GTHN - Câu chuyện về hành trình vượt qua khó khăn của một doanh nhân thất bại tuổi 30 sẽ cho bạn cái nhìn tích cực hơn về tương lai.
Tuổi 30 có lẽ là quãng thời gian được nhiều người chờ đợi, kì vọng. Người ta vẫn hay nói 30 là khi ta bắt đầu nghiêm túc với mọi thứ xung quanh, bắt đầu kiếm tiền thật sự và bắt đầu làm những công việc để định hướng cho tương lai sau này.
Thế nhưng, sẽ ra sao nếu 30 rồi mà công việc vẫn chưa ổn định, thất nghiệp hay chẳng có chút bằng cấp nào để hỗ trợ cho công việc tương lai? Hãy xem câu chuyện dưới đây của một vị CEO để xem ông đã vượt qua nó bằng cách nào.
Vào năm 2007, tôi nghỉ việc tại một công ty sinh học với mức lương cao để rồi theo đuổi hành trình du lịch, du mục như rất nhiều người khác. Thời điểm đó, du lịch dường như đang là trào lưu và mọi người cũng nhờ du lịch mà kiếm được rất nhiều cơ hội đổi đời, tôi cũng làm vậy.
Lúc đó tôi 32 tuổi
Chẳng có việc làm, tất nhiên tôi phải nghĩ cách để kiếm tiền. Và rồi, lại theo trào lưu, tôi bắt đầu đầu tư chứng khoán, tôi chọn cổ phiếu của Apple vì lúc đó Apple ra mắt chiếc iPhone rất thành công.
Có nhiều người làm giàu chỉ bằng việc đầu tư, trao đổi chứng khoán, lẽ nào điều đó lại không đúng với tôi? Lộ trình phía trước hoàn toàn đúng, mọi thứ tưởng chừng như quá tuyệt vời, những chuyến đi vùng Trung Mỹ ngắm cảnh đẹp, chiều về xem các phiên giao dịch cổ phiếu Apple vẫn tăng trưởng đúng kì vọng.
Thế rồi tôi bắt đầu nghĩ về tương lai, nghĩ về những giấc mơ mình từng có, tôi từng mơ ước thành lập một công ty công nghệ của riêng mình mặc dù tôi chẳng biết mấy về công nghệ. Nhưng nhân sự hoàn toàn có thể thuê phải không nào? Và rồi tôi lại bước vào một cuộc chơi mới, thứ trào lưu bấy giờ: Startup.
Chuyển tới Los Angeles với bản kế hoạch hoàn chỉnh về công ty của mình sẽ làm những gì, đối tác với ai, kiếm tiền ra sao, tôi mời người bạn thân của mình tham gia vào chuyến khởi nghiệp kéo dài 1 năm trước mắt.
Mọi chuyện thay đổi vào năm 2008, thị trường biến động không ngừng, chứng khoán hứng chịu chuỗi tụt giảm khủng khiếp và vì thiếu tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, tôi phải bán toàn bộ số cổ phiếu Apple ngày nào với mức giá thảm hại, thua lỗ lớn.
Startup thì ngày càng đi xuống, tình hình kinh tế thê thảm khiến chẳng ai còn quan tâm tới những công ty khởi nghiệp như chúng tôi nữa, ý tưởng ngày nào của tôi cũng mờ dần vì nó đã quá cũ với hiện tại. Phải kiếm việc khác, làm thứ khác, tôi mời người bạn ngày nào làm startup cùng phát triển ứng dụng cho Facebook.
Lúc đó chẳng ai biết tới Facebook là gì vì mọi người vẫn dùng My Space hay Twitter, chúng tôi chẳng biết chút nào về Facebook cũng như những ứng dụng trong đó.
Toàn bộ số tiền bán cổ phiếu Apple, khoản tiền tiết kiệm sau khi nghỉ công ty sinh học được tôi dồn vào để xây dựng quan hệ với những nhà đầu tư, mong rằng một ngày ứng dụng Facebook của tôi sẽ được để tâm tới. Thế nhưng, kinh tế thoái trào, chẳng nhà đầu tư nào đoái hoài tới ứng dụng nhỏ bé của tôi, tôi cạn sạch tiền và chẳng thể làm được điều gì.
Khoảng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng chẳng đủ tiền thuê nhà hay ăn uống cá nhân. Tôi 33 tuổi, và hơn 1 năm trời đã không làm công việc gì. Trong suốt khoảng thời gian ấy tôi điên cuồng thử nghiệm những thứ mới trong ngành mà tôi chưa từng biết và rồi giờ đây tôi xin làm bất kì công việc nào có thể để duy trì cuộc sống hiện tại.
Kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng và chắc bạn cũng hiểu, tôi không thể tìm cho mình một công việc dù là tạm bợ nhất có thể.
Tình hình của tôi tồi tệ tới mức tôi còn không đủ tiền trả hóa đơn điện thoại, không thể thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng đã dùng cho việc xây dựng quan hệ. Ngân hàng gọi tới hàng tháng để thúc nợ, tôi chỉ biết nhìn chiếc điện thoại đổ chuông mà chẳng thể làm gì để thay đổi nó.
Sau đó rất nhiêu tháng, tôi được giới thiệu tới làm tại MySpace, một công việc nhỏ thôi nhưng lúc đó MySpace là mạng xã hội rất lớn, lớn hơn Facebook rất nhiều và ai cũng ao ước được làm việc tại đây. Mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp, cuộc phỏng vấn thuận buồm xuôi gió và họ yêu cầu tôi chờ email trong 1 tuần để biết kết quả.
Và sau 1 tháng chờ đợi, MySpace không bao giờ trả lời, đợt tuyển dụng có tôi bị dừng vô thời hạn.
Tôi cố gắng để có được cái nhìn lạc quan về những thứ xung quanh, khoản trợ cấp thất nghiệp của tôi sắp hết và thiếu nó tôi sẽ không còn tiền để ăn hay trả tiền nhà.
Và rồi cuối đường hầm bao giờ cũng có tia sáng dù là nhỏ nhất
Một người bạn nhờ tôi giúp cô ấy làm bản thuyết trình để gặp khách hàng, có kinh nghiệm sau nhiều lần gặp gỡ các nhà đầu tư, tôi dựng một bản thuyết trình tạm ổn cho cô ấy và thu 200$ tiền công. 200$ là khoản tiền quá nhỏ so với tôi ngày xưa, nhưng giờ nó chính là thứ giúp tôi sống được đến ngày mai.
Vài tuần sau đó, người hàng xóm tốt bụng biết về chuyện của tôi, anh ấy chuyển CV của tôi tới một trong những công ty mà anh đang làm freelance. Tháng tiếp theo, tôi làm việc cho một xưởng sản xuất phim tại Hollywood, cuộc đời lại như bắt đầu.
Bài học là gì?
Chúng ta chỉ có thể giải quyết một vấn đề một lúc: Bạn thất nghiệp, khánh kiệt và nợ nần. Thế nhưng bạn chẳng thể nào giải quyết tất cả chúng một lúc, hãy tìm vấn đề quan trọng nhất và xử lý nó. Tất nhiên đó là thất nghiệp. Một khi giải quyết được vấn đề, hãy chuyển tới thứ tiếp theo. Tôi đã mất oan hơn 1 năm trời vì cứ cố gắng làm mọi thứ hoàn thiện, tìm việc, duy trì công ty và kiếm tiền trả nợ.
Đừng tạo thêm vấn đề cho chính mình: Một khi bạn đang rối trong mớ bòng bong rắc rối thì cố gắng đừng tạo thêm vấn đề nữa, nó sẽ càng làm cho bạn khổ sở hơn, tránh xa khỏi nó càng sớm càng tốt. Giống như Mark Twain từng nói: "Tôi biết rất nhiều vấn đề lớn, đa phần chúng chẳng bao giờ xảy ra".
Hãy lên kế hoạch cho chính mình: Bạn thất nghiệp, đừng lo lắng. Hãy biến nó thành một công việc, công việc hiện tại của bạn là hoàn thiện bản thân để kiếm được một công việc mới. Hãy dậy sớm hơn, nghiên cứu nhiều hơn, thử nghiệm nhiều hơn và đừng ngại va chạm. Nếu bình thường bạn làm việc 8 tiếng mỗi ngày trên văn phòng, khi thất nghiệp hãy sử dụng khoảng thời gian đó để tìm công việc khác.
Hãy luôn nhìn vào sự tích cực: Khi khó khăn tới, bạn luôn nhìn vào những thứ mình không có. Giả sử khi bạn nghèo bạn luôn thèm muốn những thứ đắt tiền để rồi nhận ra mình chẳng thể mua nổi nó. Thế nhưng hãy nhìn vào sự tích cực bên trong chúng, ít ra bạn có mơ ước để theo đuổi và hãy cứ cố gắng để ngày nào đó có được thứ mình mong muốn.
Hãy luôn trân trọng cuộc sống cho dù nó oái oăm đến mức nào: Thái độ luôn là thứ quan trọng, nếu tôi không tích cực trong suốt một năm 7 tháng trời thì những khó khăn sẽ vật ngã tôi lúc nào không hay biết. Trân trọng mọi thứ để rồi vươn tới thứ lớn hơn, cuộc sống sẽ đáp trả lại cho bạn những gì bạn dành cho nó.
Trí thức trẻ