Thông qua các hình thức như đọc sách báo, tìm kiếm trên mạng hay qua bạn bè, người thân… bạn có thể nhận được những lời khuyên về tiền bạc. Trong số đó, có những lời khuyên tiền bạc tưởng chừng đúng nhưng đã đến lúc bạn nên sớm quên đi.
1. Nhà dù chật chội, phải nợ nần vẫn hơn đi thuê
Suy nghĩ rằng mình nhất định phải được sống trong căn nhà của chính mình, dù điều kiện sống có chật chội ra sao hay nợ thế nào là quan điểm đã lỗi thời. Ngày nay, việc sở hữu tài sản riêng này không còn quá quan trọng nữa.
Bạn có sống thoải mái khi cố để sở hữu căn nhà đó không? Nếu bạn phải đi lại rất vất vả mỗi ngày, vật lộn với suy nghĩ về số tiền nợ mỗi khi thức dậy, điều kiện sống chật hẹp… thì có lẽ việc bạn cố bằng được để sở hữu căn nhà đó không phải là lựa chọn sáng suốt.
2. Tằn tiện quá mức
Khi một người giới hạn bản thân trong những điều kiện quá khắt khe và ngặt nghèo, họ sẽ càng muốn vượt qua những hạn chế đó bằng mọi cách. Đó là lý do vì sao khi bạn đặt ra kế hoạch tiết kiệm thiếu thực tế, quá ngặt nghèo thì sau đó bạn lại dễ rơi vào tình trạng mua sắm điên cuồng hơn. Điều này cũng giống như khi bạn giảm cân quá khắc nghiệt, một thời gian sau bạn dễ bị cuồng ăn và thậm chí còn tăng cân so với lúc ban đầu.
Đừng quá căng thẳng khi nghĩ đến tiết kiệm mà hãy biến nó thành một điều gì đó thú vị, rằng bạn đang để dành cho một thứ gì đó quan trọng hơn trong tương lai. Bạn hạn chế ăn ngoài hàng và tăng cường tự nấu nướng để tiết kiệm song một bữa ăn ngoài để thay đổi không khí sau một ngày làm việc căng thẳng cũng xứng đáng đấy chứ!
3. Chỉ thích công việc “ổn định”
Muốn có một công việc không bấp bênh, ít thay đổi là quan niệm đã lỗi thời mà bạn nên thay đổi. Khi bạn chỉ ở trong vùng an toàn của mình, không dám bước ra bên ngoài để khám phá những điều mới, bạn sẽ không biết đâu là giới hạn của mình.
Hãy thử những điều bạn có thể đến khi tìm được công việc thực sự phù hợp với bản thân. Ngay cả khi bạn đang có thu nhập khá nhưng không có sự phát triển về lâu dài, có lẽ bạn cũng cần đến sự thay đổi.
4. Không dám đi du lịch vì sợ tốn kém
Đây là quan điểm khá phổ biến ở những người lớn tuổi. Khi nghĩ đến tiết kiệm, không ít người nghĩ rằng những chuyến du lịch thật xa xỉ và không đáng để chúng ta bỏ tiền ra.
Tuy nhiên, hãy nhìn xem hàng ngày bạn đã vất vả thế nào để vật lộn với cuộc sống. Bạn cần có những khoảng thời gian để nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động. Những chuyến du lịch không chỉ là lúc để bạn nghỉ ngơi mà còn là khoảng thời gian để thắt chặt thêm tình cảm gia đình, bạn bè và có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Đây là những điều mang lại hạnh phúc cho bạn.
5. Luôn giúp đỡ tiền bạc khi người khác khó khăn
Việc ngại nói lời từ chối khi người khác đề nghị bạn cho vay tiền xuất phát từ tâm lý muốn giúp đỡ người thân và bạn bè. Bạn có thể sẽ cảm thấy tội lỗi nếu mình nói lời từ chối, không thể cho ai đó vay tiền khi họ gặp khó khăn.
Trên thực tế, nếu ai đó xúc phạm bạn chỉ vì bạn không làm điều mà người đó muốn (chẳng hạn như cho họ vay tiền), điều đó có nghĩa rằng người đó đang cố gắng thao túng bạn. Nếu bạn miễn cưỡng cho ai đó vay tiền, bạn có thể sẽ vừa mất tiền, vừa mất tình cảm khi họ không thể trả tiền đúng hẹn hoặc tệ hơn là “bùng”.
6. Càng rẻ thì càng tiết kiệm
Suy nghĩ rằng mua được đồ càng rẻ là càng tiết kiệm chính là sai lầm mà bạn nên sớm thay đổi. Thay vì chỉ chú ý đến các con số trên thẻ giá của sản phẩm, hãy nghĩ đến giá trị mà món đồ đó đem lại cho bạn.
Một chiếc áo sơ mi giá 500 nghìn đồng có thể khá đắt đỏ song bạn có thể mặc chúng trong nhiều năm mà trông vẫn mới, chất vải không bị sờn, bạc màu và kiểu dáng, đường may tinh tế giúp bạn tự tin hơn mỗi khi mặc. Lựa chọn đó chắc chắn sẽ hợp lý hơn là việc bạn cố mua một chiếc áo giá 100 nghìn đồng chỉ vì rẻ trong khi chất lượng quá tệ.
7. Nghĩ rằng tiền bạc là xấu xa
Dù có thể không nói ra nhưng suy nghĩ này tồn tại trong khá nhiều người. Giàu không có gì là xấu, không phải ai giàu có cũng là do làm điều sai trái hay không đàng hoàng. Nếu bạn kiếm được tiền một cách trung thực, bạn không việc gì phải lo lắng. Bạn cũng không cần phải cảm thấy ái ngại khi mua chiếc xe hơi đắt tiền nếu điều đó nằm trong khả năng. Điều quan trọng mà bạn cần tránh chính là khoe khoang về những gì mà mình có.
8. Không thích thay đổi những thứ quen thuộc
Chúng ta thường ngại thay đổi nhà cung cấp dịch vụ cáp, truyền hình… vì đã quen dùng bấy lâu nay. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các nhà cung cấp thường có chương trình đặc biệt cho những người sử dụng mới và bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá khi hưởng chế độ này.
Đừng ngại thay đổi khi nhận thấy thứ bạn đang có đã không còn phù hợp hay có nhiều vấn đề. Hãy chuyển nhà cung cấp nếu bạn thấy dịch vụ của họ kém, đổi sang gói cước điện thoại hơn nếu bản thân không dùng hết và cắt bỏ dịch vụ điện thoại cố định nếu bạn hoàn toàn không có nhu cầu… Tất cả đều là cách để giúp bạn tiết kiệm tiền tốt hơn mà không ảnh hưởng đến cuộc sống.
9. Để tiền gửi đầu tư tự động gia hạn
Nhiều người có thói quen để mặc các khoản tiền gửi đầu tư tự động gia hạn khi đến ngày. Bạn cần biết rằng điều này có thể khiến bạn nhận được lợi nhuận thấp hơn lẽ ra bạn có thể được nhận. Đó là lý do bạn nên tìm hiểu, quan tâm đến các thông tin liên quan tới khoản đầu tư của mình.
Theo Bảo Anh (Gia đình & Xã hội)