GTHN - “Cuộc sống vốn được hình thành từ một chuỗi những khó khăn. Bạn chỉ ngồi đấy mà than vãn
hay mạnh dạn đi tìm giải pháp vượt qua những khó khăn ấy?” - M. Scott Peck
Hạnh phúc không bỗng dưng mà có
Không phải lúc nào cuộc sống cũng diễn biến như chúng ta mong đợi. Có những thực tế mà
chúng ta phải vượt qua để rồi rút ra những bài học cho mình, dù có thể muộn màng. Một trong
những bài học đó là Hạnh phúc không bỗng dưng mà có. Đó là một sự thật hiển nhiên mặc cho
chúng ta có muốn hay không. Vậy chúng ta cứ mãi ngồi đó mà ca thán về những điều trái ý
nghịch lòng, mãi ước mơ cuộc sống sẽ diễn ra như ý nguyện, hay chấp nhận cuộc sống như bản
chất của nó và hiểu rằng hạnh phúc là do chính chúng ta tạo nên?
Cuộc sống vốn khắc nghiệt...
Khoảng 2.500 năm trước, Đức Phật đã thuyết pháp Kinh Tứ diệu đế (Bốn điều chủ chốt) rất
sâu sắc và đúng với thực tế. Điều đầu tiên: “Đời là bể khổ”. Có thể nghĩ rằng ông là người đầu
tiên nói lên điều đó, nhưng tôi cho rằng nhiều người đã nhận ra điều đó trước khi Đức Phật đề
cập đến vì thật khó mà tin rằng cuộc sống của những cư dân đầu tiên trên trái đất chẳng có
chút khó khăn nào. Bản chất cuộc sống vốn khắc nghiệt, nó luôn như thế và sẽ mãi như thế. Khi
hiểu và chấp nhận điều ấy thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đứng trước những điều
khó khăn, bất lợi không mong đợi.
Một trong những khác biệt giữa người thành công và người thất bại là ở thái độ tiếp nhận khác
nhau đối với những khó khăn của cuộc sống. Người thất bại thường né tránh, hoặc cam chịu
các trở ngại còn người thành công luôn đi tìm giải pháp, ngay cả khi phải chịu đựng khổ ải bởi
họ tin rằng họ sẽ vượt qua.
Rất nhiều người cứ mãi than vãn về những khó khăn của mình như thể trường hợp của mình là
duy nhất, và họ luôn cảm thấy cuộc sống của người khác dễ dàng hơn cuộc sống của họ. Trong
suy nghĩ của họ, có vẻ như việc phàn nàn đó tưởng sẽ trút bớt trở ngại của mình lên người
khác, và chính điều đó cũng thể hiện rằng họ chưa chấp nhận khó khăn là điều vốn có của cuộc
sống. Thực ra sự than vãn đó chỉ làm họ yếu lòng hơn và muốn trốn tránh thực tế. Ngay khi
chúng ta chấp nhận sự thực: Cuộc sống vốn khắc nghiệt, thì chúng ta cũng bắt đầu hiểu rằng,
khi mỗi trở ngại đến cũng chính là một cơ hội đang đến. Thay vì để khó khăn đánh bại, chúng
ta hãy đón nhận chúng như một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình. Nền công nghệ
hiện đại đặt chúng ta vào một lối sống tốc độ “ấn nút” - nấu ăn, rửa chén, xem chương trình tivi ưa thích, thậm chí tập thể dục cũng chỉ bằng một cái ấn nút. Thêm vào đó, mỗi ngày chúng ta
phải tiếp xúc với hàng loạt những thông tin quảng cáo rằng “Bạn sẽ chẳng mất nhiều thời gian
để có được một thân hình mong muốn”, “Chỉ trong một thời gian ngắn, bạn có thể học thông
thạo một ngoại ngữ”, “Chẳng mấy chốc bạn sẽ trở thành một người nổi tiếng và giàu có”...
Các chuyên gia quảng cáo và tiếp thị đã, đang và sẽ tiếp tục dùng những hình thức giới thiệu
như thế bởi họ hiểu rất rõ bản tính con người. Họ biết rằng hầu như chúng ta không chấp nhận
thực tế khó khăn, luôn tìm cách né tránh hoặc muốn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng
và dễ dàng. Nhưng thật ra mọi thứ đều có cái giá của nó, phải có sự đầu tư về thời gian, công
sức, đôi khi có cả sự hy sinh và chấp nhận những mất mát.
...
Và không phải lúc nào cuộc sống cũng công bằng!
Năm 1981, từ những trải nghiệm của mình, Harold Kushner đã viết cuốn Khi điều không may
xảy đến với người tốt, dành cho những người từng bị cuộc sống làm tổn thương, rằng nếu cuộc
sống công bằng thì đáng lẽ ra họ phải được nhận lại phần nào những gì mà họ đã cho đi. Đó là
một trong những cuốn được nhiều người đọc nhất vào những năm 1980. Nó thuộc loại kinh
điển vì gắn liền với một trong những câu hỏi phổ biến xưa nay là “Tại sao mọi chuyện lại xảy
đến với tôi?”. Kushner có một cậu con trai tên là Aaron, lẽ ra gia đình họ có thể sống vui vẻ và
hạnh phúc bên nhau. Thế nhưng vào năm Aaron được 3 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc
bệnh “progeria”, một loại dịch lây lan rất nhanh và chưa có thuốc chữa trị. Cậu bé phải chịu
những đau đớn về thể xác suốt 11 năm và mất năm 14 tuổi, còn cha mẹ cậu không bao giờ
quên được những mất mát tinh thần đó. Dường như chúng ta, nhất là những người tốt, thường
gặp những điều không may hơn những điều lành và trước những tình cảnh như vậy, mọi người
thường cho rằng “Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng!”.
Không ai trong chúng ta có thể tránh được khó khăn nhưng chúng ta có thể học cách kiểm soát
nó. Chúng ta có thể lựa chọn không để cho khó khăn hạ gục, nhấn chìm ta trong biển khổ bằng
cách chấp nhận nó như một thực thể cuộc sống và trưởng thành từ nó.
Chúng ta sống trong một thế giới không hoàn hảo với những con người không hoàn hảo. Trong
thế giới không hoàn hảo đó, chúng ta không hề đơn độc. Mọi người cùng chia sẻ những tổn
thương, nỗi đau và mất mát của riêng mình. Quan trọng không phải người ta có bao nhiêu khó
khăn mà chính là người đó đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào. Khi bị tổn thương, dù
là thể chất hay tinh thần, điều cần nhất là tìm ra ý nghĩa từ nỗi đau đó. Như Benjamin Franklin
đã từng viết “Chính những điều gây tổn thương ta sẽ dạy ta”. Theo ông, bất cứ nỗi đau nào cũng
mang đến cho chúng ta một sự trải nghiệm nào đó, chỉ là chúng ta có sẵn lòng đón nhận, học
hỏi từ nó hay không mà thôi. Thành công đích thực được xác định qua cách chúng ta đương
đầu với nghịch cảnh: trốn chạy hay đối đầu, chấp nhận đầu hàng hay quyết tâm chiến thắng nó.
Rất cần ở bạn một lòng can đảm
Một số người luôn bị lệ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Họ dễ dàng thành công khi tất cả
đều thuận lợi. Nhưng họ nhanh chóng mất tinh thần và ngã quỵ ngay khi bị nghịch cảnh cản lối.
Họ dường như không hiểu rằng đứng trước khó khăn, chúng ta phải tự mình quyết định sẽ để
khó khăn nhấn chìm hay vượt lên nó.
Để có thể đứng vững trước thực tế khắc nghiệt đòi hỏi ở chúng ta một nghị lực. Winston
Churchill cho rằng: “Can đảm là phẩm chất đầu tiên mà một người cần có bởi vì đó chính là nền
tảng cho sự hình thành những phẩm chất khác”. Ở đây ông không có ý đề cập đến sự can đảm
của những con người phi thường mà chính là sự can đảm dám đưa ra những quyết định cần
thiết trước sự khắc nghiệt của cuộc sống đời thường.
Paul Tillich, nhà thần học nổi tiếng, tác giả cuốn Hiện thân của sự can đảm, khi được yêu cầu
giải thích cụ thể hơn về ý nghĩa của sự can đảm này, đã nói “Can đảm là dám nói “vâng” với
cuộc sống cho dù nó khắc nghiệt đến mức nào. Can đảm là biết mỉm cười dù số phận trớ trêu
thế nào đi nữa”. Cuộc sống khắc nghiệt... và vốn không công bằng, nhưng điều đó không có
nghĩa là cuộc sống không có những nét tươi đẹp, thú vị và đáng yêu nếu bạn biết cách tìm và
nhận ra nó.
“Hãy đón nhận những khó khăn, bất hạnh như là một phần tất yếu của cuộc sống, hãy ngẩng
cao đầu, nhìn thẳng nó, và nói: Ta sẽ mạnh hơn ngươi. Ngươi không thể thắng được ta.”
- Ann Landers