Tôi vốn là một người luôn hướng về tình cảm gia đình. Dù có chuyện nhỏ chuyện to tôi cũng muốn được chia sẻ với gia đình mình. Ngày lễ tết, tôi dành phần lớn thời gian tụ họp với gia đình, họ hàng vì tôi quan niệm những ngày khác trong năm bản thân đã có dư thời gian gặp gỡ nói chuyện với bạn bè và các mối quan hệ xã giao khác.
Tôi biết trong mắt bố mẹ, tôi luôn là một thằng con trai bé bỏng. Tuy nhiên, đôi khi, vì những quan tâm thường ngày nhỏ nhặt của bố mẹ, tôi cảm thấy hơi phiền phức. Tôi tự biết trời trở lạnh phải mặc áo khoác dày, đeo găng tay. Tôi tự biết phải ăn gì và không được để bụng rỗng vào buổi sáng. Nhưng mẹ tôi vẫn nhắc tôi những vấn đề nhỏ nhỏ như vậy.
Có lần, tôi đã gắt lên:
– Con biết rồi! Con có phải trẻ con nữa đâu!
Giọng mẹ tôi trầm hẳn đi:
– Ừ con tự biết giữ gìn sức khỏe bản thân như vậy là tốt rồi!
Nói đoạn, mẹ tôi cúp máy chẳng đợi tôi chào tạm biệt mẹ.
Không bao che cho lỗi lầm bản thân, tôi biết có thể khi ấy mẹ đã rất buồn về hành xử của tôi. Và chính tôi cũng đã rất hối hận khi thể hiện thái độ như vậy.
Công việc, sự nghiệp, áp lực, căng thẳng, những mối quan hệ xã giao, thăng tiến, thu nhập… mọi thứ xoay quanh và vần vò tôi mỗi ngày khiến tôi cảm thấy nhiều lúc chẳng có thời gian để thở. Làm người lớn vốn dĩ thật khó.
Chúng ta luôn cố gắng làm hài lòng sếp, đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè chúng ta gặp mỗi ngày bằng những lời dịu dàng nhưng vô tình, chúng ta lại nói những lời gắt gỏng, thiếu suy nghĩ khiến bố mẹ buồn lòng. Với bố mẹ, con cái là tài sản quý giá nhất và chẳng định nổi giá trị tiền bạc. Càng trưởng thành, càng đi xa, mới thấu hiểu được tấm lòng bố mẹ.
Không phải con kiếm được bao nhiêu tiền hay con đang làm chức vụ gì mà con có khỏe không, ngủ có ngon không mới là nỗi lo lắng lớn nhất của bố mẹ.
Anh con nhà bác cả tôi sống trên thủ đô, làm một công việc cũng kiếm được kha khá tiền. Anh vừa xây xong một căn nhà 4 tầng, anh cũng hay sắm sửa đồ đạc cho gia đình bác ở quê. Tết năm nào, mọi người cũng xuýt xoa khen anh chu đáo vì còn mua quà biếu tặng họ hàng.
Có con trai tốt bụng, biết quan tâm là thế nhưng hai bác tôi vẫn lo lắng đều đều. Cứ khi nào anh về nhà, bác gái lại mua từ mớ rau, củ hành đến chế biến sạch sẽ, phân chia từng túi thịt lợn, thịt bò cho từng bữa. Bác trai vẫn giữ thói quen chạy bộ cùng con trai mỗi sáng và nhân tiện, đưa vài lời khuyên răn tới con vì anh cũng ít khi về thăm nhà.
Hàng xóm xung quanh, người thì ngưỡng mộ vì tình cảm gia đình nhà bác tôi, người thì nhẹ nhàng trách móc “Nó làm nhiều tiền thế làm sao phải “chở củi về rừng”, tự mua được đồ ăn chứ sao phải vất vả tự làm khổ mình thế kia?”.
Những khi nhận được câu hỏi ấy, bác tôi lại nhẹ nhàng trả lời: “Ở trên thủ đô, chúng nó khó mua được thức ăn sạch như ở mình. Với lại, giúp đỡ chúng nó một chút, chúng nó có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Đi làm về mệt, lại con con cái cái, mất thêm thời gian đi chợ làm gì!”
Với bố mẹ, con cái chưa bao giờ biết cách làm bố mẹ thực sự yên tâm. Con cái dù lớn bao nhiêu cũng đều khiến bố mẹ lo lắng.
Bố mẹ lo lắng càng nhiều, tức là chúng ta vẫn chưa phải những đứa con hiếu thảo. Thời gian trôi qua rất nhanh, tóc bố mẹ chẳng mấy bạc cả đầu, đừng khiến đấng sinh thành phải lo nghĩ nhiều nữa chúng ta ơi…
Nhân một dịp đi công tác xa, bố mẹ nói tôi tiện vào thăm một người họ hàng. Đây là một người họ hàng có điều kiện tài chính không tốt. Tuy đã vào miền Nam 30 năm nhưng số lần chú ra Bắc về thăm gia đình chắc chỉ 5, 6 lần, thậm chí cậu con trai út sinh ra còn chưa được về quê nội lần nào, ông bà mất cũng chưa kịp nhìn mặt.
Ngồi nói chuyện với tôi, chú ấy tỏ ra hối hận lắm. Gia đình không có điều kiện về thăm quê nhưng lúc mẹ còn sống, mẹ và anh chị em trong gia đình vẫn bao bọc, cưu mang, thi thoảng có dịp lại gửi tiền để gia đình chú trang trải.
Làm bố của 3 đứa con mà lại để chính mẹ đẻ phải ôm lo lắng đến khi mất. Chú nói mình là một đứa con bất hiếu. Chú không gửi được đồng tiền nào ra ngay cả lúc mẹ ốm đau, chú cũng chẳng chăm mẹ được ngày nào, chú cũng buồn lắm mà không biết tính sao. Những khi đó, chú lại tự an ủi bản thân: “Cái số nó thế!”.
Bởi vậy, khi quay sang nói với tôi, chú từ tốn khuyên: “Còn cha còn mẹ là phải biết nghĩ tới đấng sinh thành nghe con. Dù con có cao thêm bao nhiêu, nặng thêm bao nhiêu, bố mẹ con vẫn dành miếng ngon nhất trong đĩa cho con. Bố mẹ cứ nói bố mẹ không thích ăn nhưng tất cả đều muốn dành tình yêu thương cho con nhiều nhất có thể. Làm bố rồi mới thấu được tấm lòng mẹ cha, con ạ.”
Sống tích cực, biết chăm sóc bản thân phải là điều ưu tiên để bố mẹ không lo nghĩ nhiều mỗi khi chúng ta bước ra đường trời trở gió, mỗi khi chúng ta đi công tác xa nhà bị dị ứng đồ ăn…Dù ở đâu, làm gì, bận đến mấy, cũng đừng quên nhắn một tin hay nhấc máy gọi điện cho bố mẹ một cuộc, ấy là sự hiếu thảo tốt nhất dành cho bố mẹ!
SƯU TẦM