GTHN -
Ký ức đưa tôi quay trở lại thời điểm năm 1935 tại thành phố
Newton, bang Massachusetts. Đó là thời kỳ đất nước đang xảy ra tình
trạng suy thoái kinh tế nên cũng như tất cả mọi người, gia đình chúng
tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhà máy nơi cha tôi làm việc
hơn 30 năm buộc phải đóng cửa khiến nguồn thu nhập chính của gia
đình bị cắt đứt hẳn. Kiếm được một việc làm mới vào lúc đó không
phải là chuyện dễ dàng, nhất là đối với một người đàn ông 57 tuổi
chưa tốt nghiệp trung học như cha tôi. Bỗng chốc cha tôi phát hiện ra
mình – một Walter Chapman không việc làm, không tiền bạc và
không cả mơ ước! Tất cả những gì ông có lúc ấy là tôi, đứa con gái bé
bỏng 7 tuổi, em trai tôi - James 4 tuổi, và người vợ nhỏ hơn ông gần
20 tuổi đang mang thai.
Tôi vẫn còn nhớ vào đêm trước lễ Giáng sinh khi tôi đã lên
giường chuẩn bị đi ngủ thì nghe chuông cửa vang lên. Hiếm có ai đến
thăm tổ ấm bé xíu của chúng tôi vào giờ này nên tôi bật ngay dậy để
xem đó là ai.
“Ồ! Dorothy!”, giọng mẹ tôi đầy ngạc nhiên. Tôi nhìn qua khe cửa
để xem Dorothy là ai và nhìn thấy một người phụ nữ đã đứng tuổi với
cách ăn mặc và phục sức rất sang trọng. Tôi thầm nghĩ người này
chắc hẳn phải rất giàu có.
“Katie, tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào”, bà ta
nói. “Chị biết đấy, hai vợ chồng tôi không thể có con nên rất mong
mỏi có được một đứa con nuôi. Chúng tôi có đầy đủ điều kiện để đảm
bảo cuộc sống tốt nhất cho một đứa trẻ. Tôi biết chị và Chappie nuôi
hai đứa lớn cũng khá vất vả nên xin chị cho phép chúng tôi nhận nuôi
đứa nhỏ sắp sinh.
”
Bà ta muốn bắt em bé của tôi ư? Không thể được! Tôi cảm thấy
như nghẹt thở nhưng vẫn cố đứng nép sát cánh cửa phòng ngủ để
theo dõi câu chuyện.
“Katie, chị vẫn có thể đến thăm nó thường xuyên.”
Đến thăm ư? Tại sao bà ta không đến thăm em bé mà lại là mẹ tôi!
Bố mẹ đã đặt nôi em bé cạnh giường tôi rồi. Tôi bật khóc khi nhìn cái
nôi trống không. Tôi rất yêu em James, thích được chơi đùa với em,
thích chải những lọn tóc vàng của em, cho em mặc đồ cũ của tôi và giả
vờ xem em như là bé gái. Tôi đã sẵn sàng đón thêm một đứa em nữa,
vậy mà người phụ nữ này muốn đưa em tôi đi ngay cả trước khi tôi có
thể bế em trong tay.
“Chị nói đúng! Có thể chúng tôi không đủ điều kiện để nuôi cháu”.
Tôi nghe tiếng mẹ cương quyết. “Nhưng nếu Chúa đã cho chúng tôi có
đứa con này thì hẳn Người sẽ có cách giúp chúng tôi nuôi được nó.
”
Hai người còn nói chuyện thêm một lúc nữa rồi bà Dorothy ra về.
Trước khi bước ra cửa, bà vẫn còn nuôi hy vọng khi quay lại dặn mẹ
tôi: “Katie, khi nào chị thay đổi ý định, hãy cho tôi biết nhé! Tôi có thể
đến đón cháu bất kỳ lúc nào”.
Bất kỳ lúc nào ư? Tôi nghĩ bụng: “Từ bây giờ mình phải để ý đến
việc này thôi!”.
Buổi sáng ngày 25 tháng 1 năm 1936, mẹ tôi dịu dàng ôm tôi và
James vào lòng và cho biết rằng mẹ sắp vào bệnh viện sinh em bé. Tôi
nhớ mình đã ôm hôn tạm biệt mẹ và hứa với mẹ rằng sẽ ở nhà ngoan
- lời hứa mà tôi luôn bị bắt buộc phải nói mỗi khi chia tay. Tôi mong
có một đứa em gái vì tôi đã có em trai rồi nhưng mẹ tôi lại cho ra đời
một bé trai. Khi nghe bố thông báo tin đó, tôi tự hỏi không biết mẹ có
cho em bé làm con nuôi không bởi vì tôi biết mẹ cũng thích con gái.
Tôi quyết định là mình phải chăm sóc em bé thật tốt và nếu bà
Dorothy có trở lại thì tôi sẽ giấu em đi ngay.
Khi bố mẹ đưa em bé về nhà, tôi nhìn em và cảm thấy yêu em
ngay tức thì. Tôi ngồi cạnh nôi em hàng giờ và đọc cho em nghe
những câu chuyện mà em không thể nào hiểu được. Tôi còn làm thơ
về em gửi đến tạp chí Wee Wisdom. Tác phẩm đầu tiên của tôi – bài
thơ Em bé của tôi đã được đăng trên số báo xuất bản vào tháng 4
năm 1936. Có thể bây giờ, bài thơ này không tạo ấn tượng gì đặc biệt,
nhưng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, tạp chí Wee Wisdom
đã tìm lại bài thơ Em bé của tôi và cho in lại.
Khi em bé được vài ngày tuổi, bố mẹ bắt đầu bàn bạc về việc đặt
tên cho em. Tôi được đặt theo tên của bà nội và bà ngoại là Florence
và Marcia. James thì được mang tên của ông ngoại và có tên lót là
Walter, trùng với tên của bố tôi. Rõ ràng là trong hai lần đặt tên
trước, mẹ đã thuyết phục được bố tôi nên lần này bố tỏ thái độ cương
quyết: “Anh muốn được đặt tên con theo tên hai người bạn thân nhất
của anh là Ralph và Fred”. Thế là em tôi có tên thánh là Ralph
Frederick Chapman. Cả hai chú Ralph và Fred đều không có con nên
họ đã rất xúc động khi biết bố tôi lấy tên của họ đặt cho con mình. Vài
tháng sau đó, với sự hỗ trợ tài chính của hai người bạn này, bố tôi đã
mua được cửa hàng Riverside Variety ở Haverhill, Massachusetts và
chuyển cả gia đình về đó.
Nơi chúng tôi dọn đến là một căn nhà màu nâu tồi tàn bên ngoài
dán đầy những hình trang trí màu vàng, phía sân sau có hai xưởng
sửa xe. Bên trong căn nhà là một cửa hiệu chất đầy kẹo và bánh. Nơi
này đã trở thành phòng khách, phòng ăn và phòng sinh hoạt của cả
gia đình chúng tôi. Sau cửa hàng có một gian bếp nhỏ; một phòng ngủ
bé xíu cho cả năm con người và thêm một khoảng không gian trống
chỉ đủ để kê một chiếc ghế trường kỷ và cây đàn piano.
Cửa hiệu nhỏ đến nỗi nếu chúng tôi nói chuyện ở phòng trong thì
khách hàng đứng bên ngoài vẫn có thể nghe được rất rõ. Đã vậy mà cả
nhà tôi đều có giọng nói to, thế nên bố tôi quy ước rằng nếu chúng tôi
đang nói về ai mà người đó bước vào cửa hàng thì ông sẽ báo hiệu
bằng cách hát “Holy, Holy, Holy”. Quy ước này ăn sâu trong ký ức tôi
đến mức giờ đây mỗi khi tôi đang nói mà bất chợt nghe lại giai điệu
này thì dù ở bất cứ nơi nào, tôi cũng khựng lại ngay theo một phản xạ
hết sức tự nhiên.
Cuộc sống ở cửa hàng mới tỏ ra là một thế giới đầy hấp dẫn đối
với Ralph vì ngày nào Ralph cũng có một số khán giả nhất định. Ngay
từ khi biết nói một câu hoàn chỉnh, cậu bé đã thể hiện năng khiếu hài
hước tuyệt vời và có ý niệm chính xác về thời gian. Ralph tiếp thu
nhanh chóng những gì tôi dạy và có khả năng lặp lại những mẫu
quảng cáo trên tivi một cách chuẩn xác với một giọng điệu hết sức
ngộ nghĩnh khiến nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để nghe cậu bé nói.
Những khi cửa hàng vắng khách, tôi dẫn Ralph xuống xưởng sửa xe
chơi, và những người thợ sửa xe cũng cho tiền để được nghe cậu bé
đọc thơ.
Nhưng khi đến tuổi đi học, sự hài hước của Ralph đã gây ra
không ít phiền toái. Không phải giáo viên nào cũng thích tính hài
hước đôi khi quá mức của cậu bé. Thậm chí một số thầy cô đã phải
thất vọng thốt lên: “Sao em chẳng thông minh giống anh chị của em
chút nào vậy!”. Mẹ tôi cũng rất sợ phải nghe lời phê bình của các thầy
cô giáo về Ralph nên tôi phải đi thay mẹ trong các cuộc họp phụ
huynh lớp em. Và khi về thuật lại cho mẹ nghe, tôi thường giấu bớt đi
những trò nghịch ngợm của Ralph.
Khi Ralph vào trung học, mẹ tôi đã phải nhiều lần giúp em làm
các bài luận văn chương. Môn tiếng La-tinh và môn đại số cũng là
một cực hình không kém đối với Ralph. Tôi vẫn còn nhớ lần em đang
cố gắng giải bài toán yêu cầu tính tỷ lệ tấn cà phê Colombia với cà phê
Braxin trong hỗn hợp. Ralph đã nhìn mẹ và nói: “Cách duy nhất để
con có thể làm được bài toán này là gọi điện đặt hai tấn cà phê, đổ tất
cả trước cửa hàng, trộn chúng lại rồi chúng ta sẽ mang thìa to ra đong
đếm”. Lần đó, mẹ tôi, người mẹ mà trong đầu không có ý niệm gì về
sự khôi hài, cũng không nhịn được cười.
Em tôi dành hầu hết thời gian của mình để nghe đài phát thanh
và học lời những bài hát đang thịnh hành lúc đó. Ralph để dành tiền
mua đĩa của Spike Jones. Chẳng bao lâu sau em đã có thể hát được tất
cả các bài hát của Spike và trở thành một diễn viên được yêu thích ở
những buổi biểu diễn địa phương. Chị em tôi cùng nhau dành dụm
tiền mua một cái máy ghi âm cũ và Ralph bắt đầu thu đĩa nhạc cho
riêng mình. Ralph nhờ một người bạn đệm đàn piano để ghi âm bài
hát Mule Train và mang đĩa đến đài phát thanh địa phương WHAV
với hy vọng được phát bài hát của mình. Lúc đó chúng tôi không dám
tin rằng đài phát thanh này lại có thể đồng ý phát một đĩa hát được
sản xuất tại nhà và làm cho đĩa hát ấy nổi tiếng cả. Thế nhưng hy vọng
của Ralph đã trở thành hiện thực.
Lúc Ralph học trung học thì tôi trở thành giáo viên và dạy học tại
trường của em. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn cùng nhau đến trường và trở
về nhà. Tôi vẫn luôn quan tâm đến Ralph như một người mẹ, người
chị và cả cô giáo của em. Tôi vẫn thường chia sẻ tất cả những kinh
nghiệm và kiến thức tôi học được với Ralph. Hai chị em chúng tôi
được xem như là một đôi khắng khít và thường được mời tham gia
các buổi tiệc. Sự hiện diện của chúng tôi làm cho không khí buổi tiệc
trở nên sinh động hơn. Chúng tôi luôn cập nhật tin tức về tình hình
thế giới và chuẩn bị sẵn một số ý tưởng cho các đề tài thời sự nóng
hổi. Rồi chúng tôi đợi cho đến khi có ai đó nêu các đề tài này ra và bắt
đầu thảo luận. Sự “bộc phát đã được chuẩn bị trước” này khiến chúng
tôi trở thành linh hồn của mọi cuộc vui.
Có lẽ điều duy nhất Ralph tỏ ra thích thú ở trường học là các ban
nhạc và dàn đồng ca. Em học thổi kèn trumpet và học luyện giọng.
Năng khiếu bẩm sinh đã giúp em trở thành học sinh xuất sắc trong cả
hai lĩnh vực này. Nhưng Ralph vẫn không thôi những trò nghịch
ngợm. Khi ban nhạc không hoạt động thì tất cả nhạc cụ được cất giữ
trong một nhà kho có khóa và hàng rào chăng dây xích xung quanh.
Kho nhạc cụ nằm gần nơi tôi dạy học và Ralph được giao chìa khóa
kho. Khi thấy không có ai ở gần đấy, em liền mở cửa và xếp chiếc kèn
tuba sao cho miệng kèn thò ra ngoài lỗ hàng rào. Lúc giờ học bắt đầu,
em đến gần kho và vỗ thật mạnh vào miệng kèn. Khi giáo viên trong
trường nghe tiếng kèn và chạy đến tìm kẻ phá phách thì chỉ thấy cái
kho nhạc cụ vắng lặng và vẫn được khóa kín. Không ai hiểu được tại
sao cái kèn lại có thể tự kêu trong cái kho khóa kín đó. Hội đồng giáo
viên của trường đã họp lại và thống nhất giao cho một thầy giáo
nhiệm vụ gác cửa kho nhạc cụ suốt ngày. Thế nhưng tiếng kèn ấy vẫn
phát ra. Sau nhiều lần tìm kiếm thủ phạm không thành công, người
thầy giáo ấy buộc phải từ chối công việc này.
Trò tiếp theo của Ralph là biến lớp học đánh chữ thành một ban
nhạc. Trước khi bắt đầu giờ học, Ralph thông báo cho các học viên
mới đánh máy bài hát mà Ralph đã chọn. Khi giáo viên vào lớp và
giao bài tập đánh máy cho cả lớp thì mọi cặp mắt đều quay về phía
Ralph. Khi Ralph gật đầu làm hiệu, cả lớp liền đánh máy lời bài hát
đã chọn. Alexander’s Ragtime Band là bài đánh máy được yêu thích
vì cứ hết mỗi dòng là chuông lại reo, còn Jingle Bells là bài hát được
ưa chuộng nhất vào dịp Giáng sinh. Để em không bị đánh rớt trong
môn học này, tôi đã phải hứa với giáo viên của lớp rằng Ralph sẽ
dừng việc đánh máy các bản nhạc và rằng tôi sẽ không bao giờ cho
phép em thực hiện các bài tập đánh máy nếu không có sự đồng ý của
thầy giáo.
Không thể không nhắc đến phong trào trồng vườn cũng vào thời
trung học của Ralph. Những học sinh tham gia trồng vườn vào mỗi
mùa hè sẽ nhận được 1/4 điểm thành tích hoạt động. Để có được 1/4
điểm này, mỗi học sinh phải trồng một vườn cây riêng, phải ghi chú
chi tiết thời gian gieo hạt, thu hoạch và nộp báo cáo vào thời điểm
khai giảng năm học mới cùng với một mẫu sản phẩm. Ralph đã đăng
ký phong trào này để có thêm điểm số cho kỳ tốt nghiệp cuối khóa.
Thế nhưng, suốt cả ba mùa hè, em chẳng trồng được cây nào cả. Mỗi
năm học mới bắt đầu, tôi và em đã phải chạy đến vườn cây nhà bà Lil
và mua tất cả những gì có trong vườn. Sau đó tôi lại viết giúp em một
bản báo cáo về thời gian gieo hạt, nảy mầm và phát triển rồi đính kèm
vào giỏ sản phẩm em mang nộp cho thầy giáo. Nếu không có 1/4 số
điểm làm vườn thì chắc hẳn Ralph khó mà tốt nghiệp trung học được.
Ngày lễ tốt nghiệp, lúc ngồi trên hàng ghế dành cho phụ huynh, mẹ
tôi đã thì thầm: “Lẽ ra hai mẹ con mình mới là người được nhận bằng
tốt nghiệp hôm nay. Chúng ta đã làm gần hết mọi việc cho Ralph còn
gì!”.
Phải, mẹ và tôi đã làm phần lớn mọi việc, nhưng Ralph lại là
người có khả năng thuyết phục chúng tôi làm những việc ấy. Lúc ấy,
hai mẹ con tôi không hề nghĩ rằng sẽ có ngày Ralph thành công như
ngày nay vì mẹ tôi vẫn luôn lo sợ: “Nếu sau này nó vẫn không nghiêm
túc và thực sự làm việc thì có lẽ cuộc đời nó sẽ chẳng đi đến đâu được
cả”.
Đến khi trở thành sinh viên đại học, Ralph đã cộng tác với WHAV
trong việc đọc tin tức và thực hiện những buổi phát sóng quảng cáo
sản phẩm trực tiếp. Ralph còn được đặc cách thực hiện chương trình
riêng dài mười lăm phút của mình hai lần một tuần.
Mỗi buổi sáng, em mở radio để nghe chương trình Carl de Suez
của đài Boston’s WBZ-AM. Carl là một nhân vật nổi tiếng và được yêu
thích ở nước Anh. Ralph nhanh chóng học theo và chẳng bao lâu em
đã có thể hát được tất cả các bài hát của Carl phát trên sóng. Ralph
ngưỡng mộ Carl vì: “Anh ấy là nguồn động lực để em thức dậy sớm
mỗi ngày. Với anh ấy, dường như buổi sáng nào cũng là một khởi đầu
tuyệt vời cho một ngày mới. Carl làm em cảm thấy thoải mái và phấn
khích khi làm việc”.
Từ đó, Ralph đã thức dậy sớm để được nghe chương trình của
Carl, để bắt đầu một ngày mới đầy sức sống và để cảm nhận ý nghĩa
của cuộc sống. Và với khả năng âm nhạc xuất chúng, với suy nghĩ
nhạy bén và khiếu khôi hài đặc biệt, em đã làm được nhiều điều mà
không ai trong gia đình chúng tôi từng nghĩ đến.
Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer