GTHN - Trên cánh cửa tại cửa hàng điều ước có ghi một dòng chữ: “Nếu ước mơ của bạn chưa trở thành sự thật, điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa thực sự đầu tư và nỗ lực hết sức mình vì nó”.
Tại một vùng đất xa xôi nọ, có một cửa hàng không hề có biển hiệu nhưng người dân sinh sống trong khu vực đó đều biết đây là cửa hàng chuyên bán những điều ước.
Mọi người gần như có thể mua tất cả mọi thứ tại cửa hàng này: du thuyền khổng lồ, căn hộ đẹp như mơ, hôn nhân, chức vị chủ tịch của một tập đoàn lớn, tiền bạc, con cái, công việc yêu thích, cơ thể khỏe mạnh và hoàn hảo, siêu xe, và hàng ngàn thứ khác. Duy chỉ có cái chết và cuộc đời là hai mặt hàng không được bán ở đây vì nó thuộc quyền quản lý của một tập đoàn nằm ở thành phố khác.
Để mua một điều ước ở cửa hàng này, bạn phải trả theo đúng với mức giá của nó. Các mức giá được đưa ra tại cửa hàng điều ước rất đa dạng. Ví dụ, để có được công việc mà bạn mong muốn, đây là những cái giá bạn phải trả: chấp nhận từ bỏ mọi thứ mà mình có trong cuộc sống trước khi đến đây, chuẩn bị sẵn sàng và lên một kế hoạch mới cho tương lai của mình, phải tin tưởng vào bản thân mình, đủ sức mạnh để hoàn thành được công việc mà mình đã lựa chọn.
Vẫn có một vài cái giá phải trả vô cùng kỳ quặc. Ví dụ như để có một cuộc hôn nhân, bạn chẳng cần phải trả bất cứ giá nào. Thế nhưng muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì lại có cái giá vô cùng "đắt đỏ": hoàn thành trọn vẹn các nghĩa vụ, trách nhiệm để đời sống hôn nhân của bạn được hạnh phúc, nhận thức được đam mê, khát khao của mình và biết cầu tiến, từ bỏ những mong muốn khác để chung sống hòa hợp với vợ/chồng mình, biết trân trọng những thứ mình đang có, luôn khiến bản thân vui vẻ và hài lòng với cuộc sống này, thấu hiểu giá trị và ý nghĩa của chính bản thân mình.
Có những người chưa từng một lần ghé thăm qua cửa hàng này, họ chỉ ở nhà và chẳng làm bất cứ điều gì để thực hiện được ước mơ của mình. Không phải ai đến cửa hàng điều ước thì đều sẵn sàng để trả giá cho những ước mơ, khao khát của họ.
Một số người khách thậm chí đã quay lưng rời đi khi nhìn thấy những cái giá mà mình sắp sửa chi trả.
Một số người khác thì đứng yên một hồi lâu, suy nghĩ thật kỹ, đếm đi đếm lại số tài sản mà mình đang có liệu đủ để chi trả cho mong muốn của mình hay không, nếu không đủ thì phải làm cách nào để kiếm thêm. Số khách hàng còn lại, phàn nàn về những cái giá quá đắt đỏ đó và cố gắng thuyết phục ông chủ cửa hàng để được giảm giá.
Bên cạnh đó, vẫn có một số người đã chuẩn bị tiền từ rất lâu, đến cửa hàng và mua ngay mong muốn mà bản thân đã ao ước, ấp ủ bấy lâu nay. Sau khi mua được mong muốn đó, họ ra đi và trở về nhà với sự thỏa mãn và niềm hạnh phúc.
Khi đó, lại có những người nhìn vào họ với một ánh mắt ghen tỵ và đố kỵ, cho rằng họ là những người may mắn vì đã được tặng một điều ước miễn phí mà không cần phải làm gì nhiều hay vất vả, cực nhọc. Những người đó còn nghĩ rằng, cũng có thể, vì họ là bạn bè của ông chủ cửa hàng bán điều ước nên mới nhận được một món quà "hời" như thế.
Ông chủ cửa hàng đã nhận được rất nhiều câu van xin, nài nỉ được giảm giá, nhưng ông không bao giờ phá vỡ nguyên tắc của mình. Mỗi khi được hỏi về chuyện liệu có sợ cửa hàng điều ước của mình bị phá sản không, ông chỉ lắc đầu và nói: "Luôn có những người dũng cảm, kiên cường, dám liều mình đánh cược với cuộc đời này và luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có thể thay đổi được chính cuộc đời họ.
Họ can đảm từ bỏ những thứ đã quá quen thuộc và dễ dự đoán để dấn thân vào một điều gì đó mới mẻ có thể trở thành một cột mốc đối với họ. Sự tin tưởng mà họ dành cho chính bản thân và ước mơ của mình hoàn toàn không có giới hạn, và điều đó giúp họ tìm ra được những nguồn hàng hóa giúp họ đủ chi trả để biến ước mơ của mình thành sự thật."
Đặc biệt, trên cánh cửa tại cửa hàng điều ước có ghi một dòng chữ: "Nếu ước mơ của bạn chưa trở thành sự thật, điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa thực sự đầu tư cho nó".
THEO TRÍ THỨC TRẺ