Dù là ai, chúng ta đều có thể mắc sai lầm tiền bạc nào đó tại một vài thời điểm trong cuộc đời. Đó có thể là vung tiền vào những khoản không cần thiết hay bỏ bê việc đóng góp vào quỹ hưu trí càng sớm càng tốt.
Để giúp bạn tránh được những cạm bẫy không đáng có, dưới đây là những lời khuyên tiền bạc, mẹo và thủ thuật hữu ích dù bạn đang ở bất kỳ độ tuổi nào.
Bắt đầu tiết kiệm
Mặc dù chúng ta có xu hướng muốn chi tiêu hơn là tiết kiệm mỗi khi nhận được lương hay bất kỳ khoản thu nhập phát sinh nào song điều quan trọng là bạn phải ưu tiên chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm của mình. Không ai biết được liệu có biến cố nào sẽ đến với mình, bởi vậy tiết kiệm chính là cách giúp bạn có được một tương lai thoải mái hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần có những lựa chọn thông minh về nơi để tiền tiết kiệm. Hãy chắc chắn rằng nếu gửi ngân hàng, bạn đang gửi ở ngân hàng có lãi suất tốt nhất.
Tránh lạm phát lối sống
Lạm phát lối sống là điều chúng ta dễ mắc phải khi thu nhập tăng lên. Vậy mới nói, không quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu, quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu tiền. Hãy gia tăng tỷ lệ tiết kiệm của bạn bất cứ khi nào bạn bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này chính là nhằm gia tăng giá trị tài sản ròng của bạn.
Ted Jenkin, chuyên gia kế hoạch tài chính đưa ra lời khuyên: "Hãy tiết kiệm thêm một phần ba số tiền bạn được tăng lương để không bị lạm phát lối sống".
Bằng cách bắt đầu thực hành thói quen này càng sớm trong sự nghiệp của mình, bạn sẽ càng nhanh chóng tạo lập được những thói quen tốt như tiết kiệm, đầu tư thay vì chi tiêu vào những thứ mà bạn sẽ nhanh chóng không còn quan tâm hay dùng đến trong vài năm tới.
Đừng lãng phí tiền của bạn vào những thứ bạn không cần
Cho dù bạn vừa nhận được tháng lương đầu tiên hay lần tăng lương đầu tiên, điều dễ bị cám dỗ nhất chính là tiêu tiền vào những thứ bạn muốn thay vì những thứ bạn cần. Đó có thể là một sai lầm lớn.
Michelle Schroeder-Gardner, người sáng lập blog tài chính cá nhân “Making Sense of Cents, nói:“ Đừng tiêu quá nhiều tiền vào quần áo. Tôi đã làm việc toàn thời gian từ khi tôi 14 tuổi, nhưng tôi đã gần như không tiết kiệm tiền cho đến gần một thập kỷ sau đó."
Bạn cần biết đâu là thứ mình cần và đâu chỉ là thứ mình muốn. Việc phân biệt được sẽ giúp ích cho bạn trong việc quyết định đâu là nơi mình nên chi tiền vào.
Đừng mua những thứ để gây ấn tượng với người khác
John Rampton, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Calendar, cho biết chi tiêu cho những mong muốn tức thời có thể ảnh hưởng đến tương lai của bạn.
Ông nói: “Đừng lãng phí thời gian, sức lao động của bạn vào những chiếc xe hơi hay tiện ích đắt tiền. Tốt hơn là bạn nên tiết kiệm tiền cho những mục tiêu dài hạn và những thứ có thể tiếp tục tạo ra tiền hơn là ngốn tiền của bạn”.
Đầu tư cho những năm nghỉ hưu càng sớm càng tốt
Một cuộc khảo sát về tiết kiệm hưu trí của GOBankingRates cho thấy 64% người Mỹ có ít hơn 10.000 USD tiết kiệm cho hưu trí. Không dễ dàng để bạn bỏ những đồng tiền tiết kiệm của mình cho những năm tháng nghỉ hưu sau này khi mới ở độ tuổi 20, tuy nhiên đó là thời điểm tốt nhất để bắt đầu. Bạn càng tiết kiệm sớm, bạn có thể tận dụng sức mạnh của lãi suất kép sớm hơn. Dù bạn ở độ tuổi nào thì việc ưu tiên đầu tư vào tài khoản hưu trí cũng là điều quan trọng.
Đừng sợ thị trường chứng khoán
Làm điều gì đó khiến từng khiến bạn lo lắng có thể là một điều tốt cho túi tiền của bạn. Các nhà đầu tư mới thường sợ khi nghĩ về việc bước chân vào thị trường chứng khoán, nhưng chỉ cần bắt đầu, ngay cả ở quy mô nhỏ, bạn chính là đang đẩy mạnh tình hình tài chính của mình. Nếu lo lắng về việc mắc sai lầm, hãy tìm hiểu một số cách an toàn hơn về đầu tư dài hạn. Càng bắt đầu càng sớm, bạn càng có khả năng thành công.
Và đầu tư nhiều hơn nữa
Tom Hegna, tác giả chuyên viết về mảng tài chính, diễn giả và nhà kinh tế học cho biết: “Hãy đầu tư vào thị trường và kiếm lợi nhuận bằng cách mua nhiều hơn nữa”.
Bằng cách đầu tư khôn ngoan ngay bây giờ, bạn có thể kiếm ra thu nhập cho mình khi nghỉ hưu, để cuộc sống những ngày tháng sau này an nhàn hơn, không để gánh nặng tiền bạc đè nặng.
Đầu tư vào bản thân
Ngoài việc đầu tư tài chính, điều quan trọng mà bạn cần nhớ chính là phải đầu tư vào bản thân bằng cách tìm hiểu mọi thứ có thể về tài chính cá nhân. Điều này sẽ giúp bạn có thể lập một kế hoạch tài chính phù hợp với mình.
Việc ngồi viết ra những mơ mộng về tài chính rất đơn giản song nó không giúp ích gì cho bạn, thậm chí khiến bạn dễ bỏ cuộc hơn khi cảm giác dường như mình đang bất lực với mọi thứ. Hãy dành thời gian tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về tiền bạc. Càng sớm làm được điều này, bạn càng có thể sử dụng những kiến thức đó sớm hơn để lập kế hoạch cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình.
Lắng nghe chính mình và hành động
Dù bạn là ai, làm ngành nghề gì, bạn cũng cần xác định được mục tiêu của cuộc đời mình và tất nhiên trong đó có bao gồm cả mục tiêu tài chính. Đừng mơ hồ về tương lai hay thậm chí không biết mình muốn gì. Khi bạn không biết mình muốn gì, bạn sẽ không biết mình phải làm thế nào.
Hãy cụ thể hoá những mục tiêu của mình, trong ngắn hạn và dài hạn để biết chính xác những gì mình cần làm để đạt được chúng. Việc này cũng sẽ thúc đẩy bạn bám sát mục tiêu và làm việc chăm chỉ hơn nữa.
Đừng lãng phí thời gian để lo lắng
Và đừng để nỗi sợ hãi cản trở việc bạn theo đuổi những gì bạn muốn. Jen Sincero, tác giả cuốn sách bán chạy bậc nhất của New York Times và là nhà huấn luyện viên cho biết:
"Lo lắng chính là mong mỏi về những gì bạn không muốn và chắc chắn đó là điều không nên. Bởi vậy hãy ngừng lo lắng về tiền bạc và tập trung vào những gì bạn muốn trong cuộc sống này”.
Nhớ rằng tiền không phải là tất cả
Dù là ai thì chúng ta cũng cần có tiền để trang trải chi phí và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống song đó không phải là tất cả. Nhớ rằng, tiền quan trọng nhưng không phải là tất cả cuộc sống này. Tất nhiên, điều đó cũng không có nghĩa rằng bạn không nên đòi hỏi những gì mình xứng đáng được nhận.
Chuyên gia tiền tệ Brittney Castro chia sẻ: "Hãy yêu cầu những gì mình xứng đáng được nhận và học cách thương lượng càng sớm càng tốt. Nhưng đừng biến bản thân thành kẻ phải chạy theo đồng tiền vì nhớ rằng chúng không phải là thần, là thánh. Hãy tận hưởng những gì mình có. Hãy kiếm thật nhiều tiền nhưng nhớ rằng đó là một nguồn tài nguyên, không phải là thước đo việc bạn là ai hay bạn thế nào trên thế giới này”.
Đừng để tiền định nghĩa bạn
Dominique Broadway, chuyên gia tài chính cá nhân và là người sáng lập Finances Demystified, cho rằng tiền không phải là thứ có thể định nghĩa con người bạn hay thành công của bạn.
"Đừng mặc định tiền là thước đo thành công của bạn nói. Tiền có thể đến và đi. Hãy tập trung vào việc tiết kiệm và phát triển hơn nữa những gì bạn có thay vì tập trung vào những thứ nhỏ nhặt với tâm lý để theo kịp người khác”, nữ chuyên gia chia sẻ.
Theo Bảo Anh (Gia đình & Xã hội)