Điều thứ nhất: “Hại người lợi mình”: Khi chết đi chưa bao giờ nghe nói rằng của cải sẽ theo được mà chỉ nghe nói rằng chỉ có đức và nghiệp là theo chân. Mê muội lừa gạt người, chiếm đoạt tiền tài một cách phi pháp là tự làm tổn hại đến phúc phận của bản thân. Phúc lộc thọ cũng theo đó mà giảm, khi báo ứng đến thì tiền tài chiếm đoạt được nào còn ý nghĩa gì?
Điều thứ hai: “Khinh già, trọng trẻ là gia đình xấu”: Người già bỏ mặc không chăm, không quan tâm, không phụng dưỡng mà đem tất cả tình yêu thương đặt lên trẻ nhỏ. Gia đình như vậy thì sẽ không gặp may mắn.
Người xưa so sách mối quan hệ trong gia đình với một cái cây lớn, trong đó quả là con, thân cây là cha mẹ, gốc rễ là ông bà. Muốn cây phát triển xanh tốt thì cần chăm bón mà chăm bón thì tất nhiên là chăm vào gốc rễ rồi.
Trong giáo dục con cái thì sự gương mẫu của cha mẹ có sức mạnh hơn ngàn lời nói. Ở trong nhà, bạn cư xử nhẹ nhàng, cung kính với cha mẹ thì không cần nói, con trẻ cũng sẽ tự học theo. Nhưng nếu bạn thiếu tôn kính cha mẹ, con trẻ cũng sẽ nhìn thấy và học theo. Tương lai chúng sẽ đối xử lại với bạn như thế. Thời xưa hiếu thảo với cha mẹ được gọi là người con hiếu thảo. Bây giờ không phải hiếu thảo với cha mẹ nữa mà là với “hiếu thảo” con cháu.
Điều thứ ba: “Thích nổi danh nhưng bất tài là đất nước suy”. Người thích nổi danh sẽ thích những kẻ xu nịnh và bài xích những người hiền đức, đây là cái họa của quốc gia.
Điều thứ tư: “Già không dạy, trẻ không học, thô tục cũng đáng ngại”. Người già không muốn dạy dỗ người trẻ, người trẻ thì kiêu ngạo, không học hỏi ý kiến người già. Đây là thói quen không tốt.
Điều thứ 5: “Thánh hiền ẩn mình, người xấu làm loạn, thiên hạ sẽ gặp họa”. Người tài đức không trọng danh, không trọng lợi, không xu nịnh nên không được dùng. Ngược lại, người bất tài dùng mọi thủ đoạn để chiếm lấy quyền lực và trèo lên vị trí cao.
Ban ngày không làm điều gì trái với lương tâm, thì ban đêm có tiếng gõ cửa cũng không kinh hãi. Người quân tử luôn giữ cái tâm chính trực, sống chân thành, khiêm nhường, tấm lòng rộng mở nên lúc nào, ở đâu cũng giữ được cái tâm thanh thản. Kẻ tiểu nhân do luôn làm những việc lợi kỷ hại nhân (lợi mình hại người), nên lúc nào cũng lo lắng ưu sầu, sợ bị mất cái lợi, sợ bị người phát giác, sợ bị trả thù… trong lòng lúc nào cũng canh cánh trăm nỗi lo âu.
Người quân tử thấy người hiền đức thì vui thích. Họ coi cái sai của người là cơ hội để tự hướng nội, sửa mình. Thấy người hiền tài thì khéo học tập người, nhờ họ chỉ dẫn, học tập họ cho đến khi bằng họ. Khi thấy người xấu kém, kẻ tiểu nhân sẽ vui thích mà chê cười, hiển thị cái tốt cái giỏi của bản thân.
Người quân tử hiểu rõ đạo nghĩa, nên nhìn nhận vấn đề, nói chuyện và hành xử đều theo Đạo. Kẻ tiểu nhân hiểu rõ về tư lợi, nên suy nghĩ, nói năng và hành xử đều cân nhắc được mất cái lợi cá nhân.
Người tu dưỡng đạo đức, người học Đạo là tu dưỡng cái tâm mình. Họ ban đầu có thể lẻ loi đơn độc nhưng khi họ có đức nhiều, tự nhiên cảm hóa người xung quanh, mọi người sẽ tự gần gũi họ, đồng tình với họ, cảm phục họ, học theo họ. Đây chính là sức mạnh của Đức. Chính vì vậy mà người xưa coi trọng đức, người có đức ở ngôi vị cao thì bách tính lê dân an cư lạc nghiệp.