GTHN - Thi thoảng trong cuộc đời, việc từ bỏ một giấc mơ vô vọng là điều lành mạnh và cần phải làm, để bạn tìm ra được một hướng đi khác phù hợp hơn.
Bạn còn nhớ câu chuyện về 3 chú heo con và sói già không? Chuyện rằng có ba chú heo con ra ở riêng và bắt đầu xây những căn nhà của mình. Hai heo anh xây những căn nhà tạm bợ bằng cành cây và lá, còn heo út xây một căn nhà bằng gạch. Khi đêm xuống, sói đến phá đổ nhà và ăn thịt 2 heo anh. Heo út sống trong nhà gạch nên không bị sao cả.
Câu chuyện này vẫn thường được kể cho đám trẻ, khuyên các em rằng, trong cuộc sống phải biết hướng tới mục tiêu lớn lao và nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó. Thế nhưng, tôi biết một phiên bản khác của câu chuyện, đại loại như thế này: trong lúc heo út đang mải miết xây nhà gạch thì sói đến và ăn thịt heo út, còn hai heo anh, may mắn kịp trốn vào nhà.
Chúng ta đang sống trong nền văn hóa "theo đuổi giấc mơ", nơi mà mọi người thường nhắc nhở nhau rằng Never Give Up (đừng bỏ cuộc), nơi mà chúng ta liên tục bị tuyên truyền các thông điệp: “Nếu thực sự muốn, nếu cố gắng đủ, thì giấc mơ sẽ thành hiện thực”.
Sách vở, báo chí và truyền thông thường kể cho chúng ta những tấm gương nỗ lực và vươn tới thành công. Tuy nhiên, họ lờ đi vô số những tấm gương thất bại. Khi tôi trưởng thành, tôi nhận ra thực tế phũ phàng là: Có rất ít ước mơ có thể trở thành sự thật.
Những thành công chấn động thực sự có xảy ra, nhưng tỷ lệ thì cũng không hơn trúng xổ số là mấy. Ví dụ như việc trở thành một vận động viên điền kinh - có rất nhiều người hướng tới ước mơ HCV Olympic, rất nhiều người cố gắng nỗ lực hết mình, nhưng chỉ có một vài người chiến thắng. Và đằng sau ánh hào quang là vô số người thất bại, cuộc sống của họ chìm trong bóng tối. Nỗ lực chỉ là một trong số rất ít những "điều kiện cần", và còn rất xa mới vươn tới "điều kiện đủ".
Thực tế, tôi đã gặp rất nhiều người đã đặt ra những ước mơ xa vời và trở nên bế tắc, cùng quẫn vì không đạt được nó. Giấc mơ đẹp trở thành cơn ác mộng của đời bạn, bạn bị nó bắt cóc, tống tiền, bòn rút cả sức khỏe, niềm vui, y như một tên giám ngục Azkaban trong truyện Harry Potter.
Đôi khi, chúng ta cần những lời khuyên thực tế, ví dụ như là: "Hãy… thực tế!". Thi thoảng trong cuộc đời, việc từ bỏ một giấc mơ vô vọng là một điều lành mạnh và cần phải làm, để bạn tìm ra được một hướng đi khác phù hợp hơn. Cũng giống như thuở ấu thơ, bạn từ biệt những chiếc răng sữa, để rồi từ đó những chiếc răng trưởng thành mọc lên.
Có những ước mơ về điều bạn muốn làm được, và có những ước mơ về điều bạn muốn được làm. Bạn muốn trở thành CR7 thứ hai, hay muốn được tận hưởng niềm vui chơi bóng? Bạn muốn du lịch khắp các danh lam nổi tiếng, hay chỉ đơn giản là ước ao được đi và ngắm nhìn thế giới? Với kiểu ước mơ thứ nhất, thậm chí đến khi khép lại đời mình, rất có thể bạn vẫn chưa được thỏa lòng. Nhưng với ước mơ thư hai, bạn có thể sống trong ước mơ của mình từng ngày, và đạt được sự mãn nguyện ngay từ những giây phút đầu tiên. Thực ra, hai ước mơ này "tuy một mà hai, tuy hai mà một". Chúng chỉ khác nhau ở cách bạn đặt mục tiêu và thực hiện.
Hãy linh hoạt với những giấc mơ, và cởi mở với những cơ hội. Hãy cứ để những ước mơ sinh ra và lớn lên trong bạn, đừng lờ nó đi và cũng đừng lãng quên, nó là một phần của bạn mà. Nhưng hãy cho bạn tự do đi con đường của riêng mình, bởi vì chúng ta sống trong thế giới thực, chứ không phải thế giới của những giấc mơ. Hãy nhớ mọi thứ sẽ thay đổi và hãy để thế giới làm bạn kinh ngạc.
Đừng từ bỏ ước mơ của bạn sau khi đọc bài blog này, đừng từ bỏ khi dù tôi hoặc ai khác bảo rằng ước mô của bạn có rất ít cơ hội. Nhưng hãy từ bỏ khi thế giới thay đổi và bạn thay đổi. Bạn không còn là bạn thuở còn teen, thế giới hiện tại không như thế giới lúc ước mơ của bạn được sinh ra. Tất cả thay đổi và những ước mơ cũng thế.
Nếu ước mơ xưa cũ không còn vừa vặn với chúng ta nữa, hãy để chúng ra đi và để lại những ước mơ mới có cơ hội của mình. Đừng cảm thấy tội lỗi hay thất bại khi những giấc mơ đó không thành. Không phải bạn từ bỏ, đó là bạn trưởng thành và những ước mơ của bạn cũng chín chắn theo.
Linye