GTHN - Cô bé ngày nào sắp nhận bằng tốt nghiệp đại học và đến lúc thực hiện ước mơ của mình.
Tuổi thơ với gió, với nắng đã trôi qua thật nhanh nhường lại cho nó con đường tương lai phía trước. Nhớ hồi bé, những khi ngồi trên bãi cỏ nghỉ ngơi sau khi đã lấy được gánh củi về đun bếp, mấy đứa nằm ngước lên trời nhắm mắt và hỏi nhau:
- Sau này cậu muốn làm nghề gì?
- Tớ muốn làm bác sĩ cậu ạ,
- Khiếp, cậu không sợ à, tớ sợ bị tiêm, sợ nhìn thấy máu, ghê lắm. Tớ thích làm một nhà báo.
Nó không nói gì, nhưng trên môi nở một nụ cười ẩn dấu đam mê và ước mơ màu hồng của tuổi thơ. Và rất nhiều, rất nhiều những mong ước cứ bay cao lên bầu trời xanh, bay xa mãi theo thời gian nuôi dưỡng tâm hồn mỗi đứa lớn dần theo năm tháng.
Ngày cuối cùng nộp hồ sơ thi đại học, nó vẫn lưỡng lự và rồi chọn một trường đại học không danh giá nhưng khả năng thi đậu rất cao. Nó chọn nghành mà chẳng đứa nào trong lớp nghĩ tới. Nó từ bỏ ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch năng động, tràn đầy sức lực để trở thành một cô giáo dạy phổ thông. Nữ sinh cấp 3 nào cũng muốn đậu một trường có tiếng ở thành phố, được học gần nhà cho tiện đi lại. Nhưng nó nhắm mắt quên đi những điều đó, nó nghĩ tới mẹ, tới ba, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chăm lo đồng ruộng, bán từng mớ rau, nhặt nhạnh, tích góp tiền cho con đi học mà còn không đủ thì sao có thể nuôi nó đi học ở thành phố đông đúc và đắt đỏ như thế? Vả lại em trai cũng đang học cấp 3...
Một ngày rất xa trong ký ức, như bao buổi sáng khác, nó dậy cùng mẹ nhặt và rửa rau để đem ra chợ bán. Mới sáng mà mồ hôi mẹ lấm tấm rơi. Ngày nào cũng thế, khi người ta còn ngủ say giấc, mẹ đã phải ra đồng cắt rau về. Nghĩ thế, nó bảo mẹ:
- Mẹ ơi, con không thi đại học nữa mẹ nhé?
Rồi nó cúi mặt xuống, nước mắt cứ thế rơi xuống sân nhà. Mẹ nói gì nó cũng chẳng nhớ rõ từng từ nữa, chỉ nhớ mẹ có nói:
- Cuộc đời ba mẹ đã khổ với đồng áng, đến đời các con dù không có miếng ăn, ba mẹ vẫn sẽ lo cho các con đi học đầy đủ.
Nó dong chiếc xe đạp mini cũ mà nước mắt cứ lưng tròng, trên đường nó chỉ nghĩ đến hình ảnh mẹ gánh rau đi chợ. Mẹ hay về muộn mỗi giờ trưa và còn về muộn hơn giờ nó đi học về. Tay mẹ chi chít những vết sẹo của năm tháng gồng mình nuôi 2 đứa ăn học. Nó thương mẹ lắm!
Lúc đầu, nó chẳng thích nghề giáo, nhưng đó lại là sự lựa chọn trong hồ sơ thi đại hoc vì học sư phạm không phải đóng học phí. Học ở đó tiền thuê nhà trọ, tiền chi tiêu sẽ không tốn kém và nhiều thứ khác. Năm đầu đại học là cảm giác chán nản và tuyệt vọng, nhiều khi nó thấy ước mơ bị đánh mất, thấy bản thân không thể tiếp tục vì không có đam mê, nhưng hình ảnh ba mẹ luôn là nguồn cổ vũ động viên cho nó. Dần dần nó tham gia vào các phong trào của trường lớp ngày càng tích cực hơn. Ngoài giờ học, nó đi dạy thêm. Dần dần nó nhận ra và phát huy được năng lực sư phạm bên trong mà nó nghĩ nó không có.
Nó thấy mình đã bén duyên với nghề này có lẽ do từ cấp ba đã tập tành kèm cặp học sinh ít tuổi hơn. Sự sáng tạo trong từng trang giáo án cùng tính hòa đồng, say mê vốn có của tuổi trẻ đã cho nó thêm sức lực và niềm tin vào nghề đã chọn. Những lúc nhận được học bổng của trường nó gọi khoe với mẹ để được nghe mẹ nói và động viên.
Các hoạt động ngoài giờ cho nó thêm kiến thức về cuộc sống và thêm nhiệt huyết để trở thành một cô giáo Tiếng Anh năng động trong tương lai. Nó không hề ân hận về sự lựa chọn này của mình mà trái lại chính việc không lựa chọn ước mơ lại cho nó cơ hội tìm thấy được mơ ước thật sự. Tốt nghiệp đại học với kết quả như mong muốn, gia đình nó cũng không còn khó khăn như trước nữa, năm nay em trai là sinh viên năm thứ 2 của trường Anh Ninh. Thật nhiều niềm vui đến với nó.
Giờ nó mong thời gian nhận được tấm bằng đỏ chót ấy đến thật nhanh để tiếp tục hiện thực con đường đến tương lai và sự nghiệp. Nó cảm ơn cuộc đời cho nó cái duyên với nghề cao quý. Nó biết ơn ba mẹ, ba mẹ tuyệt vời lắm! Trong lòng nó luôn muốn nói được thành lời mà những người làm con khó nói với ba mẹ nhất: “Con yêu ba mẹ nhiều”.
Sưu tầm