểu rõ bản thân mình hơn. Vì đó chính là những người hiểu rõ khả năng của tôi nhất.
Tôi cũng tham gia các hoạt động cộng đồng để thấy mình có ích, trân trọng hơn những gì mình đang có. Tôi biết rằng, nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống lại thấy mình thật may mắn. Tại sao họ - những người kém may mắn hơn mình có thể làm được, còn mình thì không?
Tôi không hối hận vì những những gì mình đã làm, chỉ thấy tiếc cho quãng đời học sinh, tiếc cho bản thân vì không lo trau dồi kỹ năng sống, không đỡ đần cha mẹ. Nhưng tôi càng trân trọng tôi hơn bao giờ hết. Có trải nghiệm mới thấm thía, thế nên tôi sống nhiều hơn với thực tại. Tôi không còn mơ mộng giống như những cô gái vụng về trong phim Hàn. Tôi không còn mơ mộng sẽ có hoàng tử bạch mã đến cứu rỗi cuộc đời đáng chán trước kia.
Tôi nhớ mãi câu nói của một anh năm 2 trường tôi: “Đại học là nơi an toàn để em vấp ngã”. Tôi giờ đây biết nghĩ nhiều hơn cho gia đình và người khác. Tôi không còn cả nể với bạn bè, tôi sống thật là chính mình. Tôi là người hướng nội, nhưng tôi biết thể hiện cái tôi khi cần thiết. Tôi giơ tay phát biểu trong lớp, hào hứng chia sẻ nội dung bài học cùng thầy cô và các bạn.
Có người bảo tôi không phù hợp với ngành kinh tế. Nhưng càng tìm hiểu sâu, tôi càng thấy thích thú với nó. Tôi thấy mình có tố chất của một doanh nhân: sống với niềm đam mê thì đó không phải là làm việc, mà là lẽ vui sống, hạnh phúc. Giống như tình yêu đôi lứa, khi yêu cần hiểu nhau. Nhiều cuộc chia tay cũng chỉ vì “chúng ta không hiểu nhau”. Trong bất cứ hoạt động gì, quan trọng nhất là yêu và hiểu. Có lẽ tôi không phù hợp với một số câu lạc bộ, bởi tôi chưa đủ khát khao, chưa đủ hiểu về công việc của các thành viên trong đó.
Đối với sinh viên năm nhất, tôi còn cả một quãng đường dài phía trước. Tôi không dám nói trước điều gì, nhưng tôi biết mình đã sẵn sàng để làm gì, học gì. Tôi xây dựng mối quan hệ với những người bạn chung đam mê. Tôi trải lòng nhiều hơn với bố mẹ. Tôi thích thú mỗi ngày đến trường được gặp gỡ bạn bè. Xa nhà, tôi tự chăm sóc bản thân, ăn uống, đi lại, chi tiêu đều tự túc, từ những bữa ăn đến bộ quần áo hàng ngày. Những điều nhỏ nhặt ấy làm tôi chủ động hơn, không ỷ lại, trách nhiệm và tự giác với bản thân.
Tôi sẽ tham gia Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi năm nay! Tôi muốn mình làm nhiều hơn là nói. Đối với sinh viên, dĩ nhiên học tập hiệu quả là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó, tôi còn đi làm thêm, sinh hoạt trong câu lạc bộ GreenTalk, thử sức với các cuộc thi trong và ngoài trường. Tôi chuẩn bị sẵn sàng để nộp đơn tuyển thành viên câu lạc bộ Kỹ năng doanh nhân vào năm sau. Thích thì nhích, tôi luôn tâm niệm: You will win if you want - Bạn sẽ thắng nếu bạn muốn, quan trọng nhất là làm những việc đúng và nghĩ ra việc đúng để làm.
Thời gian trên giảng đường không nhiều, tôi thường hay đến thư viện để đọc thêm tài liệu, học nhóm với bạn bè, học ở quán café. Từ một người luôn thụ động, bây giờ tôi luôn đặt câu hỏi cho những kiến thức mới học, hiểu và vận dụng nó vào thực tiễn.
Khi đi đâu tôi cũng mang theo cuốn sổ và cây bút để tập cách tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân, từ việc ngành nghề đến học hành, sinh hoạt. Nói đi cũng phải nói lại, không ai hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình. Chỉ bằng cách tự đào sâu tìm hiểu, sống với đam mê và sở thích, tôi tin rằng mình có thể chọn được con đường nghề nghiệp thực sự phù hợp với chính mình: Aja, Aja Fighting! Nothing’s Impossible…
Theo Ánh Thương - Ione.net