GTHN - Khi tai họa ập tới, con người ta thường cảm thấy bất lực nhưng đôi khi họa phúc đều nằm trong lòng bàn tay của chúng ta. Trong lòng chứa đầy lương thiện thì sẽ có thể tự cứu mình trong những lúc nguy nan, bởi vì ở hiền gặp lành là hoàn toàn có thật.
Con dâu hiếu thảo chăm sóc mẹ chồng bệnh tật, tránh được hỏa hoạn
Thời vua Càn Long, nhà Thanh, Trung Quốc, phố Trúc Gia ở kinh thành xảy ra một vụ cháy lớn. Ngọn lửa thiêu rụi những ngôi nhà trên phố, hàng trăm người chết và bị thương, khắp nơi là cảnh tang thương không kể xiết. Sự mất mát là không thể ước tính được. Nhưng trong vụ hỏa hoạn này, một phép lạ đáng kinh ngạc đã xảy ra. Trong sự đổ nát của đám cháy, một ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, hiên ngang đứng giữa phố. Những người biết được chuyện này đều vô cùng thắc mắc: “Ai sống trong ngôi nhà này mà may mắn đến vậy?”.
Theo lời kể của những người dân địa phương thì ngôi nhà này của một bà lão đã ngoài 60 tuổi và một góa phụ trẻ tuổi mới hơn 20 tuổi. Hai người họ, mẹ chồng và nàng dâu, nương tựa vào nhau mà sống. Mấy năm trước, con trai bà lão qua đời, nhiều người trong làng và cả những làng lân cận đều khuyên cô con dâu nên đi bước nữa. Nhưng góa phụ trẻ vì mẹ chồng già bị bệnh nằm liệt giường, lúc nào cũng cần có người chăm sóc quyết định hy sinh thanh xuân của mình, kiên quyết không tái giá. Một năm rồi lại một năm, cô kiên trì tận tình chăm sóc mẹ chồng, miệng không một lời oán trách.
Trong đám cháy lớn đó, khi ngọn lửa thiêu rụi những ngôi nhà lân cận thì gió đột nhiên đổi hướng và gia đình của họ không chút tổn hại gì. Nhiều người tin rằng, lòng hiếu thảo của con dâu, tận tình chăm sóc mẹ già bệnh tật trong nhiều năm đã cảm động đến Bồ Tát và Bồ Tát đã bảo vệ họ tránh khỏi đám cháy.
Lòng hiếu thảo cảm động mãnh hổ
Từ Nhất Bằng người Ngân huyện, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vốn rất nổi tiếng vì lòng hiếu thảo với cha mẹ. Gia cảnh nghèo khó, nên anh phải đi ra ngoài xa gia đình kiếm sống. Anh đến một trường dạy nghề trong một ngôi làng gần biển xin làm công. Một đêm nọ Nhất Bằng mơ thấy một giấc mơ kỳ quái, tỉnh dậy liền nói với chủ nhà: “E rằng cha tôi ở nhà lâm bệnh nặng, tôi phải quay về nhà thăm ông”.
Trên đường về nhà, anh đi qua một ngọn núi trùng điệp và gặp một con hổ lớn. Nhưng anh không hề tỏ ra hoảng sợ, rất bình tĩnh nói với con hổ dữ: “Cha tôi bị bệnh nặng nên tôi rất vội vã về nhà. Xin mãnh hổ thương xót cho cha con tôi, đừng ngăn cản con đường tôi đi”. Nói cũng rất kỳ lạ, con hổ dường như cảm động trước lòng hiếu thảo của anh, liền quay đầu bỏ đi.
Khi Từ Nhất Bằng về đến nhà, cha anh đã lâm bệnh nặng đến hôn mê, nhìn thấy con trai trở về nhà liền tỉnh táo và nói: “Con trai ngoan của cha, có phải trên đường về con gặp phải một con hổ không? Vừa nãy cha bị đưa đến âm tào địa phủ, nghe được một người mặc áo đỏ nói chuyện, mới biết hoá ra bản thân đã chết. Nhưng vì sự hiếu thảo của con làm cảm động mãnh hổ, nên Diêm Vương cũng quyết định kéo dài sự sống cho cha, để cha con chúng ta được tận hưởng thêm chút niềm vui thú gia đình”. Sau đó bệnh của cha anh ta quả nhiên khỏi hẳn, ông sống thêm 12 năm nữa mới qua đời.
Lấy cái chết của mình để cứu cha thoát khỏi họa cường đạo
Phan Tông là người huyện Ngô Điển, Chiết Giang, Trung Quốc, sống ở thời nhà Tấn. Vào thời điểm đó Tôn Ân tạo phản, cuộc sống của người dân rất hỗn loạn, nạn cướp bóc đạo tặc xảy ra khắp nơi. Phan Tông có một người cha già đã hơn 70 tuổi, đi lại không còn nhanh nhẹn nữa. Khi cướp tràn đến thôn làng, anh liền cõng cha trên lưng, chạy tránh cướp, cũng vì thế mà anh đi chậm hơn những người khác và bị toán cướp đuổi sát theo sau.
Cha anh liền nói: “Cha đã già rồi, không còn đi lại nhanh nhẹn được nữa, cũng không cách nào trốn chạy giặc cướp, nhưng con còn trẻ, một mình có thể dễ dàng chạy thoát bọn cướp. Nếu con cõng thêm cha, chạy chậm thế khó mà thoát nổi, vậy thì cha con ta cả hai đều phải chết. Con trai, hãy bỏ cha ở lại mà một mình chạy thoát, bảo toàn lấy tính mạng”. Phan Tông nghe những lời cha nói cảm thấy rất có lý nhưng anh nhất quyết không bỏ cha xuống, kết quả là bị đạo tắc đuổi đến.
Lúc này Phan Tông liền quỳ xuống nói với những tên cướp: “Cha tôi đã hơn 70 tuổi rồi, xin các người hãy tha cho ông ấy, bảo toàn tính mạng cho ông ấy”. Cha Phan Tông nghe thấy liền lên tiếng cầu xin: “Con trai tôi còn trẻ, vốn có thể một mình chạy thoát nhưng vì không nỡ bỏ lại tôi nên mới không chạy kịp. Tôi đã già rồi, chết cũng chẳng sao, xin các hảo hán tha cho con trai tôi”.
Có một tên thổ phỉ nghe thấy thế liền giơ đao định chém cha già của Phan Tông, ông lão thấy vậy sợ mất hồn mất vía. Phan Tông liền chạy đến ôm lấy cha giấu cha dưới bụng mình, tên cướp lúc này liền giơ kiếm định chém vào đầu Phan Tông. Nhưng đột nhiên có một tên cướp khác bước đến nói: “Người này vô cùng hiếu thảo, lấy cái chết để bảo vệ cha mình, sao ta có thể giết những người con hiếu thảo cơ chứ!”. Tên cướp kia nghe thấy thế liền dừng tay, không những thế còn bảo vệ cha con họ về nhà an toàn.
“Trăm cái thiện hiếu đứng đầu”, người sống trên đời không thể không có hiếu đạo. Mắt Thần như điện, nhìn thấu nhân tâm. Thần Phật chắc chắc sẽ bảo hộ cho những người con có hiếu. Nhược bằng nghịch tử bất hiếu, lỗi đạo với mẹ cha, ắt hẳn là số phận có kết cục không vẹn toàn. Mỹ đức truyền thống bởi thế cũng luôn tôn vinh vẻ đẹp của đạo hiếu. Nhìn chuyện xưa, ngẫm chuyện nay. Hiếu kính cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho bạn!
ST