GTHN - Cuộc sống không thể thiếu lòng biết ơn, vì nó là thước đo đánh giá đạo đức của con người. Một người thường xuyên tâm niệm lòng biết ơn chính là thể hiện của tính lương thiện, và đó cũng là một quy phạm căn bản để làm người, lòng biết ơn chính là ngọn nguồn của mọi đức hạnh.
Những người nào biết hài lòng với cuộc sống của mình sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn. Biết ơn tạo hoá đã cho ta được sinh ta; biết ơn cuộc đời đã cho ta những trải nghiệm khổ đau và hạnh phúc để ta trưởng thành; biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; biết ơn những người đi qua cuộc đời ta đã dạy cho ta những bài học để cùng chung sống; biết ơn những khổ đau đã đến để cho ta biết giá trị của hạnh phúc…
1. Ơn tạo hóa đã cho ta sinh ra làm người
Ngay từ khi sinh ra, từng hơi thở của chúng ta đã gắn liền với mẹ Tự Nhiên. Cơm ăn, nước uống, ánh nắng mặt trời và quy luật vận hành của các bộ phận trong cơ thể… có điều gì là chúng ta tự mình làm được đây?
Ta sinh ra đã thấy mọi thứ đều được an bài sẵn như vậy nên đôi khi coi đó là điều hiển nhiên và mặc nhiên hưởng thụ. Chúng ta biết ơn vì điều đó khiến chúng ta sống hạnh phúc hơn. Rốt cuộc thì hạnh phúc là gì nếu không phải là sự hài lòng, mà điều này bắt nguồn từ sự biết đâu là đủ, với gốc rễ là cái tâm trân trọng biết ơn.
Những phong tục tế tự thần linh, Trời Đất xưa nay đều đang nhắc nhở con người nhớ tới ơn dày của Tạo hóa. Nếu luôn biết nhớ ơn cuộc sống, nhớ ơn Thần linh luôn che chở, nâng đỡ mình trước những nguy nan, kiếp nạn, người ta sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại, bình yên và hạnh phúc sâu thẳm trong lòng mình. Các bậc Thánh nhân, dẫu là ở phương Đông hay phương Tây thì đều chung một ý niệm và nguyện ước con người hướng thiện, biết tu tâm dưỡng tính, biết chăm lo cho mọi người xung quanh.
Biết ơn là một cách đối trọng, thực hành nuôi dưỡng thân tâm. Biết ơn sẽ giúp chúng ta nhận ra đâu là đủ, không vọng tâm tham lam. Đồng thời, nó là cái nhìn khích lệ, thay đổi cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống với nhiều khía cạnh khác nhau để biến khó khăn thành cơ hội, biến bất hạnh thành lạc quan.
“Ở hiền gặp lành” – “Có đức mặc sức mà ăn” chính là lời nhắc nhở truyền đời của lớp tiền bối. Học cách cảm ơn mẹ Thiên Nhiên chính là cách một người đang hướng thiện và sống vị tha hơn.
2. Ơn dưỡng dục của cha mẹ
Chữ “Hiếu” là quy phạm các hành vi của con người. Hiếu thảo có nghĩa là cảm thông và thấu hiểu cha mẹ. Chỉ khi biết hiếu thảo với những người sinh thành, nuôi dưỡng mình thì con người mới có thể làm nổi những chuyện lớn lao khác. Do đó, lòng hiếu thảo chính là thứ cần có nếu muốn cuộc sống suôn sẻ mỗi ngày.
Khổng Tử cũng từng dạy học trò: Hiếu kính cha mẹ khó khăn nhất là gì? Chính là “sắc mặt”, nghĩa là không để cha mẹ nhìn thấy nét mặt khó chịu của mình. Nếu như chúng ta để lộ ra sự coi thường và cảm giác khó chịu thì tức là chưa làm được hiếu kính, vì điều này khiến cho cha mẹ cảm thấy bất an.
“Sắc mặt” khó làm ở chỗ nào? Khó là ở chỗ cần phải có một trái tim tôn kính, không một chút thái độ mảy may khó chịu. Thế nên cũng có thể nói, sắc mặt chính là tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức hiếu kính cha mẹ.
Chữ “Hiếu” kỳ thực là sợi dây ràng buộc con người, ví như quá trình cha mẹ nuôi dưỡng con cái rất vất vả, cha mẹ vì con cái mà hao tâm tổn trí cả cuộc đời, con cái sau khi trưởng thành theo lẽ tự nhiên lại báo đáp ơn phụ dưỡng của cha mẹ, đây là thuận theo đạo lý đao đức ước thúc con người thâm sâu hơn
Cổ nhân từng dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, nghĩa là trăm nết thiện thì hiếu đứng đầu. Trong văn hóa truyền thống, chữ Hiếu được đặc biệt coi trọng. Hiếu tử xưa không chỉ dốc sức nuôi dưỡng cha mẹ, mà còn luôn cung kính hiếu thuận, nói lời nhẹ nhàng đầm ấm, cảm niệm từ nội tâm, báo đáp ơn dưỡng dục cha mẹ.
3. Ơn thầy cô dạy bảo
Từ những ngày đầu chập chững vào đời, các thầy cô đã dang tay đón nhận chúng ta vào lòng, dạy cho chúng ta từng con chữ, từng nốt nhạc, từng lễ tiết và đạo đức làm người. Lớp lớp các thầy cô luôn xuất hiện và nâng bước chân ta vào đời, từng bước từng bước một cách nhẫn nại.
Thầy cô kế thừa những tinh hoa mà cha ông truyền lại, dạy chúng ta cách chung sống với mọi người xung quanh, dạy chúng ta những kỹ năng nghề nghiệp, chắp cánh ước mơ cho chúng ta bay cao bay xa. Đôi khi vai trò giáo dục của thầy cô còn mang tính quyết định cuộc đời của bao thế hệ.
Công ơn thầy cô cần phải ghi lòng tạc dạ. Hãy nhớ: “Không thầy đố mày làm nên“, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy“. Lòng biết ơn không chỉ đem lại hạnh phúc cho bản thân người biết ơn, mà còn mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Khi phát tâm biết ơn, chúng ta đang khai mở thiện tâm và lòng từ bi. Sự cảm kích khi nhận được lòng biết ơn sẽ tạo nên một chuỗi những việc thiện với tình cảm tốt lành.
4. Ơn người dẫn đường mở lối
“Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống vốn đã mang trong mình quá nhiều bí mật thú vị và ẩn số khó lường. Khi bước trên chặng đường đời của mình, chúng ta khó tránh khỏi những lúc mê lạc, những khi bế tắc, những lúc bất lực, thở dài ngao ngán.
Có người thấy cô đơn, có người lại trầm uất, bất lực. Có người thì tìm quên trong làn khói thuốc của nàng tiên nâu, trong men rượu hay trong những dục vọng ái tình nhất thời của mình.
Lúc này nếu có người có thể chỉ ra phương hướng cho bạn, thổi bùng lên ngọn lửa tư tưởng của bạn, tháo gỡ những nút thắt trong tâm bạn giúp con đường phía trước của bạn đột nhiên trở nên sáng rõ, đoan chính, thậm chí mở ra một tương lai rạng ngời cho bạn thì ơn này cả đời bạn cũng không thể quên được. Ơn chỉ đường mở lối này càng cần đền đáp muôn phần.
Nếu may mắn chúng ta có thể báo đáp phần nào công ơn trời biển của những vị ân nhân trong đời mình. Nhưng đôi khi họ đến và đi rất nhanh, không kịp ở lại để chúng ta bày tỏ tấm lòng biết ơn. Chúng ta có thể trả ơn họ bằng cách khác, bằng cách học theo những nghĩa cử cao đẹp của họ để giúp đỡ những người xung quanh chúng ta. Mở rộng hơn trái tim mình hòa chung vào trái tim của mọi người và lưu lại những câu chuyện ý nghĩa về lòng biết ơn của chúng ta cho thế hệ mai sau.
Sinh ra trên cõi đời, ai cũng mang trong mình những ân tình. Từ bầu không khí ta hít thở, con đường ta đi, hay đơn giản chỉ là khả năng nhận thức được sự tồn tại của bản thân, khả năng cảm nhận được cảm xúc… tất cả đều là những ân tình ta nhận được từ tạo hóa, từ vạn vật. Vì những ân tình đó, lòng biết ơn không chỉ là đức hạnh cao quý nhất, nó còn là ngọn nguồn của mọi đức hạnh khác.
Hằng Tâm