GTHN - Trở thành một hoạ sĩ lớn. Phát minh cỗ máy thời gian. Là một nhà thiết kế. Là siêu nhân cứu vớt cả thế giới. Được nhìn thấy Đại Tây Dương hay đơn giản chỉ là nắm tay một ai đó… Dù nhỏ bé hay to lớn, mỗi một con người đều có cho mình ít nhất một giấc mơ cho tương lai, những khát khao, hoài bão. Nhưng đâu đó trên đường đời, những giấc mơ bị mất. Một số trong chúng ta vật lộn để giành giật lại. Một số để chúng ra đi mãi mãi. Và đây là những câu chuyện làm trái tim chúng ta thắt nghẹn – những câu chuyện về giấc mơ bị đánh cắp.
Giấc mơ bị đánh cắp từ khi chào đời
Ngày 16/04/1988, một bé gái được sinh ra tại bệnh viện Hoà Bình được bố mẹ đặt cái tên là Nguyện với hy vọng mọi ước mơ của cô bé sẽ thanh hiện thực. 5 tháng sau, các bác sỹ thông báo rằng Nguyện bị liệt bẩm sinh, gần như bất động hoàn toàn. Cả thế giới như sụp đổ trước ông Bến – bà Ngọ, mọi ước mơ mà họ dành cho cô bé tan biến hỉ còn một lời cầu nguyện mà họ chắc sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.
Chiếc cột sống vẹo hình chữ S và cơ thể quá yếu đến mức chưa một lần Nguyện có thể tự ngồi. Cuộc sống hiển hiện rõ qua mắt Nguyện nhưng em không thể đi cùng nó. Nhưng có lẽ chính vì thế mà Nguyện có một khả năng quan sát tốt và em bắt đầu thể hiện lại cuộc sống theo cách của mình. “Tôi vẽ, những bức tranh đầu tiên là cảnh gia đình quây quần, sum họp. Qua đó, tôi muốn gửi ước mơ mong mẹ sớm về nhà sau những ngày dài lo toàn từng miếng cơm manh áo. Tôi vẽ, vì thế giới bên trong những bức tranh có khả năng chắp cánh cho tâm hồn, là nơi tôi có thể thoả sức vẫy vùng với trí tưởng tượng, với niềm mơ.”
Nhiều người cho rằng Nguyện đã mơ mộng quá khi muốn trở thành nhà thiết kế đồ hoạ. Một cô gái đang còn phải mặc áo nẹp để có thể tự ngồi được thì lấy sức đâu để bước chân vào lĩnh vực năng động này. Nguyện quyết tâm rời bỏ gia đình khăn gói quả mướp xuống thủ đô học tập. Hành trang mang theo luôn không thể vắng bóng chiếc xe lăn đã phai bạc cùng thời gian và áo giáp nhựa nặng 1kg để giúp Nguyện chống chọi với bệnh vẹo cột sống bẩm sinh. Nhưng mọi chuyện đã không dễ dàng như Nguyện nghĩ. Đến nơi nào cô cũng được ánh mắt cảm thương kèm vào đó là cái lắc đầu từ chối rằng cô không đủ khả năng để theo đuổi đồ hoạ, rằng cô có thể chọn một hướng đi nhẹ nhàng hơn.
Chôn chặt niềm tự ái, tủi thân vào sâu đáy lòng, Nguyện lại tiếp tục đi, bánh xe của cô tiếp tục lăn cho tới khi tìm thấy được ước mơ của mình.
Chiến tranh huỷ diệt cả những thứ vô hình
“Những mẩu giấy quý giá để dành viết thư về cho gia đình, còn đất là toan vẽ, khúc cây làm bút. Các bức tranh của tôi chỉ tồn tại trong chốc lát trước khi cuộc hành quân tiếp tục”. Người đàn ông chừng 60 tuổi, mái tóc đã ngả màu nhưng đôi mắt vẫn tinh anh đăm chiêu kể lại.
Cách đây hơn 40 năm, chàng trai trẻ Huy luon nghĩ rằng mình sẽ trở thành một hoạ sỹ. Tuy nhiên đúng lúc 17 tuổi, cuộc kháng chiến chông Mỹ đã kéo Huy ra khỏi ước mơ thực sự đầu tiên trong đời. Cùng hàng vạn thanh niên khác, Huy gác bỏ ước mơ riêng để thực hiện ước mơ của cả dân tộc – ước mơ thống nhất.
Nhưng ước mơ không dễ phai nhạt đến thế. “Thậm chí khi ở bên chiến hào, có gì đó cứ thôi thúc ngón tay tôi nguệch ngoạc trên mặt đất khói bụi, có khi nhuốm cả máu”. “Tôi vẽ những cánh rừng trơ trụi, những ngôi làng rực cháy, những đồng đội ngã xuống. Chiến tranh đã huỷ diệt tất cả, kể cả thứ vô hình như những ước mơ. Ước mơ khi ấy của tôi không còn là hoạ sỹ nữa, mà là hoà bình, được trở về nhà”. “Năm 72, tại chiến trường Quảng Trị, một quả pháo gần ngay người, tôi đã bị thương nặng, nhưng tôi còn may mắn lắm”. Ông Huy mỉm cười, giơ đôi cánh tay đã cụt mất phần mà người đời gọi là “khó hai bàn tay”.
Tôi đã tự tay bóp chết ước mơ của mình
Người ta hay đổ lỗi cho những lý do khách quan khi ước mơ bị mất: bố mẹ cấm đoán, hoàn cảnh không cho phép, mình không đủ khả năng,… Hiếm ai dũng cảm thú nhận rằng chính mình đã để mất giác mơ như cô gái Ngô Minh Thư (19 tuổi). Đây là trích đoạn từ một tâm sự của Thư:
“Tôi mơ… rất nhiều.
Nhưng có một giấc mơ cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện trong giấc ngủ của tôi từ thuở bé đến tận giờ. Nó không còn là giấc mơ nữa, giờ nó đã trở thành ước mơ.
Tôi mơ thấy mình là một hoạ sỹ. Tôi đứng trong một xưởng vẽ tràn ngập ánh sáng.
Những bức tranh tôi vẽ, hết bức này đến bức khác, xếp hoặc treo, kín đặc bốn bức tường. Dưới chân tôi, những bảng pha màu lộn xộn chứa đủ các màu sắc rực rỡ như đang nhảy nhót. Tôi hít hà mùi sơn dầu, mùi hoá chất. Tôi yêu thứ mùi ấy. Người khác có thể bịt mũi khi ngửi thấy, nhưng với tôi, nó là thứ mùi thơm ẩn giấu bao cảm xúc. Khi tỉnh dậy rồi, thứ mùi ấy vẫn ám ảnh tôi.
Cuộc sống có nhiều thay đổi, tôi từ một cô bé con láy táy trở thành một cô gái đã biết thế nào là hoài bão. Giấc mơ ấy vẫn đến thật thường xuyên và đều đặn. Nhưng khi tỉnh lại, tôi lại cảm thấy thực tại cách quá xa với giấc mơ của tôi.
Đã có những lúc, tôi cố làm mọi cách để với đến giấc mơ của mình. Nhưng rồi vì nhiều lý do, tôi đã từ bỏ. Để rồi mỗi lúc giấc mơ đến, tôi lại cố gắng từ đầu. Cứ thế, cứ thế. Đến giờ giấc mơ cũng vẫn chỉ là giấc mơ.
Tôi hiểu ra rằng, chẳng có ai có thể đánh cắp giấc mơ của tôi, ngoài chính tôi. Chính tôi là kẻ đã đánh cắp giấc mơ của chính mình. Chính tôi là lý do những giấc mơ không thành hiện thực. Là chính tôi, chứ không phải bất kì ai khác. Tôi đã bỏ lỡ biết bao cơ hội trước mắt chỉ để lo đến những vấn đề phù phiếm. Tôi để những khó khăn đánh gục mình mà không biết nỗ lực hết sức. Tự tôi đã đẩy ước mơ của mình ra xa tầm tay.”
Cuộc sống đã giết giấc mơ của tôi
Susie đến trường với tâm trạng lo sợ. Những đứa trẻ to xác luôn bắt nặt, trêu trọc cô bé 7 tuổi yếu ớt, chúng gọi cô là “Con thộn Susie”. Susie sinh ra trong tình trạng thiếu oxy khiến não bị dị tật bẩm sinh, gặp nhiều khó khăn trong học hành và cuộc sống. Nhưng cô có một điều đáng lưu ý là cô bé rất thích hát. Cô bé mong mỏi được biểu diễn, được thoát ra khỏi ngôi làng nhỏ bé của mình. Ác thay, con đường dẫn Susie ra khỏi nhà lại luôn hướng đến… bệnh viện. Bác sĩ phải kiểm tra não của Susie nhiều lần vì cô mắc chứng động kinh.
Rời bỏ trường học chỉ với vài keiesn thức, công việc duy nhất mà Susie kiếm được là một chân học việc đầu bếp ở trường West Lothian trong vòng 6 tháng và biểu diễn nghiệp dư ở một vài nơi địa phương. Rồi cô trở về nhà với bố mẹ. Bố mẹ cô cũng không phải là người hiểu và cũng không hết mực thương cô con gái nhiều lắm. Cuộc tình duy nhất của Susie kéo dài vỏn vẹn 7 tuần thì bố phát hiện và ngăn cấm. Thậm chí cả 2 còn chưa từng có nửa nụ hôn. “Tôi gặp John tại đám cưới người bạn. Anh ấy tốt và quan tâm đến tôi. Tình yêu trong sáng đến nỗi chúng tôi chỉ nắm tay nhau và anh ấy hôn nhẹ lên má. Một lần, tôi nghe bố nói điện thoại với John rằng: Con gái tôi không muốn gặp anh. Rồi ông lạnh lùng gác máy, buông một câu: Con chưa sẵn sàng để có bạn trai đâu! Năm đó tôi đã 27 tuổi”, Susie kể.
Những năm 1990, bố chết, các anh chị đã ra khỏi nhà hết, một mình Susie chăm sóc bà mẹ già yếu. Khi mẹ mất ở tuổi 91, Susie không ra khỏi nhà 4 ngày và cũng chẳng trả lời điện thoại. Tất cả những gì còn lại với cô là con mèo già Pebbles
Ngày tham dự Brittain’s Got Talent, Susie đã 48 tuổi, lùn, mập, xấu xí, khoác trên mình bộ váy của 2 thập kỷ trước. Bước ra sân khấu, khán giả lắc đầu trợn mắt, có người thì khúc khích cười thầm. Ban giám khảo cũng có vẻ hơi ngại ngùng, ngao ngán, vì đã từng có lắm trò hề khiến họ phải cắt ngang thí sinh, đuổi vào hậu trường hay yêu cầu người hát ngưng dùng nhục hình tra tấn nghệ thuật thanh nhạc. Nhưng tất cả dường như im lặng khi Susie cất tiếng hát, một bài hát dường như dành riêng cho Susie “I dreamed a dream”. Và tất cả đã thay đổi với Susie khi cô, bằng cả trái tim tan vỡ, kết thúc nó với câu hát “Giờ đây cuộc sống đã giết chết giấc mơ mà tôi đã mơ” (Now life has killed the dream I dreamed).
Và những giấc mơ sống lại
Tranh vẽ treo khắp tường nhà ông Huy. “Cháu nội tôi vẽ đấy, nó đang luyện thi vào trường Mỹ thuật. Bố nó cứ bắt nó phải thi vào trường Ngoại Giao theo ngành của bố nó nhưng nó đã quyết theo đuổi cái nó chọn. Tôi hạnh phúc lắm. Giấc mơ của tôi đã sống lại trong đứa trẻ này” – Ông Huy xúc động nói, đôi mắt chợt long lanh.
Nguyện đã vượt lên hoàn cảnh của mình, cô giúp đỡ bao nhiêu người khác cũng vươn lên số phận như cô. Cô đã đoạt nhiều giải thưởng vì đóng góp cho cộng đồng, vì chính nghị lực của cô. Còn Thư đã thoát ra khỏi những hạn chế bởi bản thân đặt ra nhờ nhìn nhận lại mình. Cô dũng cảm hy sinh mọi cám dỗ, quyết tâm làm những gì trái tim mách bảo. Cả Thư và Nguyện vừa mới đây giành được học bổng toàn phần của Quỹ Greenlight để thực hiện ước mơ của cuộc đời. Susie chính là Susan Boyle nổi tiếng trên YouTube. Clip trình diễn trên Britain’s Got Talent đã có hơn 200 triệu lượt xem trên Internet. Album đầu tay I Dreamed A Dream dẫn đầu bảng xếp hạng tại Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Chỉ trong vòng 6 tuần kể từ lúc phát hành, album đã trở thành album bán chạy nhất thế giới năm 2009. Phải, cuộc sống đã giết chết giấc mơ của Susie nhưng giờ nó đã sống lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguồn: www.arena.edu.vn