GTHN - Bạn hãy tham khảo bản lược đồ sau đây về những điểm mạnh cũng như điểm yếu của bốn loại tính cách điển hình, xét riêng trong lĩnh vực kinh doanh:
Cùng nhau làm việc
Việc tìm hiểu tính cách không những có lợi cho những mối quan
hệ trong cuộc sống, mà còn hữu ích trong môi trường làm việc, nhất
là những công việc đòi hỏi phải có sự hợp tác tư duy, kỹ năng và kinh
nghiệm của tập thể. Thông thường, một nhóm làm việc nếu muốn
thành công thì các thành viên trong nhóm phải hội tụ ít nhất hai đặc
điểm tính cách khác nhau.
Lạc quan là đặc điểm tính cách rất cần thiết trong một nhóm.
Người lạc quan có khả năng tạo sự hưng phấn, thoải mái và vui vẻ cho
mọi người. Người lạc quan thu hút sự chú ý bởi khiếu hài hước bẩm
sinh. Họ biết chia sẻ, giúp đỡ những thành viên mới và giúp mọi
người tự tin hơn về những giá trị của bản thân. Tuy nhiên, người lạc
quan không hề có một khái niệm về thời gian, con số, dữ liệu và đặc
biệt là khả năng cân đối ngân sách của họ vô cùng tệ hại. Ép buộc họ
phải đảm nhận những vấn đề cần sự tính toán chính xác hay liên
quan đến thu chi chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”.
Những người có tính cách lạc quan nên nhận thấy rằng họ cần
phải biết kiểm soát những điểm mạnh của bản thân. Với cách nói
chuyện vui vẻ, bạn sẽ trở nên lôi cuốn, nhưng nhớ rằng nếu lạm
dụng, thì dù cho đó là điều tốt đẹp, nó cũng sẽ khiến người khác cảm
thấy phiền phức.
Sự hoàn hảo là biểu hiện của tính cách trầm tĩnh, trái ngược hoàn
toàn với sự vui vẻ, hài hước đặc trưng của người lạc quan. Nhưng
trong cuộc sống, bạn thường bắt gặp nhiều kiểu kết hợp của hai loại
tính cách này. Thời gian đầu, cả hai bên đều bị hấp dẫn bởi những
mặt mạnh trong tính cách của nhau. Nhưng khi ràng buộc với nhau
bởi mối quan hệ hôn nhân hay công việc; nếu không hiểu biết về tính
cách, thì cả hai bên lại thường xuyên xung đột bởi chỉ nhìn thấy
những điểm yếu trong tính cách mỗi người. Tình trạng này sẽ càng
trầm trọng hơn theo thời gian. Người trầm tĩnh thì luôn luôn trông
chừng, kiểm tra thời gian và phân tích hiệu quả làm việc của người
lạc quan vui vẻ. Việc cố gắng kiểm soát một người tính tình cởi mở
cũng tương tự như việc dập tắt mọi hạt mầm của sự sáng tạo và tạo
nên một người máy chỉ biết tuân theo những chỉ dẫn giản đơn. Người
trầm tĩnh hay đổ tội và tạo áp lực lên người lạc quan, khiến người lạc
quan dần trở nên mệt mỏi. Nếu cứ tiếp tục như thế thì người lạc quan
sẽ học cách giữ im lặng và cố tránh xa những rắc rối còn người trầm
tĩnh thì liên tục cảm thấy không hài lòng. Mối quan hệ vui vẻ, dễ chịu
trước kia trở nên nhàm chán, tẻ nhạt và bình lặng vì chẳng còn ai
muốn thể hiện những mặt mạnh mà thay vào đó hai bên cùng nặng
nhọc kéo lê những điểm yếu của bản thân.
Khi đã hiểu rằng mỗi người đều được sinh ra với một tính cách
đặc trưng và riêng biệt, không tính cách nào tốt hơn hay xấu hơn tính
cách nào, thì chúng ta phải chấp nhận lẫn nhau chứ không cố gắng
làm thay đổi người khác. Điểm mạnh của người này sẽ bổ sung vào
điểm yếu của người kia, và những thay đổi tích cực dần xuất hiện.
Hãy nghĩ đến người khác trong sự khác biệt về tính cách và chỉ nên
tập trung vào những mặt tích cực của họ. Khi đã hiểu nhau, mọi
người sẽ tự động phân chia các trách nhiệm và chức năng theo những
mặt mạnh của mỗi người. Người trầm tính sẽ quản lý thời gian, lập
kế hoạch cho các chuyến du lịch, cân đối ngân sách, thu chi hàng
ngày, gửi đơn đặt hàng, hoặc bất cứ hoạt động nào cần sự tỉ mỉ, chi
tiết. Người lạc quan sẽ xây dựng các mối quan hệ, khích lệ tinh thần
cho các thành viên trong nhóm, tạo sự phấn khích và động lực làm
việc.
Bất kỳ nhóm làm việc nào cũng cần một người có tính cách ôn
hòa để giúp mọi người lấy lại cân bằng, làm trung gian hòa giải
những rắc rối, những tình huống khủng hoảng. Khi người quyền lực
nóng vội đưa ra một quyết định, người ôn hòa sẽ nói: “Bạn cần cân
nhắc vấn đề kỹ lưỡng”. Nếu người lạc quan thường xuyên tạo sự náo
động không cần thiết, người ôn hòa sẽ hỏi: “Anh đã nghĩ đến những
hậu quả chưa?”. Khi người trầm tĩnh mệt mỏi vì mọi việc chưa được
sắp xếp hoàn hảo như ý muốn, thì lời khuyên của người ôn hòa:
“Không có gì là quá hoàn hảo, mọi việc có thể dừng ở mức độ tương
đối”.
Nhà lãnh đạo có tính cách mạnh mẽ rất cần sự hỗ trợ của người
ôn hòa vì họ biết cân bằng, dung hòa tình huống; nhưng trong cách
nhìn của nhà lãnh đạo thì người ôn hòa là người sống không có mục
đích, thiếu nhiệt huyết và cố chấp trước những thay đổi. Người có
tính cách quyền lực luôn là người hào hứng triển khai công việc, là
người đặt ra những mục tiêu trong công việc và thúc giục những
người ôn hòa. Trước những kỳ vọng rõ ràng của người quyền lực,
người ôn hòa chọn cách từ chối hành động – đây cũng là một phản
ứng thể hiện sự kháng cự thụ động. Tuy nhiên, trong công việc, để tạo
nên một sức mạnh tập thể, người ôn hòa phải sẵn sàng chấp nhận
những thỏa thuận, quy tắc, cùng chịu trách nhiệm và thực hiện nhiệm
vụ.
Trong cùng một tập thể, nếu ai cũng khăng khăng bảo vệ cái tôi
của mình, không chịu tuân theo những định hướng chung, thì công
việc chắc chắn sẽ bị đình trệ, các chỉ tiêu kế hoạch sẽ bị trì hoãn. Vì
vậy, nếu mỗi thành viên bỏ qua những khác biệt về tính cách và cùng
nhau nhìn về một phía, chắc chắn cả nhóm sẽ về đến đích nhanh hơn
gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, mỗi người sẽ phải tự hoàn thiện bản thân
theo những đặc điểm tính cách vốn có của mình. Người lạc quan cần
quan tâm đến thời gian và tuân thủ kế hoạch đã đề ra; người quyền
lực hãy tỏ ra khiêm nhường và kiềm chế bản thân; người trầm tĩnh
không nên đặt ra những yêu cầu quá cao hay tìm kiếm sự hoàn hảo
quá mức; còn người ôn hòa hãy nhiệt tình, hăng hái hơn trong các
hoạt động.
Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer