GTHN - Nếu để tinh thần quá kích động khi tức giận hoặc bị tổn thương sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến bạn mất tập trung, lại càng dễ mắc thêm sai lầm. Vậy chúng ta học cách nhận diện cảm xúc, ứng phó căng thẳng, giận dữ và thoát nhanh ra khỏi những ảnh hưởng không tốt như thế nào?
Trong cuộc sống luôn có những việc không như ý muốn, và khi đó, nếu có thể nâng cao khả năng kiềm chế, nội tâm sẽ bình tĩnh hơn, chúng ta càng có khả năng suy nghĩ, giải quyết vấn đề và phát huy sức sáng tạo tốt hơn…
Khả năng kiềm chế là một trong bảy tiêu chí đánh giá chỉ số xúc cảm (EQ): nhận diện cảm xúc, ứng phó căng thẳng, giận dữ và tự tin vào chính mình... Đây là chỉ số quy định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời, là khả năng hòa nhập gia đình và cộng đồng. Nếu cải thiện mức độ tự kiềm chế càng cao, khả năng thành công trong cuộc sống của chúng ta càng lớn.
Khả năng kiềm chế sự tức giận: Luyện được khả năng bình tĩnh trước nhiều tình huống là điều rất khó, cần nhiều thời gian, nhất là với cảm xúc giận dữ ở những người trẻ tuổi. Tức giận là một dạng tinh thần dễ xuất hiện nhất, nhưng luôn có cách để chúng ta rèn luyện khả năng kiềm chế và kiểm soát bản thân.
Muốn vậy, đầu tiên ta cần hiểu nguyên nhân nào làm ta giận dữ. Khi bạn bắt đầu giận hãy xác minh rõ điều gì làm mình giận và nên xử lý tình huống như thế nào. Việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự tức giận đóng vai trò rất quan trọng. Sự tức giận của bạn không phải là việc xảy ra ngẫu nhiên mà nó bị tác động bởi sự vật, sự việc và con người cụ thể: Do sự việc đang diễn ra hay do nguyên nhân sâu xa từ những bức xúc nào đó; hoặc do bạn bị trở ngại, bị mất quyền lợi? - Khi bạn nhận biết được nguồn gốc tại sao bạn tức giận, bạn có thể kiểm soát hành vi bản thân, có cơ hội bình tĩnh lại để cư xử đúng.
Đừng đáp lại cơn giận bằng sự giận dữ. Có ai đổ thêm dầu vào lửa không? Sự bực bội của bạn sẽ làm tăng cơn giận của cả bạn và người đối diện. Tình trạng căng thẳng sẽ không kiểm soát được. Hãy kềm chế cơn giận của chính mình trước, cố gắng ôn tồn, bình tĩnh, không chỉ trích, không miệt thị. Làm được thế ta sẽ điều khiển được hành động và cảm xúc của ta và người đối diện.
Khi có dấu hiệu cho thấy bạn hay người kia bắt đầu nổi nóng hãy nhanh chóng đi ra khỏi môi trường căng thẳng đó, uống ly nước, hít thở sâu, nghe nhạc, đi chơi… sẽ giúp bạn thoát khỏi rắc rối. Rồi khi cơn giận qua đi, chúng ta giải quyết vấn đề trong sự bình tĩnh, bàn luận mọi việc vẫn dễ dàng hơn, chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn.
Nếu người nào đó thường khiến cho bạn tức giận (có thể là do người này phát hiện ra điểm yếu của bạn), khiến cho tinh thần của bạn vốn đang tích cực trở thành tiêu cực. Và nỗi tức giận nếu không được loại bỏ, năng lực sẽ bị cản trở rất lớn, bạn không thể nào làm việc hiệu quả hay có thể có những suy nghĩ sáng ý. Vì thế, để những hành động hoặc lời nói của họ (những người thường khiến cho bạn tức giận) không tiếp tục làm tổn thương bạn, bạn có thể nên hẹn người đó và nói rõ bản thân mình bị tổn thương như thế nào và làm sáng tỏ nguyên nhân để sớm kết thúc cục diện không tốt này. Đồng thời, có thể tránh về sau phát sinh những tình huống tương tự. Ngược lại, nếu bạn ra vẻ “cao thượng”, không biểu hiện cho người khác thấy họ đã có hành vi, lời nói gây tổn thương cho bạn, nghĩa là bạn đã giải thoát trách nhiệm cho họ và hơn nữa, họ sẽ có thể tiếp tục lập lại sai lầm đó với bạn.
Hãy viết ra hoặc suy nghĩ nguyên nhân mỗi khi nảy sinh tức giận: do người, hành động hay sự việc; do nguyên nhân gì cản trở bạn và loại bỏ chướng ngại đó như thế nào? Lúc bạn cảm thấy quan điểm nào đó khó lý giải, hãy tự hỏi bản thân: “Nếu tôi là đối phương, tôi sẽ nghĩ gì?” Ngoài ra, bạn cũng có thể tâm sự với những người bạn tin tưởng, gia đình, bác sĩ hay nhà tâm lý học – những người có thể đưa ra lời khuyên và cách giải quyết hữu hiệu nhất.
Tức giận không hẳn là xấu, đó là điều tất yếu trong sự phát triển cảm xúc của một người bình thường. Đôi khi, sự tức giận là động lực giúp chúng ta sửa những sai lầm hoặc có những hành động xây dựng khắc phục trở ngại. Nhưng điều đó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn biết kiềm chế và kiểm soát hành vi của bản thân theo chuẩn mực nhất định. Hãy nhớ rằng, luôn có nhiều phương án giải quyết khi gặp một rắc rối, mà “nổi giận” là phương pháp rất ít khi mang lại hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng, bởi oán hận và tức giận trong thời gian dài sẽ làm cản trở tư duy của bạn.
- “Biết kiềm chế cảm xúc không chỉ để thành công trong giao tiếp mà còn giúp bạn luôn cảm thấy cuộc sống này tươi mới và hạnh phúc hơn!”
Chúc bạn vui, khỏe và gặt hái nhiều thành tựu.
Văn Khải Quân tổng hợp (Hieuhoc.com)