GTHN - Một khi được mời dự phỏng vấn nghĩa là nhà tuyển dụng đã có ấn tượng nhất định đối với đơn xin việc và sơ yếu lý lịch của bạn. Hãy cố gắng thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người thích hợp nhất với vị trí công việc họ đang cần.
Trước tiên bạn cần nhận thức được rõ tính chất của các câu hỏi để có thể tìm được đường hướng trả lời sao cho thích hợp nhất, đặc biệt là đối với những câu hỏi “nhạy cảm” và những câu hỏi “khó”. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn xin việc.
Hỏi: Bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?
Không phải ngẫu nhiên mà nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi trên trong khi họ đã cầm trong tay tất cả các thông số về ứng cử viên xin việc. Bạn nên biết rằng, câu hỏi này là nhằm đánh giá tính cách, sự chuẩn bị cũng như kỹ năng giao tiếp và khả năng phản xạ của bạn. Hãy chuẩn bị một danh sách những việc bạn đã làm hoặc đang làm ( công việc hiện tại, công việc trước kia), sở trường (chú trọng đến khả năng chuyên môn), tóm tắt quá trình làm việc đồng thời khéo chỉ ra rằng những kinh nghiệm đạt được trong quá trình làm việc của bạn là phù hợp với công việc sắp tới.
Hỏi: Tại sao bạn lại từ bỏ công việc trước kia?
Đừng bao giờ nói là vì bạn chán công việc đó. Thay vào đó, bạn có thể nói là bạn không thể phát huy toàn bộ khả năng của mình khi làm việc tại công ty cũ. Không nên chê bai những người chủ trước kia. Nếu nguyên nhân không phải là từ phía bạn, hãy tóm tắt ngắn gọn những vấn đề mà công ty trước đã gặp phải. Đừng để những người chủ sắp tới của bạn nghĩ rằng bạn đang “cay cú”. Nói tóm lại, hãy trả lời một cách tích cực như: “ … vì muốn có cơ hội thăng tiến tốt hơn, …vì muốn phát huy hết năng lực của mình…”
Hỏi: Tại sao bạn lại muốn làm công việc này (hay Tại sao bạn lại muốn làm cho công ty của chúng tôi)?
Hãy chứng tỏ những hiểu biết của bạn về công ty và khẳng định khả năng của bạn là phù hợp đối với vị trí được tuyển dụng. Thay vì quá tập trung vào những gì bạn mong muốn nhận được từ phía công ty, hãy nhấn mạnh tới những gì bạn có thể làm cho họ và tất cả những kinh nghiệm và của bạn trước đó mà bạn coi là phù hợp với công việc mới. Hãy chắc chắn rằng bạn cũng đề cập tới một vài điều thú vị mà bạn đã học hỏi được từ những người chủ trước.
Hỏi: Bạn nghĩ là bạn có mang lại những gì cho công ty của chúng tôi?
Đây là cơ hội để cho bạn thể hiện, đồng thời tập trung vào những kỹ năng của bản thân mà theo bạn là phù hợp với yêu cầu của công việc mới. Ví dụ: “Tôi có kỹ năng bán hàng và luôn sẵn sàng làm việc theo nhóm. Vì vậy, tôi rất muốn tham gia vào chiến dịch mở rộng thị trường ở phía Bắc của quý công ty.”
Hỏi: Theo bạn, công việc này đòi hỏi những gì?
Câu hỏi này được đặt ra nhằm khai thác xem liệu bạn đã suy xét, nghiên cứu, nắm bắt thông tin về vị trí công việc này trước đó và liệu bạn có thể tóm tắt tất cả những thông tin này một cách rành mạch hay không.
Hỏi: Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Hãy chứng tỏ mối quan tâm của bạn đối với công việc và những hiểu biết của bản thân về tổ chức và lĩnh vực mà sắp tới bạn sẽ tham gia. Hãy nói lên hiểu biết của bạn về hoạt động chính của công ty, quy mô, đối tượng khách hàng và tình trạng hiện tại của nó, đồng thời cũng không nên quên đề cập tới nguồn của những thông tin mà bạn thu thập được.
Hỏi: Điểm mạnh của bạn là gì?
Cách tốt nhất là đưa ra những ví dụ cụ thể để chứng minh những mặt mạnh của bạn ở những công việc trước kia, những điều khuyến khích bạn viết đơn xin việc để có thể vào làm ở công ty mới này.
Hỏi: Điểm yếu của bạn là gì?
Khi trả lời những câu hỏi liên quan đến điểm yếu nhất của bạn, bạn nên nói thật một phần. Mặc dù bạn không nên nói ra tất cả mọi điểm yếu của mình, nhưng chỉ nói ra một điểm yếu duy nhất thì cũng không phải là một ý tưởng hay. Một sự vừa phải sẽ là tốt nhất. Và bạn nên tập trung vào những điểm yếu mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc bạn đang dự tuyển. Điều này nên là một điểm yếu mà bạn đang trong quá trình sửa chữa. Lưu ý rằng không phải là điểm yếu mà bạn đã sửa chữa được rồi, vì đó đâu còn là điểm yếu nữa.
Hỏi: 5 năm nữa bạn sẽ làm gì?
Đây là câu hỏi nhằm đánh giá mức độ tham vọng cũng như kế hoạch thăng tiến trong nghề nghiệp của bạn. Bạn nên chỉ ra rằng những mục tiêu lâu dài của bản thân là phù hợp với vị trí công việc đang được bàn đến và nói lên những cam kết để thực hiện những mục tiêu này.
Hỏi: Bạn có thể đưa ra một ví dụ để chứng tỏ sự sáng tạo/ khả năng quản lý/ khả năng tổ chức của bạn?
Hãy nghĩ ra những ví dụ chứng tỏ được rằng khả năng của bạn đáp ứng được yêu cầu của công việc theo như quảng cáo của nhà tuyển dụng. Đây cũng chính là phần trọng tâm của các cuộc phỏng vấn.
Hỏi: Bạn có chịu đựng được áp lực của công việc không?
Hãy trả lời “có” kèm theo một dẫn chứng cụ thể khi mà bạn phải chịu áp lực của công việc và bằng cách nào bạn đã vượt qua điều đó.
Hỏi: Bạn đã bao giờ mâu thuẫn với đồng nghiệp chưa? Nếu có thì cách giải quyết đó là gì?
Đây là những câu hỏi về cách thái độ xử sự nhằm khai thác xem bạn có đủ tinh tế và khả năng theo như yêu cầu của công việc hay không. Đối với những câu hỏi dạng này, hãy viện dẫn những kinh nghiệm của bạn trong trường hợp này và luôn xen những gợi ý tích cực vào câu trả lời của bạn. (Ví dụ như bạn đã học được nhiều từ những gì đã gặp phải).
Hỏi: Bạn có bất kỳ câu hỏi nào cần được giải đáp không?
Khi sắp kết thúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi: Anh chị có cần hỏi gì không? Lúc này, nếu biết nêu câu hỏi phù hợp, rõ ràng thì cũng là một cách thể hiện sự chín chắn, thông minh, góp phần kết thúc tốt đẹp cuộc phỏng vấn. Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị một vài câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng. Hãy hỏi thêm những gì bạn còn vướng mắc về công việc mới, yêu cầu làm rõ những thông tin chung chung về công ty hoặc đề nghị xác nhận những thông tin mà bạn nắm được về công ty là có chính xác hay không.
Bạn không nên đặt câu hỏi quá quan tâm về vật chất như tiền lương, tiền thưởng, thời hạn nâng lương, nghỉ phép... Nhưng nếu được hỏi anh chị muốn có mức lương bao nhiêu thì câu trả lời hay nhất là "Tôi muốn hưởng mức lương phù hợp với năng lực và sự đóng góp của tôi".
Những câu hỏi “nhạy cảm”:
Đặt giả dụ bạn phải đối mặt với một câu hỏi tương đối “nhạy cảm”, hoặc những câu hỏi mà bạn thấy ở đó có sự phân biệt đối xử thì bạn không bắt buộc phải trả lời chúng.
Ví dụ như nhà tuyển dụng có thể có thành kiến rằng phụ nữ sinh con thì không thể làm việc trọn ngày và hỏi bạn liệu rằng làm sao bạn có thể vừa chăm sóc con cái vừa làm việc và nâng cao khả năng chuyên môn một khi bạn sinh con.
Nếu như bạn cảm thấy không thoải mái với bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể từ chối trả lời một cách lịch sự hoặc đề nghị được làm rõ những vấn đề có liên quan tới vị trí đang được tuyển dụng. Một số gợi ý:
“Tôi nghĩ là chúng ta không cần phải nói về điều này. Tôi muốn tập trung vào những vấn đền liên quan đến công việc và những yêu cầu của quý công ty”.
“Tôi không rõ câu hỏi này liên quan tới vị trí công việc và khả năng làm việc của tôi đối với vị trí này ra sao. Quý công ty có thể nói rõ cho tôi biết tại sao câu hỏi này lại quan trọng và tôi sẽ cố gắng để cung cấp những thông tin có liên quan.”
Những câu hỏi “khó”
Nếu bạn có những vấn đề khúc mắc với người chủ trước (bị đuổi việc, hoặc mâu thuẫn với đồng nghiệp), hãy chuẩn bị tâm lý vì rất có thể bạn sẽ bị hỏi những câu hỏi có liên quan. Chiến lược tốt nhất là hãy trả lời thành thật, tích cực, và tránh chỉ trích những người chủ trước hoặc tỏ ra bực tức.
Trang Bùi