GTHN - Không phải ai trong chúng ta cũng đều tự tin khẳng định vị trí
bản thân trước người khác. Rất nhiều người phụ nữ mà tôi có dịp
tiếp xúc không xác định được hình ảnh riêng của mình. Khi phải giới
thiệu về mình, họ thường nói: “Tôi là vợ của Jim! Là mẹ của Mary! Là
cô giáo của Bobby!”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Jim không may mất đi, nếu Mary có gia đình
riêng, nếu Bobby tốt nghiệp? Khi mất đi những điểm tựa quan trọng,
liệu giá trị và mục đích sống của bạn có tan biến luôn không? Hay
bạn, sau khoảng thời gian hụt hẫng, sẽ biết gượng dậy và khởi đầu
một cuộc sống mới?
Tôi biết một góa phụ lớn tuổi, chồng bà đã qua đời sau một tai
nạn xe hơi. Mặc dù sự kiện đau buồn đó đã trôi qua nhiều năm,
nhưng bà vẫn sống khép kín với nỗi đau riêng của mình. Các con bà
tìm mọi cách giúp mẹ vượt qua tâm trạng bế tắc nhưng hầu như là vô
vọng. Nhiều bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị chứng bệnh trầm cảm của
bà nhưng vẫn hoài công. Cho đến một ngày, bà được đưa đến gặp một
bác sĩ tâm lý.
Sau vài câu thăm hỏi xã giao, bác sĩ bắt đầu gợi chuyện; thế
nhưng, bà vẫn im lặng như chìm vào cõi riêng của mình. Cuối cùng,
bác sĩ hỏi: “Nếu như lúc này ông ấy đang có mặt tại đây, bà sẽ nói gì?”.
Bà ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ này và khi bắt gặp ánh mắt thân
thiện, chân tình của vị bác sĩ, bà chậm rãi nói như thể đang nói với
người chồng thân yêu của mình. Bà kể về cuộc sống lẻ loi của bà từ
ngày ông mất khi phải tự mình làm tất cả mọi việc mà trước đây hai
người cùng làm, về những dự định bà chưa kịp làm cho ông, về nỗi
đau mà bà cảm thấy khó có thể vượt qua, và cả về cảm giác buồn giận
khi ông đã để bà lại một mình với tuổi già.
Đợi bà qua cơn xúc động, vị bác sĩ hỏi tiếp: “Liệu ông ấy có muốn
nhìn thấy bà trong tình cảnh hiện nay không?”. Bà ngập ngừng giây
lát rồi thừa nhận: “Chắc chắn là không!”. Qua lần trò chuyện với vị
bác sĩ, bà dần hiểu rằng không phải cứ đau buồn chìm đắm trong ký
ức mới là tưởng nhớ đến nhau. Đứng trước một nỗi đau, sự mất mát,
chia ly nào đó, bạn đều có quyền lựa chọn, hoặc là tiến về phía trước,
hoặc để nỗi đau nhấn chìm cuộc đời bạn.
Có phải bạn là người tự ti và thiếu kiên định không? Những hành
động, suy nghĩ, thậm chí ước mơ của bạn có phải ít nhiều đều phụ
thuộc vào một ai đó? Bạn có luôn phải nép mình dưới một “bóng
tùng” nào đó không? Bạn có thực sự luôn cần sự quan tâm và chú ý
của người khác không? Bạn có cảm thấy ghen tị nếu người khác có
bạn bè xung quanh và cảm thấy bị bỏ rơi nếu bạn không được gia
nhập nhóm không? Nếu bạn trả lời có cho những câu hỏi này, thì có
thể bạn đang chịu đựng những hậu quả của một tuổi thơ bất hạnh,
của một gia đình không mấy hòa thuận, của sự áp đặt từ bố mẹ, hay
của những thất bại trong việc kết giao các mối quan hệ trong quá khứ.
Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer