GTHN -
Một số người may mắn tìm được một công việc mong muốn sau
khi tốt nghiệp và lấy đó làm sự nghiệp trọn đời. Một số khác gặp phải
trở ngại nửa chừng và bắt đầu suy nghĩ lại về ước mơ của mình. Khi
bắt đầu nhận thức về cuộc sống xung quanh, tôi ước mơ trở thành
một cô giáo. Tôi ấp ủ và chuẩn bị cho ước mơ đó trong suốt bốn năm
trước khi lập gia đình. Nhưng rồi cuộc sống đã khiến mục tiêu của tôi
thay đổi: tôi muốn là người vợ chu toàn, người mẹ tận tâm, một nhân
viên hoạt động xã hội nhiệt tình và là nhà lãnh đạo xuất sắc. Khi hai
đứa con trai đầu tiên của tôi mất đi, tôi cảm thấy cuộc sống này chẳng
còn điều gì ý nghĩa cả. Một trong những mục tiêu, ước mơ của tôi đã
tan vỡ. Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.
Để tìm lại ý nghĩa cuộc sống, tôi bắt đầu đọc sách và nghiên cứu
về bốn loại tính cách. Tôi bắt đầu chia sẻ những hiểu biết của mình về
sự khác biệt trong tính cách con người. Đầu tiên, tôi chỉ nói chuyện
với những giáo dân ở nhà thờ. Sau đó, tôi tổ chức những buổi diễn
thuyết lớn, dành cho mọi đối tượng thính giả. Rồi mọi người đề nghị
tôi viết sách về chủ đề này. Mọi thứ đến với tôi thật bất ngờ khi một
nhà xuất bản sau khi nghe tôi nói chuyện đã đề nghị tôi ký hợp đồng
viết sách cho họ, khi mà tôi thậm chí chưa hề viết một đoạn văn nào.
Sự nghiệp nhà văn của tôi bắt đầu từ đây; quyển sách đầu tiên tôi viết
là lúc tôi 50 tuổi, và quyển sách các bạn đang đọc là quyển thứ 18 của
tôi. Rõ ràng, không bao giờ là quá trễ để bắt đầu một nghề nghiệp
mới.
Marilyn Heavilin trở lại trường đại học khi cô 40 tuổi, và nghĩ
rằng cuộc sống đã ổn định với vai trò giáo viên dạy tiếng Anh ở một
trường trung học. Con trai Nathan của cô cũng học chung trường nên
hai mẹ con cô có thể cùng đến trường và chia sẻ những khoảnh khắc
thú vị giữa các tiết học. Một lần trên đường trở về nhà sau khi chơi
bóng rổ, Nathan gặp tai nạn và qua đời. Dù đã cố gượng dậy sau biến
cố này nhưng cô không thể chịu đựng nổi khi bất cứ nơi nào trong
trường cũng phảng phất bóng dáng của Nathan. Cô phải làm gì bây
giờ? Cô có nên từ bỏ việc học hay không? Lẽ nào cô lại lãng phí những
tháng năm học tập của mình?
Vào thời điểm suy sụp nhất trong cuộc đời Marilyn Heavilin, tôi
đã mời cô đến dự hội thảo của tôi để cô chia sẻ câu chuyện của mình
với mọi người. Sau buổi nói chuyện, Marilyn đã dám ước mơ rằng cô
muốn theo nghề thuyết trình giống như tôi. Và cô nỗ lực để ước mơ
này thành hiện thực. Cô thường xuyên tập thuyết trình một mình, sau
đó ghi âm lại và điều chỉnh ngay khi nhận ra điểm thiếu sót. Sau hơn
một năm tìm kiếm cơ hội thuyết trình, Marilyn cảm thấy thoải mái
khi xin nghỉ học ở trường và theo đuổi ước mơ trở thành một diễn
giả chuyên nghiệp. Sáu năm sau, Marilyn đã là một diễn giả nổi tiếng
cả nước và xuất bản được bốn quyển sách. Marilyn đã không để cho
hoàn cảnh khuất phục mình. Cô đã xây dựng ước mơ mới từ mảnh vỡ
của những ước mơ cũ và đã nhiệt tình chia sẻ những trải nghiệm của
mình với mọi người.
Bạn có bao giờ để hoàn cảnh điều khiển mình chưa? Con đường
đến với ước mơ của bạn có trọn vẹn hay bạn phải liên tục điều chỉnh?
Nếu cơ hội đến, hãy nhanh chóng nắm bắt ngay. Hãy vững tin rằng
cuộc sống sẽ chỉ cho bạn những bước cần thiết để bắt đầu điều chỉnh
ước mơ vốn đã không còn nguyên vẹn của mình.
Nhiều người trong chúng ta, như Marilyn, đã được đào tạo chính
quy để làm một số nghề nhất định. Chúng ta đã nỗ lực thật nhiều, đã
phấn đấu liên tục để giành những vị trí cao nhất trong lĩnh vực nghề
nghiệp của mình. Nhưng khi đạt được điều mong muốn, đôi khi
chúng ta lại chưa hài lòng và có cảm giác như mình đang sống trong
vòng luẩn quẩn. Nếu vậy, bạn hãy xem xét lại bản thân mình. Mặc dù
đã đạt được vị trí cao nhất, nhưng có khả năng bạn đã mất nhiều thời
gian cho một công việc không đem lại cho bạn sự thỏa mãn hoàn
toàn. Vậy bạn có nhất thiết phải theo đuổi công việc ấy suốt quãng đời
còn lại không? Tại sao bạn không thể dừng lại để điều chỉnh ước mơ
của mình?
Cách đây nhiều năm, Bobby muốn thay đổi nghề nghiệp khi đang
ở tuổi 39 và đã có một công việc ổn định suốt 15 năm ở một công ty
xây dựng. Từ nhỏ, Bobby đã mơ ước được trở thành một nhân viên
cảnh sát. Tuy nhiên, khi vào đại học, anh lại chọn chuyên ngành học
đáp ứng nguyện vọng của bố mẹ. Ra trường, anh nhanh chóng tìm
được công việc phù hợp với chuyên ngành đã học. Bằng nỗ lực bản
thân, anh nhanh chóng thăng tiến lên những vị trí cao hơn. Tuy
nhiên, anh vẫn không cảm nhận được niềm đam mê đích thực của
mình. Vì vậy, anh quyết định mạo hiểm chấp nhận thay đổi tất cả để
được làm công việc mình hằng mơ ước.
Bobby nộp đơn vào sở cảnh sát địa phương. Như mọi ứng viên
khác, anh cũng phải trải qua các quy trình kiểm tra sức khỏe và lý lịch
gia đình, xét nghiệm, lấy dấu tay. Gần một năm sau, hồ sơ của Bobby
mới được xét duyệt với điều kiện anh phải vượt qua kỳ sát hạch
nghiệp vụ của cảnh sát trưởng. Bất kể ai khi nghe anh kể về ước mơ
của mình đều phản đối mạnh mẽ, chỉ duy nhất có vợ và con gái anh là
ủng hộ hết mình.
Cả hai cùng động viên Bobby trong những bài tập thể lực như
chạy bộ, nhảy xa, ném bóng nhằm giúp anh đủ sức cạnh tranh với các
ứng viên trẻ tuổi. Con gái anh dành hàng giờ ở thư viện để tìm những
tài liệu liên quan đến nghiệp vụ cảnh sát cho anh ôn tập. Cả gia đình
thường xuyên nghĩ ra những tình huống phạm tội để anh tham gia
giải quyết theo đúng pháp luật. Trong suốt những tháng mùa hè ấy,
Bobby không thể tránh khỏi những lúc nản lòng, mệt mỏi, lo lắng và
tưởng chừng có thể bỏ cuộc. Nhưng mục tiêu phía trước đã níu giữ
động lực phấn đấu và quyết tâm của anh.
Cuối cùng, anh đã vượt qua kỳ sát hạch và tốt nghiệp học viện
cảnh sát đúng vào tuần lễ anh tròn 40 tuổi! Sự kiện này vô cùng ý
nghĩa với cuộc đời anh bởi nó là minh chứng cho việc hiện thực hóa
một ước mơ đã được điều chỉnh.
Nếu một ước mơ của bạn không đạt được, hoặc chỉ đạt được một
phần, hoặc bạn vẫn không cảm thấy hài lòng khi đạt được, hãy thử
đến với một ước mơ khác. Vẫn còn rất nhiều điều để bạn làm, và một
khi đã chọn một việc gì đó để làm thì hãy bắt tay ngay vào hành động.
Theo nội dung của cuốn sách Dám Ước Mơ của nữ tác giả Florence Littauer