GTHN - Công việc hay nhiệm vụ nào bạn có thể hoàn thành tốt nhất? Lĩnh
vực nào bạn thực sự quan tâm và đã từng gặt hái thành công? Bạn có
khám phá được năng khiếu vượt trội của mình không?
Khi công việc kinh doanh của tôi gặp nhiều khó khăn, tôi đã nghĩ
đến việc đi dạy để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Quyết định này tỏ ra vô cùng hợp lý vì tôi đã từng theo học chuyên
ngành sư phạm; nhưng khi ấy tôi đã 45 tuổi – độ tuổi không còn đủ
nhanh nhạy để thích ứng với môi trường sư phạm năng động. Đang
đắn đo thì tôi nhớ đến những lần tình nguyện tham gia diễn thuyết về
tính cách con người cũng như đã từng tổ chức những lớp học về hôn
nhân tại nhà. Tôi quyết định gầy dựng công việc kinh doanh mới dựa
trên khả năng ăn nói của mình. Chỉ trong vòng vài tháng đầu tiên, số
lượng đăng ký yêu cầu tôi diễn thuyết ngày càng tăng cao. Tiếp đó, tôi
tập trung học hỏi và đọc sách để phát triển thêm kỹ năng diễn thuyết
và nâng cao uy tín bản thân. Tôi cũng bắt đầu viết sách và mở rộng
thêm nhiều chủ đề thuyết trình mới. Năm 1985, chồng tôi sang
nhượng lại công việc kinh doanh của anh ấy để có thời gian hỗ trợ tôi
trong việc quản lý các chi nhánh và mở thêm đại lý du lịch. Anh đã trở
thành người bạn đồng hành tốt nhất của tôi! Tôi thật sự tin rằng
mình đã có bước chuyển hướng nghề nghiệp đúng đắn khi đi theo
năng khiếu và kinh nghiệm của bản thân dù sự chuyển hướng đó khá
muộn màng - lúc tôi đã đi được nửa phần cuộc đời.
***
Liệu những mối quan tâm và sự thành công trong hiện tại có che
khuất những mong muốn đích thực của bạn không? Bạn có bao giờ
cảm thấy phấn khởi và thực sự hài lòng khi đã hoàn thành một công
việc nào đó không?
Chắc hẳn ai cũng đã biết đến tên tuổi của đạo diễn Ron Howard –
đạo diễn lừng danh của những bộ phim ăn khách như A beautiful
mind, Apollo 13, The Da Vinci Code,... Tôi biết Ron khi anh còn là một
cậu bé chuyên hát nhép trong nhóm kịch “The Music Man” ở phòng
đợi tàu Wells Fargo. Tôi đã ấn tượng về Ron qua vai diễn Opie Taylor
trong loạt phim truyền hình Andy Griffith Show, tiếp đó là vai Richie
Cunningham trong loạt phim Happy Days. Ron đã tham gia trong
lĩnh vực truyền hình từ khi anh mới hai tuổi khi hãng phim Baltimore
sản xuất bộ phim The Seven Years Itch. Đến năm 10 tuổi, anh đã bắt
đầu trở thành một ngôi sao nổi tiếng. Khi vào trung học, ngoài việc
diễn xuất, Ron còn học hỏi cách làm phim. Anh đã từng đoạt được
giải nhì trong cuộc thi ảnh quốc gia Eastman Kodak. Sau khi tốt
nghiệp trung học, Ron được nhận vào học ở trường sản xuất phim
USC. Nhưng việc học của Ron đã bị gián đoạn khi anh tham gia bộ
phim American Graffiti khiến trường USC đã từ chối cấp bằng tốt
nghiệp cho anh. Đây là một cú sốc lớn nhưng Ron không cho phép
điều này dập tắt ước mơ hay cản trở việc anh tiến tới mục tiêu.
Một số người thường tự bằng lòng với chính mình khi đã đạt
được một điểm mốc thành công nào đó. Riêng Ron, dù đã trở thành
một ngôi sao truyền hình nổi tiếng – đích đến của bất cứ ai làm nghệ
thuật, nhưng Ron vẫn liên tục học hỏi. Anh không muốn bản thân
mình chỉ dừng ở những vai diễn thông thường mà muốn sử dụng khả
năng sáng tạo của mình trong việc chỉ đạo, khích lệ mọi người xung
quanh. Những bộ phim Grand Theft Auto, Splash, Cocoon, Willow và
Parenthood đã được xếp hạng và được công chúng đón nhận. Ron
đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh phim truyền hình. Kinh
nghiệm anh có được khi tham gia các show diễn trên truyền hình và
kiến thức thu thập được ở trường làm phim là những bước tiến quan
trọng trong quá trình chuẩn bị thực hiện ước mơ trở thành đạo diễn
điện ảnh và truyền hình của anh. Nhân vật Opie Taylor và Richie
Cunningham ngày xưa đã dần trưởng thành theo từng bước phát
triển và thành công của Ron Howard.
***
Billy Joel, nghệ sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Mỹ xuất thân từ một
gia đình nghèo khó. Dù thế, anh vẫn tự tin khi nghĩ rằng không nhất
thiết phải có một nền tảng học vấn cao thì mới sáng tác nhạc được.
Ngay từ nhỏ, Billy đã thể hiện niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt của
mình. Năm lên 4 tuổi, anh bắt đầu làm quen với những phím dương
cầm đầu tiên. Người mẹ tạo điều kiện để anh được học đàn theo đúng
phương pháp nhưng năm 11 tuổi thì Billy bỏ học vì không muốn bị bó
buộc trong khuôn nhạc cố định của những cuốn sách mà muốn được
tự do sáng tạo riêng.
Suốt những năm ở trường trung học, việc học của Billy luôn bị
gián đoạn. Vì tham gia chơi đàn trong một ban nhạc nên anh thường
về nhà rất trễ, có khi đến tận sáng hôm sau nên không đủ sức để đến
lớp học. Người mẹ vô cùng đau khổ và thất vọng vì Billy đã không tốt
nghiệp nổi trung học; hơn thế nữa, không ai tin rằng Billy có thể kiếm
sống nhờ âm nhạc. Dưới áp lực và định kiến của gia đình, Billy bắt
đầu tin rằng mọi người nói đúng và dần rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
Năm 20 tuổi, anh tìm cách tự sát nhưng không thành công. Khoảng
thời gian ba tuần nằm trên giường bệnh và liên tục phải chứng kiến
những ca bệnh thập tử nhất sinh đã giúp anh nhìn nhận lại chính
mình, hiểu về sự quý giá của cuộc sống và củng cố nghị lực để vượt
qua cảm giác tự thương hại bản thân.
Sau khi hồi phục vết thương tâm lý, Billy Joey đã chơi đàn piano
ở một quán bar để kiếm sống và album đầu tay Piano man của anh đã
ra đời trong giai đoạn ấy. Đĩa đơn này nhanh chóng nằm trong top 20
của các bảng xếp hạng. Từ điểm mốc này, Billy đã từng bước thực
hiện giấc mơ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng của mình. Dù thế, khi đã lên
đến đỉnh cao vinh quang của nghệ thuật âm nhạc, trong Billy vẫn có
một khát khao được tìm hiểu và nghiên cứu về môn lịch sử. Và anh
nhận thấy rằng bằng cách tự học, anh có thể tiếp thu bộ môn này hiệu
quả hơn so với khi đó là môn học bắt buộc ở trường. Đến năm 40
tuổi, Billy vẫn còn mong muốn được trở thành thầy giáo dạy lịch sử.
Tuy vậy, có đôi lúc anh cảm thấy giấc mơ của mình không thực tế.
Billy không thực tế ư? Thực sự, chính niềm đam mê lịch sử đã truyền
cảm hứng và tạo nguồn chất liệu quý giá cho những sáng tác làm rung
động lòng người của anh. Hơn nữa, anh đã hiểu thêm về ý nghĩa cuộc
sống và biết cách đối nhân xử thế hơn. Billy cho biết: “Tôi là một
minh chứng sống để các bạn thấy rằng việc tự hủy hoại bản thân là
điều thật xuẩn ngốc. Không nên chìm đắm mãi trong cảm giác tuyệt
vọng bởi mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn lên. Điều tôi học được từ cuộc
sống này là sự tha thứ - tha thứ cho người và tha thứ cho chính mình.
Phải biết đứng dậy từ thất bại thay vì để thất bại quật ngã và không
bao giờ đầu hàng hay chùn bước trước khó khăn, thử thách!”.
***
Roddy McDowell bắt đầu sự nghiệp diễn viên của mình khi mới
lên 10 tuổi. Với Roddy, việc diễn xuất trước ống kính là niềm đam mê
đã ăn sâu vào máu thịt. Nhưng còn một phần không thể thiếu trong
cuộc sống của Roddy là vị trí đằng sau ống kính. Khi còn đi học,
Roddy đã rất thích thú với việc chụp hình các bạn của mình - những
người về sau đã trở thành những tên tuổi nổi tiếng của Hollywood
như Elizabeth Taylor, Judy Garland, Judy Holliday, Maureen
O'Hara... Ở tuổi 60, Roddy mới tham gia chính thức vào lĩnh vực
nhiếp ảnh và cảm thấy “nuối tiếc” khi bước chân vào ngành này quá
trễ. Tuy nhiên, ông đã biết tận dụng tài năng của mình và biến nó
thành một công việc kinh doanh rất thành đạt khi cho xuất bản 5
cuốn sách về nghệ thuật nhiếp ảnh.
***
Còn bạn thì sao? Bạn có năng khiếu và khả năng gì? Liệu những
năng khiếu ấy có giúp ích gì cho ước mơ của bạn không? Có thể,
chúng sẽ giúp cho ước mơ của bạn “đơm hoa” bằng một công việc
chính thức như trường hợp của ca sĩ Billy Joey. Cũng có thể ước mơ
của bạn sẽ được thỏa mãn bằng một nghề tay trái giống như trường
hợp của diễn viên Roddy McDowell. Sự thành công đích thực không
đo lường bằng giá trị vật chất bạn nhận được mà bằng chính sự hài
lòng bạn có thể cảm nhận từ công việc yêu thích của mình!
Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer