GTHN - Chúng ta vẫn thường nghe nói “anh A sướng”, “chị B khổ”. Liệu có đúng là người này sướng hơn (hay khổ hơn) người kia hay không? Cá nhân tôi đã từng rơi nước mắt khi chứng kiến những cảnh đời đau khổ, những con người tuy đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn sống mãi trong cảnh vất vả, lam lũ. Tôi đã từng nhiều lần tự nhủ: “Tại sao lại như thế. Cuộc đời sao thật bất công”. Có thật là cuộc đời bất công không? Đã từ lâu tôi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này.
Trải qua những biến cố, những thăng trầm của cuộc đời, có một câu nói (mà tôi tình cờ đọc ở đâu đó) luôn vang vọng trong tâm trí tôi: “Con cứ yên tâm, Ông trời rất công bằng!”. Có đúng là “Ông trời” rất công bằng không? Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày những điều tôi đã nghiệm ra từ kinh nghiệm bản thân và từ sự tìm hiểu của tôi về cuộc đời những người khác.
Tôi hy vọng bài viết sẽ là một làn gió mát, một tia nắng ấm sưởi ấm cho những tâm hồn đang đau khổ. Nó cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đang vui hưởng hạnh phúc (đặc biệt là đang vui hưởng những hạnh phúc không phải do nỗ lực của chính bản thân).
Trong trời đất tồn tại một sức mạnh vô hình để gìn giữ mọi vật luôn luôn ở trang thái cân bằng. Nếu không có sức mạnh vô hình này mọi vật sẽ rơi vào trạng thái hỗn độn. Sức mạnh vô hình đó chính là luật cân bằng.
Sức mạnh vô hình đó cũng luôn tồn tại trong cuộc đời của một con người. Luật cân bằng trong cuộc đời của một con người được phát biểu như sau:
Tổng cộng của tất cả hạnh phúc trừ đi tổng cộng của tất cả đau khổ trong toàn bộ cuộc đời của một con người (của bất cứ ai) là bằng 0.
Cuộc đời con người là một chuỗi những giai đoạn hạnh phúc và đau khổ kế tiếp nhau. Hết giai đoạn hạnh phúc rồi lại đến giai đoạn đau khổ rồi lại đến một giai đoạn hạnh phúc khác và cứ liên miên bất tận như vậy. Nhưng nếu cộng tất cả hạnh phúc trong toàn bộ cuộc đời của một người, nếu cộng tất cả đau khổ trong cuộc đời của một người, thì tổng hạnh phúc phải bằng tổng đau khổ. Không một ai hạnh phúc nhiều hơn đau khổ và cũng không một ai đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, nếu xét trên toàn bộ cuộc đời.
Đúng là tại một thời điểm có thể anh A sướng hơn chị B. Nhưng đó chỉ là một thời điểm trong giai đoạn hạnh phúc của anh A, sau giai đoạn hạnh phúc, một giai đoạn đau khổ đang chờ đón anh A. Cũng vậy, có thể hiện tại chị B đang ở trong giai đoạn đau khổ. Nhưng sau giai đoạn đau khổ, một giai đoạn hạnh phúc đang chờ đón chị B. Hết hồi thái lai lại chuyển sang giai đoạn bĩ cực, nhưng hết cơn bĩ cực lại đến hồi thái lai. Cuộc đời là vậy, ngàn năm trước đã thế và ngàn năm sau vẫn vậy.
Như vậy ta thấy tất cả chúng ta chỉ khác nhau về cường độ (độ mạnh yếu) và độ dài (thời gian) của hạnh phúc và đau khổ nhưng hoàn toàn giống nhau về việc tổng của hạnh phúc trừ đi đau khổ bằng 0. Anh có những niềm hạnh phúc của anh nhưng cũng có những nỗi đau khổ mà chỉ riêng anh biết và cảm nhận được (nhiều khi người ngoài không hề biết). Tôi có những niềm hạnh phúc của tôi và cũng có những nỗi đau khổ mà chỉ riêng tôi biết và cảm nhận được. Nhưng nếu tôi và anh, chúng ta đem đặt tất cả hạnh phúc và đau khổ lên bàn cân thì tôi và anh không ai sướng hơn ai, không ai khổ hơn ai. Chúng ta bình đẳng!
Xin lưu ý là hạnh phúc và đau khổ bàn ở đây phải là hạnh phúc và đau khổ do chính người trong cuộc cảm nhận. Sẽ là sai lầm nếu nhìn bề ngoài những con người đang sống trong sự giàu có, xa hoa và cho rằng họ đang hạnh phúc. Thực ra những con người đó cũng có những nỗi đau khổ ngấm ngầm bên trong ví dụ như lao tâm khổ tứ về kinh doanh, mất mát về tình cảm, hay bệnh tật âm thầm… Thông thường, nhiều người trong chúng ta muốn phô ra những thứ mà người ngoài thèm muốn và giấu đi những nỗi đau ở bên trong không cho người ngoài biết.
Cuộc đời của một vị tổng thống không hạnh phúc hơn cuộc đời của một cậu bé đánh giầy. Cuộc đời của một tỷ phú không hạnh phúc hơn cuộc đời của một người ăn mày. Cậu bé đánh giầy hay người ăn mày có những niềm hạnh phúc mà vị tổng thống hay nhà tỷ phú không bao giờ có được. Và ngược lại, vị tổng thống hay nhà tỷ phú có những niềm hạnh phúc mà cậu bé đánh giầy hay người ăn mày không có được.