Quan tâm khát vọng bản thân

GTHN - Ước mơ chỉ có thể được thực hiện khi xuất phát từ chính khát vọng của bản thân, không chịu bất kỳ sự chi phối của gia đình hay các tác động xã hội khác. Bạn có một khao khát mãnh liệt thôi thúc được thực hiện, nhưng lại cảm thấy nó thiếu thực tế hoặc không phù hợp với kỳ vọng hay truyền thống của gia đình? Tôi xuất bản cuốn sách đầu tay Silver Boxes: The Gift of Encouragement (Những chiếc hộp bạc: Món quà của sự động viên) khi đã gần 50 tuổi với mong muốn đem đến cho mọi người niềm hy vọng rằng “Không bao giờ là quá trễ để ước mơ”. Tôi đã nhận được rất nhiều thư và điện thoại của độc giả gửi đến với nội dung đa phần là: “Nếu trước đây tôi được nghe dù chỉ một lời động viên thôi, có lẽ cuộc đời tôi sẽ hoàn toàn khác”. Thật sự, trong mỗi chúng ta, ai cũng có một khát vọng tiềm tàng nhưng chưa gặp được mảnh đất tốt và điều kiện phù hợp để đâm chồi nảy lộc. 


Ngay từ khi còn nhỏ, Carolyne đã rất thích vẽ tranh và mơ ước trở thành một họa sĩ. Tuy nhiên, mọi người trong gia đình đều cho rằng nghề này không thể đảm bảo cuộc sống nên đã khuyến khích cô theo học nghề khác. Trước ngày cô tốt nghiệp trường luật, bố cô đột ngột qua đời trong một tai nạn. Cuộc sống của Carolyne phút chốc trở nên mất thăng bằng. Ngoài nỗi đau mất đi điểm tựa tinh thần quan trọng, cô còn cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa khi nhìn về tương lai nghề nghiệp. Cô trở nên sống khép kín với nỗi buồn của riêng mình. 

Rồi Carolyne tham gia các hoạt động của nhà thờ với hy vọng nỗi đau buồn sẽ nhanh chóng nguôi ngoai và cô sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Người quản lý lớp học ngày Chủ Nhật phát hiện ra năng khiếu vẽ tranh của Carolyne trong một lần tình cờ nhờ cô vẽ vài bức tranh minh họa cho lớp mẫu giáo. Khi được giao nhiệm vụ vẽ tranh, cô cảm thấy thật phấn khởi. Từ bước khởi đầu này, cô đã chính thức tham gia giảng dạy cho nhóm học sinh mẫu giáo. Sau này, Carolyne kể lại: “Tôi đã đi dạy được 12 năm và tôi rất yêu công việc này. Không chỉ được làm công việc đúng với sở trường của mình, tôi còn có thể giúp các em khám phá thế giới qua những bức tranh đầy màu sắc. Tôi không ngừng nâng cao chuyên môn của mình và vừa mới đây, tôi đã nhận được bằng thạc sĩ vẽ tranh minh họa cho sách thiếu nhi”. 

Định hướng nghề nghiệp của Carolyne đã bị chệch khỏi quỹ đạo ước mơ của riêng cô trong một thời gian dài vì cô cố gắng để hoàn thành ước mơ của gia đình. Nhưng cuối cùng Carolyne cũng đã trở về được với chính mình. 

*** 

Trong một chuyến bay trở về nhà từ South Carolina, tôi ngồi gần Sylvia, một bác sĩ nhi khoa. Khi thấy tôi say sưa viết, Sylvia đã gợi chuyện và tôi đã kể cho cô nghe về cuốn sách của mình. Sau khi nghe tôi tóm tắt nội dung cuốn Dám ước mơ này, cô bảo rằng: “Chị biết không, tôi chính là kết quả của một ước mơ” và tâm sự với tôi về gia đình của cô. 

Sylvia sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là những người di cư đến Mỹ sau Thế chiến thứ 2. Bố cô là người Latvia, còn mẹ là người Hà Lan. Cuộc sống mới của bố mẹ cô bắt đầu ở Grand Rapids, bang Michigan, nơi có cộng đồng người Hà Lan sinh sống. Hai người đã cố gắng học ngôn ngữ mới và chấp nhận làm bất cứ công việc gì để kiếm sống. Khi Sylvia ra đời, cả hai đã quyết tâm phải làm mọi cách để bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cô, để cô không phải sống những tháng ngày cực khổ như bố mẹ. Cả hai dành cho cô sự quan tâm cao nhất với mong muốn cô sẽ trở thành bác sĩ – giấc mơ mà mẹ cô phải từ bỏ giữa chừng do những khó khăn của cuộc sống. Họ sống vô cùng tiết kiệm để đủ tiền trang trải việc học cao đẳng và đại học cho Sylvia. Sau khi hoàn tất khóa thực tập, cô xin được việc làm tại một bệnh viện lớn ở Albermarle, North Carolina. Sylvia đã thành công như mong muốn của bố mẹ. Cô chính là kết quả ước mơ của họ. Sau đó vài năm, tôi nhận được thư của Sylvia. Trong thư, cô viết rằng sau lần trò chuyện với tôi, cô mới nhận ra rằng cuộc sống ổn định, yên ả mà cô đang có thật ra lại là ước mơ của bố mẹ. Riêng với cô, nó thật tẻ nhạt và thiếu đi những điều thú vị. Nhìn lại bản thân, cô mới thấy mong muốn thật sự của mình là được thử sức trong lĩnh vực kinh doanh. Và tôi đã cảm nhận được sự hồ hởi, phấn khích trong thư khi cô khoe rằng mình đã thành công với chuỗi cửa hàng kinh doanh hoa tươi. 

Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta cũng như Carolyne, như Sylvia, mải chạy theo việc thực hiện ước mơ của người khác. Đã đến lúc chúng ta nên xác định ước mơ cho riêng mình. 

*** 

Đã bao giờ bạn nhận thức được rằng cái lưỡi có một quyền lực vô cùng to lớn không? “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” quả thật là một câu nói hoàn toàn chính xác. Cái lưỡi có thể nói những điều tích cực, động viên chúng ta có thêm sức mạnh, niềm tin. Nhưng cũng chính cái lưỡi lại thốt ra những câu nói đầy ngụ ý tiêu cực, khiến ta nhanh chóng nản lòng, bỏ cuộc. Cái lưỡi có thể biến chúng ta thành kẻ tội phạm nhưng cũng có thể nâng chúng ta lên thành một anh hùng trong mắt mọi người. Chính vì vậy, bạn hãy cẩn trọng với từng lời nói của mình. Đặc biệt là đối với con trẻ, lời nói của bạn có thể phá vỡ ước mơ của chúng hoặc ngược lại, sẽ giúp chúng phát huy tối đa sự sáng tạo! 

Khi Jim, em trai tôi, làm mục sư trong Học viện Không quân, cậu ấy đã gặp phải một tình huống giống như trong bộ phim đoạt giải Oscar năm 1989 Dead Poets Society của đạo diễn Peter Weir. Nếu ai đã từng xem bộ phim này và nghe Jim kể về tình huống cậu ấy gặp phải sẽ cho rằng đó là hai câu chuyện của cùng một tác giả. Một sinh viên học viện đã đến tâm sự với Jim về ý định nghỉ học. Cậu ta mong muốn được vào học ở Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng lại không biết làm cách nào để rời khỏi học viện này. Qua câu chuyện, Jim biết rằng bố cậu ta là một đại tá không quân và vị đại tá này đã định sẵn tương lai cho con trai của mình là phải vào học ở Học viện Không quân. Ông đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để cậu con trai thực hiện được ước mơ không phải của chính cậu mà là của cha mình!

Trở về nhà nhân dịp Giáng sinh, chàng sinh viên đã thú thực với cha mình ý định thôi học. Cha cậu đùng đùng nổi giận, khăng khăng cho rằng chính mục sư Jim là người đã nhồi nhét vào đầu con ông ý tưởng điên rồ này, và rồi bắt buộc cậu phải trở lại học viện. Ông mắng chàng trai là kẻ thất bại, là người không làm nên việc gì và nói: “Nếu các bạn của cha biết là con không hoàn thành nổi chương trình huấn luyện ở học viện, họ sẽ nghĩ như thế nào về cha?”. Chàng sinh viên lặng lẽ trở lại trường, kể cho Jim nghe kết quả cuộc nói chuyện giữa hai cha con cậu rồi đến trường tập bắn rút súng tự sát. Một kết cục thật đau buồn và đáng để chúng ta phải suy nghĩ. 

Tom Hopkins hiện đang là một trong những nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ. Anh vừa là một chuyên gia bán hàng thành công vừa là nhà diễn thuyết động viên tinh thần con người. Sẽ không có một Tom Hopkins nổi tiếng như ngày nay nếu anh chấp nhận đi theo con đường mà bố mẹ đã định sẵn cho anh là trở thành một luật sư. 

Lần đầu tiên tôi gặp Tom là trong một cuộc hội thảo những nhà diễn thuyết xuất sắc. Tom đã tạo cho tôi một ấn tượng ban đầu thật sâu sắc bởi khả năng nói chuyện lưu loát và thuyết phục của anh. Khi đã trở nên thân thiết, Tom cho tôi biết: “Bố tôi suốt đời chỉ có một ước mơ cháy bỏng là được nhìn thấy tôi trở thành luật sư nổi tiếng. Thế nên bố mẹ tôi đã cố gắng tiết kiệm tiền để gửi tôi - đứa con trai lớn - vào học một trường luật nổi tiếng. Nhưng chỉ sau ba tháng nhập học là đủ để tôi nhận ra rằng đây không phải là chỗ thích hợp dành cho tôi. Tôi quyết định bỏ học và quay về nhà! Cha tôi vô cùng thất vọng vì tôi đã làm tan vỡ ước mơ mà ông đã ấp ủ về tôi trong suốt 15 năm qua. Có lần không kiềm được cảm xúc của mình, ông vào phòng tôi và bảo: ’Tommy, bố mẹ đã hy sinh rất nhiều để con được vào đại học. Bố mẹ muốn con biết rằng lúc nào bố mẹ cũng yêu con dù rằng con sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì ra hồn như bố mẹ mong muốn’”. 

Thật sự, Tom đã cảm thấy vô cùng có lỗi khi làm bố mẹ phiền lòng. Anh nói thêm: “Tôi ghét cái cảm giác rằng mình chính là nguyên nhân gây ra sự buồn khổ cho cha mẹ. Tôi nhận ra rằng cuộc nói chuyện với cha mẹ ngày ấy chính là “buổi diễn thuyết” đầu tiên về sự động viên trong cuộc đời tôi. Từ ngày đó, tôi quyết tâm sẽ theo đuổi ước mơ của riêng mình để có thể làm được một việc gì đó không những phù hợp với mong muốn của chính tôi mà quan trọng hơn cả là để bố mẹ lại có thể tự hào về tôi. Sau này, khi đã thành công và tạo được tên tuổi nhất định trong lĩnh vực bán hàng, tôi quyết định chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Trong vai trò một người diễn thuyết, tôi đã có cơ hội giúp hàng trăm ngàn người thành công khi khuyến khích mọi người xác định và nuôi dưỡng ước mơ riêng và hướng dẫn cách chuyển biến những ước mơ ấy thành hiện thực”. 

Mỗi lần tiếp xúc với Tom, tôi lại cảm thấy yêu mến và nể phục anh hơn. Anh luôn mong muốn được giúp đỡ người khác với tất cả khả năng của mình. Ngoài ra, tôi nhận thấy Tom còn là người khao khát học hỏi, khám phá những hiểu biết mới khi anh sẵn sàng dành thời gian đến tham dự buổi diễn thuyết của tôi. Không phải người nào ở địa vị như Tom cũng làm được điều này. Tom đã thực sự làm được “một việc ra hồn” vì anh đã “dám ước mơ”, đã dám làm theo khát vọng của riêng mình!

Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer
DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !