GTHN - Không phải bất kì ai cũng đều may mắn tìm được đúng con đường để đến với ước mơ của mình.
Để có được một ước mơ, một đam mê thật không dễ chút nào. Có nhiều người thì ước mơ gắn liền với một kỉ niệm, một lời hứa, cũng có những người sau khi trải qua những gian nan, thử thách mới tìm thấy được ước mơ thật sự của mình. Cũng có những người vì hoàn cảnh, vì điều kiện không cho phép nên đã từ bỏ ước mơ. Với tôi, ước mơ của mình đã thay đổi qua nhiều năm tháng, mãi đến khi tìm thấy được ước mơ thật sự của mình cũng là lúc tôi phải đối diện với ngã rẽ khác của học tập.
Lúc còn nhỏ, tôi ngây thơ mơ ước trở thành giáo viên vì đơn giản lúc ấy tôi thấy nghề giáo thật là sướng, cứ mỗi khi đến dịp lễ nào là được học sinh tặng rất nhiều quà. Với cái suy nghĩ non nớt và trẻ con ấy đã hình thành trong tôi một ước mơ trở thành giáo viên cho đến khi hết cấp 1. Khi bước sang cấp 2, sự thay đổi môi trường học tập đã khiến cho tôi có cái nhìn rất khác về nghề giáo. Lúc ấy tôi đã thấy nghề giáo viên rất nghèo, đồng lương nếu đem so sánh với những công ty tư nhân khác thật chênh lệch làm sao. Hơn nữa, nghề giáo viên này chịu nhiều áp lực, cứ hết dự giờ lại tới thao giảng.
Tôi đã chứng kiến thấy cô giáo của mình - người cô mà tôi kính yêu nhất bị bọn nhóc ấy tạt nước ngay khi đứng trên bục giảng. Chúng làm cô òa khóc chạy ra khỏi phòng. Nhìn cảnh ấy tôi thật sự chẳng muốn hướng tới nghề nhà giáo nữa. Mãi cho đến bây giờ nhìn lại cái ước mơ lúc nhỏ, tôi thấy mình thật ngây thơ làm sao và tôi đã quyết định đúng khi không theo đuổi đam mê ấy.
Cứ nhìn thực tại vài tuần lại có vài thầy cô “dạy dỗ” học sinh kiểu bạo lực, thầy cô mà lại dùng giẻ nhét vào miệng học sinh, thầy cô mà lại dùng những ngôn từ thô tục để chửi học sinh, thầy cô mà lại hành hung học sinh như thế… được tung lên mạng. Điều ấy khiến tôi thật sự thất vọng rất nhiều.
Đến năm lớp 8, tôi lại có một ước mơ là làm hướng dẫn viên du lịch, nhìn những anh chị làm nghề này được đi đây đi đó khắp nơi thật thích làm sao. Tôi ước mình trở thành một "cánh chim" có thể tự do bay nhảy không bị ràng buộc. Cứ mỗi khi ba má cãi nhau thì tôi thấy tim mình đau nhói, một chữ bình yên trong gia đình khó đến như thế sau. Và rồi tôi ra biển, hòa mình vào những cơn gió dịu nhẹ pha lẫn mùi muối mặn, thả mình trong dòng nước mát rượi kia cảm giác thật dễ chịu. Tôi muốn đi, đi thật xa làm những gì tôi thích và tôi đã nghĩ đến nghề du lịch. Nghề này sẽ giúp tôi có được những trải nghiệm tuyệt vời, được đi khắp nơi là một điều gì đó rất vĩ đại trong tôi lúc ấy. Nhưng rồi, cái ước mơ ấy cũng đã nhanh chóng bị dập tắt đi khi tôi chuyển tiếp lên cấp 3.
Dường như cứ mỗi lần chuyển bậc học thì suy nghĩ của tôi đã thay đổi đi rất nhiều. Tôi đã chọn một ngôi trường hoàn toàn xa rời bạn bè cấp 2 và chọn ban A hoàn toàn không phù hợp với khả năng của mình. Nếu ở những năm cấp 2 tôi học khá môn Văn bao nhiêu thì nay lên cấp 3 sự khô khan của môn tự nhiên đã lấy đi ít nhiều cảm hứng văn chương của tôi. Năm lớp 10 trải qua khi điểm số của tôi cứ dừng lại ở mức trung bình, tôi thấy mình thật kém cỏi làm sao, chẳng có môn nào thật sự nổi bật. Tôi đã tự tạo cho mình một vỏ bọc đến học kì 1 năm 11, hình ảnh một cô nữ sinh mờ nhạt trong lớp.
Trong một lần tình cờ vào trang web, tôi đã quen với một người và người ấy đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê văn học đã bị dập tắt từ lâu. Tôi bắt đầu đọc sách nhiều hơn và mon men viết bài gửi báo. Tôi nhớ như in cảm giác lần đầu tiên thấy tên mình trên tờ báo ấy. Lúc ấy tôi thật sự rất hạnh phúc, những lời nhận xét từ bạn bè đã khích lệ tôi rất nhiều. Tôi bắt đầu tìm những đề tài mới, những ý tưởng mới để viết. Tôi viết rất nhiều và cường độ cứ ngày càng tăng. Từ một trang báo mạng tôi đã nhảy vọt sang nhiều trang khác, từ việc đi săn tin, phỏng vấn, dịch truyện, tôi lại hăng hái sáng tác truyện ma cho báo thiếu nhi.
Tôi vẫn cứ mãi làm CTV trong im lặng như thế cho mãi đến khi năm 12 tôi viết một bài báo về một người cô mà tôi rất yêu quý. Bài báo ấy đã làm thay đổi cả con người tôi, tôi được nhiều người biết đến hơn, nhiều người khuyên tôi rằng nên đăng kí vào trường báo chí sẽ tốt cho tôi. Lúc này tôi đã thật sự tìm thấy ước mơ của mình, tôi quyết định theo đuổi ước mơ này nhưng thật trớ trêu làm sao, ngành Báo chí ấy lại ở Sài Gòn, Hà Nội, mà gia đình tôi không có đủ điều kiện để tôi có thể đi học xa như thế.
Sau nhiều lần suy nghĩ tôi đã quyết định đăng kí vào trường Đại học Ngoại ngữ tại nơi mình ở. Tôi nghĩ rằng, học ngoại ngữ cũng có thể làm báo dịch được. Ngoài báo chí tôi còn rất thích nền văn hóa Nhật Bản nên tôi đã quyết định đăng kí vào khoa tiếng Nhật. Nhưng tôi không may mắn đậu, tôi rớt NV1 và đậu NV2 vào khoa tiếng Trung. Ban đầu tôi cứ nghĩ rằng học tiếng Trung cũng được, nhưng càng học tôi càng nhận thấy mình thật sự chẳng có một chút hứng thú nào cả, học xong một học kì tôi quyết định nghỉ học trong im lặng. Tôi không thể nói cho ba má biết được vì chắc chắn họ sẽ không bao giờ chấp nhận. Danh dự mà tôi đậu đại học thật quá lớn, chính vì thế mà tôi đã lừa dối ba má, tôi ôn thi lại trong im lặng. Nhiều lúc tôi thấy mình thật sự có lỗi với ba má lắm, nhưng tôi không thể học với ngành mà mình không có đam mê suốt 4 năm học ĐH được. Tôi đã đánh cược cả tương lai của mình trong kì thi ĐH năm ngoái.
Và rồi tôi đã thành công, tôi đã đậu đại học lần thứ 2, lần đậu này đã giúp tôi nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Khi làm bất cứ cái gì cũng cần phải có một ước mơ, một mục đích rõ ràng, một đam mê thật sự, chỉ cần đơn giản như vậy là ta có thể tìm được một nghề nghiệp gắn kết ta cả đời được. Đừng vì những thứ cám dỗ xung quanh mà theo đuổi một cách mù quáng, đến lúc nhận ra có lẽ đã muộn rồi.
Nghĩ lại ước mơ của tôi đã trải qua nhiều sự thay đổi, và cho đến một ngày định mệnh nó đã "tỏa sáng". Một lời khuyên cho các bạn rằng thay vì ngồi than vãn, suy nghĩ ước mơ của mình là gì thì hãy làm bất cứ thứ gì mình thích, ước mơ có thể sẽ xuất hiện trong những khoảnh khắc kì diệu đó. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không có ước mơ, vì nếu không có ước mơ mình sẽ chẳng biết mục đích sống của bản thân là gì cả.
Theo Phan Hằng / Trí Thức Trẻ