GTHN - Không phải cuộc sống của tất cả mọi người đều trải qua những
sóng gió, bão tố hay thử thách khắc nghiệt. Vì vậy, không nhất thiết
mọi người đều phải điều chỉnh ước mơ hoặc nhặt nhạnh và ghép lại
những mảnh vỡ của ước mơ nếu trước đó họ chưa từng “đánh rơi
ước mơ” trên đường đời.
Tôi lại tiếp tục cuốn sách bằng câu chuyện về cuộc đời của Ron
Chapman. Tháng 9 năm 1989, câu lạc bộ báo chí của thành phố Dallas
đã tài trợ một buổi tiệc chúc mừng em trai tôi nhân lễ kỷ niệm 20
năm Ron làm việc cho đài phát thanh KVIL. Sự kiện này đã đánh dấu
bước thành công vượt bậc trong sự nghiệp của Ron. Tuy nhiên, sẽ
không công bằng nếu quyển sách này chỉ tập trung vào một Ron
Chapman của ánh hào quang, sự nổi tiếng và ngưỡng mộ mà quên đi
một Ron Chapman của đời thường. Trong công việc, em thật xuất sắc
trong vai trò người hướng dẫn, người bạn và người động viên khích
lệ tinh thần. Tuy nhiên, trong cuộc sống cá nhân, em lại không thể
duy trì được một mái ấm gia đình. Ron thẳng thắn thừa nhận: “Tôi
không thích nói về cuộc sống riêng tư của mình. Tôi đã kết hôn và có
một gia đình hạnh phúc trong suốt 19 năm. Nhưng giờ đây, tôi lại là
người độc thân. Thật không vui vẻ và tự hào gì về điều này; dù thế, tôi
vẫn không muốn tin rằng mình là người thất bại trong cuộc sống gia
đình. Một phần nguyên nhân là do tôi quá tập trung cho KVIL. Hầu
hết thời gian của tôi là dành cho KVIL. Tôi ăn với KVIL và ngủ cũng
với KVIL. Tôi không muốn thú nhận điều này, nhưng đó là sự thật”.
Nhiều năm sau khi cuộc hôn nhân này tan vỡ, Ron đã tự giới hạn
cuộc sống xã hội của mình cho đến ngày em gặp Nance Murray. Mối
quan hệ tiến triển tốt đẹp và hai người nhanh chóng đi đến hôn nhân.
Nance là người phụ nữ nhạy cảm, khéo léo và hiểu rất rõ tính chất
công việc của chồng nên không hề cảm thấy khó chịu khi Ron thường
xuyên không có mặt ở nhà. Không những thế, Nance còn ủng hộ Ron
trong mọi việc em tôi làm và chuyên tâm tạo dựng mái ấm hạnh phúc
cho gia đình. Kể từ đó, Ron luôn ở trung tâm của sân khấu còn Nance
là người hậu thuẫn sau cánh gà. Nance đã giúp Ron điều chỉnh, cân
bằng cuộc sống riêng tư trong ước mơ của em tôi. Ron tiếp tục tiến
thẳng đến đỉnh vinh quang bởi em có một niềm say mê vô bờ bến đối
với công việc và đang có động lực mạnh mẽ để phát huy tất cả những
ưu điểm của mình.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình đang rất ổn định, rằng bạn
đã từng mơ ước, đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để thỏa ước mơ,
rằng bạn đã thấu hiểu tính cách của mình và bạn luôn tự tin mang
theo ước mơ, thì bạn không cần phải điều chỉnh ước mơ. Tuy nhiên,
tôi cũng sẽ giới thiệu với các bạn một vài ví dụ có sức mạnh động
viên, khích lệ về những con người đã vượt qua nhiều trở ngại; biết
đâu bạn có thể bắt gặp chính mình trong những tình huống tương tự
như thế.
Không phải mọi vấn đề của chúng ta đều liên quan đến công việc,
mà có thể là do khả năng đánh giá bản thân mình quá thấp, gây nhiều
khó khăn trong các mối quan hệ riêng tư. Bạn đã từng dám ước mơ,
đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đạt ước mơ ấy, thậm chí đã thực
hiện ước mơ nhưng lại bị thất bại? Có khi nào hoàn cảnh gia đình vào
thời thơ ấu đã khiến bạn đi sai đường, hoặc bạn đã có một lựa chọn
sai lầm khi trưởng thành chăng?
Có nhiều khoảnh khắc trong cuộc đời, bạn phải thực hiện một số
lựa chọn quan trọng. Khi đó, bạn đứng trước hai con đường với
những đích đến khác nhau buộc bạn chỉ phải chọn một con đường để
tiếp tục hành trình. Ở thời điểm đó, không phải ai cũng biết được con
đường nào sẽ dẫn đến thành công và hạnh phúc như mong muốn.
Một số người chọn con đường rộng, bằng phẳng và in hằn dấu chân
của nhiều người. Một số người lại đi theo con đường mà ngày trước
cha mẹ họ chưa có cơ hội để đi nên muốn nhìn thấy con cái mình làm
sống lại ước mơ của họ. Một số khác lại chọn những lối đi đã được
người khác phát quang sẵn, như đảm trách công việc kinh doanh của
gia đình, để rồi cuối cùng mới nhận ra rằng đây là một nơi hoàn toàn
không phù hợp với sở trường và năng lực bản thân. Và cũng có một
số người loay hoay mãi vẫn chưa biết chọn con đường nào. Hãy xem
lại bạn đang ở đâu trong suốt quá trình này? Có phải đã đến lúc bạn
cần xem xét lại lựa chọn của mình?
Từ nhỏ, Charles đã mơ ước được sở hữu một phòng chụp ảnh.
Để chuẩn bị cho ước mơ này, Charles đã đăng ký khóa học tại Học
viện Nhiếp ảnh Brooks. Sau đó anh gia nhập quân đội và được giao
công việc phụ trách phòng nghe nhìn của đơn vị. Vốn là người có tính
cách trầm tĩnh, Charles luôn hướng đến sự hoàn hảo nên anh cảm
thấy khó chịu khi thấy mọi người quan tâm đến tốc độ và tính kinh tế
hơn là chất lượng công việc anh làm. Anh dự định sau khi rời quân
ngũ, anh sẽ mở một phòng chụp ảnh riêng và sẽ chỉ tạo ra những bức
ảnh đạt chất lượng cao mà thôi.
Hai năm sau, anh rời quân ngũ, xây dựng gia đình và bắt đầu mở
một phòng chụp ảnh riêng với số tiền hai vợ chồng tiết kiệm được.
Anh thuê một cửa tiệm trong một khu vực giao thương sầm uất và
cùng với Mary - vợ anh - trang trí thật hoàn hảo với đầy đủ những
trang thiết bị hiện đại. Thế nhưng, cửa tiệm làm ăn ế ẩm. Thi thoảng
mới có một vài vị khách đến nhờ anh chụp hình thẻ, nhưng anh từ
chối vì anh chỉ muốn sáng tạo ra những bức ảnh chất lượng cao.
Charles ngày càng rơi vào trạng thái buồn bã còn Mary, với tính
cách lạc quan, lại khó chịu vì toàn bộ số tiền dành dụm đã không có
khả năng thu hồi lại. Thỉnh thoảng cô lại cằn nhằn anh: “Lẽ ra chúng
ta đã có thể mua một chiếc xe mới”, nhưng chỉ một thời gian sau cô
dần chấp nhận sự thật rằng số tiền ấy đã thực sự hết rồi và không bao
giờ quay trở lại nữa. Khi tâm lý cân bằng trở lại, Mary cố gắng giúp
Charles vượt qua tình trạng này: “Mọi việc cũng đã qua rồi. Chúng ta
hãy quên nó đi và bắt đầu lại từ đầu”. Tuy nhiên, Charles vẫn chìm
sâu trong sầu não bởi anh xem mình là người thất bại. Đối với
Charles, sự thất bại này không đơn giản chỉ là một quyết định sai lầm
trong kinh doanh mà là dấu chấm hết đối với ước mơ của anh. Bỗng
nhiên anh trở nên mất định hướng khi ước mơ mình ấp ủ bấy lâu đã
không trở thành hiện thực.
Khi Mary nhận thức được rằng Charles buồn bã vì anh đã đánh
mất ước mơ của mình thì cô thôi không an ủi anh nữa mà bắt đầu
kiên nhẫn đợi đến khi anh có thể quyết định đóng hiệu ảnh, bán các
thiết bị chụp ảnh và tìm một công việc mới. Vì vẫn trung thành với
ước mơ của mình nên Charles xin vào làm thợ chụp ảnh của ủy ban
thành phố.
Nhưng cũng như ở quân đội, ủy ban thành phố không đánh giá
cao tài năng chụp ảnh của Charles và một lần nữa anh lại rơi vào
trạng thái chán nản. Nhưng anh vẫn cố gắng làm công việc sản xuất
phim tư liệu với kinh phí giới hạn trong ba năm ròng rã. Rồi Charles
dần thay đổi suy nghĩ và quyết định sẽ theo học trường luật. Tuy
nhiên anh đã thi trượt nên không được chấp nhận vào học. Lòng tự
tin của anh đã bị hạ xuống mức thấp nhất.
Để giải thích cho những chán chường và thất bại của mình,
Charles lao vào nghiên cứu các loại sách tâm lý. Khi tìm được câu trả
lời cho vấn đề của chính mình, Charles nhận thấy rằng anh thích hợp
với việc phân tích và tư vấn cho các tình huống khó khăn, khúc mắc.
Anh bắt đầu điều chỉnh lại ước mơ của mình bằng một hướng đi mới:
theo học chương trình tư vấn hôn nhân gia đình tại Đại học San
Diego. Suốt hai năm theo học, anh luôn dẫn đầu lớp ở toàn bộ các
môn học. Trong thời gian thực tập, anh được mọi người đánh giá là
có thiên hướng về tư vấn và động viên tinh thần người khác. Sau khi
tốt nghiệp, Charles đã thật sự thành công với vai trò của một chuyên
viên tư vấn đầy tài năng và sự thấu cảm.
Không phải lựa chọn nào của chúng ta cũng đều chính xác. Đôi
lúc, chỉ khi những ước mơ cũ chết đi thì chúng ta mới có thể bắt đầu
tìm được ước mơ đúng đắn cho mình. Chúng ta phải tìm một đường
đi mới ra khỏi khu rừng và tiến về phía mặt trời.
Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer