Những điều tránh nói trong phỏng vấn

GTHN - Trong mỗi cuộc phỏng vấn, điều chúng ta hướng đến đều là thể hiện sao cho thật tốt trước nhà tuyển dụng và tất nhiên, không ứng viên nào lại muốn tỏ ra thô lỗ, kém khéo léo cả. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc chúng ta không nhận ra hành động của mình thế nào đối với người khác, dẫn đến những thiếu sót, sai lầm không đáng có.

nhung-dieu-tranh-noi-trong-phong-van
Buổi phỏng vấn cần là nơi bạn thể hiện sự thu hút của mình với nhà tuyển dụng và gây ấn tượng (Ảnh minh họa)

Buổi phỏng vấn cần là nơi bạn thể hiện sự thu hút của mình với nhà tuyển dụng và gây ấn tượng. Dưới đây là những điều mà người thông minh luôn biết cách tránh nói đến trong một cuộc phỏng vấn:

1. “Tôi đã đợi khá lâu”

Bạn hoàn toàn có lý khi cảm thấy bực mình vì người phỏng vấn khiến bạn phải chờ đợi. Tuy nhiên, việc nói ra như vậy sẽ không khiến bạn nhận được sự thiện cảm đến từ nhà tuyển dụng.

2. “Xin chào! Tôi biết là tôi đến muộn...”

Bạn có thể thấy đó là một tiêu chuẩn kép khi người phỏng vấn bạn có thể đến muộn nhưng là người ứng tuyển, bạn không được mắc lỗi đó.

Hãy đảm bảo rằng bạn dành đủ thời gian để đến buổi phỏng vấn xin việc đúng giờ. Đi sớm thêm một chút để đảm bảo không bị các vấn đề như tắc đường, hỏng xe làm ảnh hưởng đến độ chuyên nghiệp của bạn. Và nếu bạn đến muộn, đừng cố gây sự chú ý hay tìm cách bao biện, hãy nhanh chóng xin lỗi và tiếp tục việc của mình.

3. “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không hòa hợp với sếp hay đồng nghiệp của mình?”

Khi hỏi câu này, bạn không nhất thiết bị nhà tuyển dụng đánh giá là thô lỗ song đây cũng là câu hỏi không nên xuất hiện trong buổi phỏng vấn. Người phỏng vấn bạn có thể cho rằng bạn là người thiếu lịch sự và thiếu khả năng làm việc, hợp tác với người khác.

4. “Anh/chị đã kết hôn chưa? Có con chưa? Bao nhiêu tuổi?”

Tốt nhất, bạn không nên hỏi người phỏng vấn bất kỳ câu hỏi cá nhân nào.

5. “Tôi đã nghe tin đồn này về giám đốc, có thật không?”

Tại cuộc phỏng vấn, điều bạn nên thể hiện là sự chuyên nghiệp của bản thân, không phải những câu chuyện tầm phào mà bạn nghe được ở chỗ này, hóng được ở chỗ nọ.

6. “Tôi nên tránh ai trong văn phòng này?”

Ở nơi làm việc nào cũng có những “cuộc chiến ngầm” hay đơn giản việc ai đó không thích ai đó cũng là điều bình thường. Tuy nhiên đừng tự đưa mình vào những màn kịch của đồng nghiệp khi còn chưa bước chân vào văn phòng đó. Điều này chỉ khiến bạn giống như một kẻ nhỏ nhen, thích chia bè kết phái mà thôi.

7. “Công ty của anh/chị tập trung cho lĩnh vực gì?”

Những câu hỏi như này sẽ khiến bạn trông thật thiếu sự chuẩn bị. Bạn định ứng tuyển vào một vị trí, tham gia buổi phỏng vấn mà thậm chí không biết những thông tin cơ bản về công ty?

8. “Tôi không có điểm yếu”

Dù bạn là ai, bạn chắc chắn sẽ có những điểm chưa hoàn thiện. Việc tự nhận mình không có khuyết điểm chỉ khiến bạn trở nên kiêu ngạo và không biết lắng nghe mà thôi.

9. Nói bậy

Chúng ta biết mình không nên chửi thề song không ít người đã quen đệm những chữ không cần thiết vào câu nói của mình, tự nhiên đến mức chính bản thân không nhận ra. Những lời như vậy chỉ khiến bạn trở nên thô tục và thiếu chuyên nghiệp mà thôi.

10. “Tôi đã làm tốt chứ” hay “Tôi đã hoàn thành chưa?”

Điều này sẽ khiến người được hỏi chính là nhà tuyển dụng của bạn cảm thấy không thoải mái. Nếu bạn thực sự muốn nhận được sự phản hồi, hãy đợi cho đến khi bạn nhận được lời đề nghị hay bị từ chối và hồi đáp email xem bạn đã biểu hiện thế nào, có cơ hội thể hiện tốt hơn không.

11. “Tôi cảm thấy đây là điểm yếu lớn của công ty”

Sẽ rất tốt khi bạn và người phỏng vấn cùng nhau thảo luận các ý tưởng về cách cải thiện tổ chức. Tuy nhiên, hãy cố gắng giữ ngôn ngữ của bạn một cách tích cực, nếu không người phỏng vấn của bạn có thể thắc mắc vì sao bạn lại xuất hiện ở nơi này, xin ứng tuyển vào đây.

12. “Xin lỗi, tôi cần nghe điện thoại. Sẽ nhanh thôi!”

Chắc chắn bạn không muốn nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đang muốn đùa họ phải không. Đừng để họ phải tốn thời gian quý báu để chờ đợi bạn nghe điện thoại.

Những người thông minh sẽ tránh nói điều này trong cuộc phỏng vấn - 3

Đừng biến đây thành cuộc nói chuyện chỉ về các vấn đề của cá nhân (Ảnh minh họa)

13. “Tôi chỉ cần một công việc để làm”

Điều này có thể đúng, nhưng nhất định đừng thừa nhận điều đó với người phỏng vấn bạn. Hãy thể hiện với nhà tuyển dụng sự nhiệt tình của bạn, không phải là nói với họ bạn chẳng thích thú gì và chỉ cần một công việc để làm, cần tiền để sống.

14. “Xin chào, chúng ta bắt đầu thôi”

Đừng chỉ xông vào và bắt đầu ngay cuộc nói chuyện. Bạn có thể cảm thấy lo lắng và có phần háo hức quá nhưng hãy nhớ giới thiệu bản thân trước.

15. "Xin lỗi, tôi phải đi có việc" 

Bạn có một cuộc hẹn hay cần phải đi đâu đó? Hãy cố gắng sắp xếp lịch trình của mình trước buổi phỏng vấn. Không nên xếp lịch khác quá sát buổi phỏng vấn vì nó có thể kéo dài một chút so với dự kiến. 

16. "Tôi muốn một ly cà phê/nước/trà"

Nếu người phỏng vấn đề nghị, bạn có thể yêu cầu đồ uống của mình và đừng quên nói lời cảm ơn. Trong trường hợp còn lại, sẽ tốt hơn khi bạn không đòi hỏi điều này điều kia trong buổi phỏng vấn.

17. Tôi ... tôi ... tôi ..."

Đúng vậy, các cuộc phỏng vấn đều nhằm thảo luận về bản thân bạn và khả năng của mình. Điều này có nghĩa rằng bạn cần tập trung vào những điều mình có thể giúp ích cho tổ chức. Đừng biến đây thành cuộc nói chuyện chỉ về các vấn đề của cá nhân mình và đẩy câu chuyện lan man quá xa. 

18. "Văn phòng không như tôi nghĩ"

Bạn đến đây với tư cách là một ứng viên, không phải với tư cách là một nhà trang trí nội thất nổi tiếng. Đừng thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn thật thất vọng hay quá choáng ngợp với thiết kế ở nơi đó. 

19. "Làm thế nào mà anh/chị có được vị trí này" 

Đừng nói bất cứ điều gì khiến nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn đang thể hiện sự thiếu tôn trọng hay trịch thượng.

20. "Anh/chị ủng hộ ai?" 

Chính trị không nên là vấn đề bạn nhắc đến trong buổi phỏng vấn. Nếu họ đề cập đến vấn đề này trước, bạn có thể nói ra suy nghĩ của mình song đừng chủ động làm điều đó. 

21. "Chị yêu/ Anh đẹp trai..."

Đừng dùng ngôi xưng lộn xộn hay những cách gọi quá thân thiết với nhà tuyển dụng. Tốt hơn là bạn nên thận trọng ở đây kẻo bị đánh giá là coi thường hoặc thiếu tôn trọng người khác.

22. "Đó không phải là cách tôi vẫn làm"

Nếu bạn bắt đầu nói về những chi tiết khó hiểu trong công việc mình ứng tuyển, đừng thể hiện với họ rằng bạn là người hiểu việc đó hơn bất kỳ ai khác. Chỉ trích cách làm việc của công ty chắc chắn sẽ khiến người phỏng vấn muốn xa lánh bạn. 

Theo Bảo Anh (Gia đình & Xã hội)

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !