01
Bên hồ nước nọ, có 2 người đang ngồi câu cá. Một người liên tục quăng mồi ra xa, rồi kéo lại, vô cùng thích thú. Người kia buông cần, ngồi tư lự. Người đầu tiên bắt được cá, anh lại gắn mồi để câu tiếp, rồi hào hứng nói: hôm nay tôi ước sẽ câu được 1 ngàn con cá hồi. Người kia đề nghị:
- Louis à, nếu được 1 ngàn con cá, anh có thể cho tôi 1 nửa?
Louis: - Không.
- Vậy 1/4 nhé?
- Cũng không.
- Vậy 10 con?
- Không, xin lỗi bạn - Louis lắc đầu.
- Vậy con cá ươn nhất? Anh có cả ngàn con, anh hào sảng cho tôi 1 con ươn nhất đi mà? - Anh bạn nài nỉ.
- Này bạn thân ơi. Một con tôi cũng không cho. Tôi không tiếc cá, chỉ tiếc là bạn đã quá lười để có một mơ ước cho riêng mình.
1000 con cá hồi là ước mơ của Louis, không phải anh bạn kia. Anh kia không giỏi câu cá, không đam mê câu nhưng vì muốn cá nên anh cũng vác cần theo. Câu chuyện này nằm trong sách giáo khoa của nhiều nước, với tựa đề là "đừng vay mượn ước mơ". Đề thi tự luận các ĐH lớn hay ra câu "Đọc câu chuyện trên và hình dung cuộc sống của bạn vào năm 50 tuổi. Và để có cuộc sống như vậy, ngày mai bạn sẽ phải làm cụ thể những gì?".
Có nhiều người trẻ tư duy phụ thuộc, đến cả ước mơ của mình cũng không biết, lý tưởng sống không có, đam mê gì không rõ, sứ mạng cuộc đời mù tịt. Đầu óc của những người này chưa trưởng thành do chưa va chạm xã hội, chưa tiếp xúc trường đời. Làm việc với nhóm này, mệt mỏi lắm vì ba bữa là nó nghỉ việc, tư duy sai hết trơn hết trọi mà cứ khăng khăng là mình nghĩ đúng.
Nhiều bạn Tết này về quê, xách xe đi lang thang 1 vòng, rồi cà phê tâm sự với bạn bè. A. nói: "tôi thấy địa thế khu này ngon, hùn vốn làm cái resort với tao không", B. đáp "thì ông mở đi, nhớ cho tôi suất bảo vệ", C. hào hứng "Ông sau này làm đại gia nhớ nhận con tôi vô làm". Nghe na ná chuyện xin 1 con cá. Thật bé mọn làm sao, đứng dậy trả tiền cà phê rồi về chứ nói chi với mấy người đó, kéo tầm mình xuống thấp.
02
Tôi chợt nhớ cô bạn học ngày xưa. Cô học giỏi, nhưng không xuất sắc. Cô chỉ thích nghề nuôi trồng thuỷ sản, nhưng cha mẹ muốn con mình trở thành bác sĩ. Từ lớp 10, cô phải học lệch khối B. Năm đầu tiên, thi Y, cô thiếu 1 điểm. Năm sau thiếu nửa điểm. Rồi cô theo đuổi cho bằng được, vì thấy người ta nói "đã muốn thì vũ trụ hợp sức lại giúp", "đừng bao giờ bỏ cuộc, ông X 62 tuổi còn mở cửa hàng thức ăn nhanh kia mà". Năm thứ 3, cô vẫn thiếu nửa điểm, năm thứ 4, vẫn không đủ điểm, nghề Y là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề.
Chịu hết nổi, cô vô ĐH khác với đầu óc của người bất đắc chí. Tổng cộng 8 năm từ lúc rời trường phổ thông, cô mới cầm cái bằng cử nhân sinh học trên tay. Lúc này, bạn bè cô đã đi làm, đi du học du lịch vòng quanh thế giới, khởi nghiệp, lập gia đình,....
Trong cuốn "Nếu biết trăm năm là hữu hạn", có một ý khá hay là quỹ thời gian một đời người chỉ đúng có nhiêu đó, tính toán phân bổ kỹ. 18-22 tuổi, 4 năm lứa tuổi sung mãn nhất đời người, từ 5h sáng đến 12h đêm chỉ ngồi đạo hàm tích phân, phân biệt 3 lọ hoá chất năm nào cũng bị rơi mất nhãn... thì y chang việc Tấm ngồi nhặt thóc và gạo trộn chung thuở xưa.
Chi phí cơ hội lớn nhất là quỹ thời gian gắn vô việc học và làm cái mà mình không có một chút đam mê. Dù là tri âm tri kỷ, dù gắn bó và hiểu nhau đến cỡ nào, dù là cha mẹ anh chị em thương yêu nhau nhất trên đời, thì ước mơ mỗi người cũng mỗi khác, không thể "tôi cho cậu ước mơ này".
Bạn tôi đã tốn 5 năm để có 1 tấm thẻ xanh, 10 năm để có một quốc tịch khác, giờ về hưu ở tuổi 60 mới thấy hối tiếc vì đã lãng phí NĂNG LỰC THANH XUÂN. Anh biết năng lực xuất sắc thời tuổi trẻ đủ để mở một nhà máy hay resort hoành tráng ở quê nhà, vào lứa tuổi làm không biết mệt để xây dựng nó phát triển rực rỡ. Nhưng anh đã dùng thời gian đó ở xứ người làm một việc chẳng có gì thú vị, trí óc lúc tốt nhất đã không được khai thác tối ưu.
Nếu anh thích cuộc sống ở bên đó thì cũng tốt, nhưng anh không thích, cũng lại không quyết đoán để về. Anh nghe mọi người khuyên là cần nó để được miễn visa nhiều nước, cho con cái học hành....nhưng khi có được thì đã đến tuổi gió heo may, sức khoẻ kém, không đi đâu nổi, chỉ muốn về quê sống.
Con cái tiếp cận giáo dục xứ người, đang học nửa chừng ớn là nghỉ ngang, chọn 1 hòn đảo gần châu Phi để làm việc, anh nói nó không nghe. Cái nhà ở bển để cho thuê, rồi bán. Giờ anh về làng cũ ở Quảng Trị, mua miếng đất làm farmstay cho khách du lịch nước ngoài, vui vẻ đi nhặt trứng gà mỗi sáng. Dù chỉ kiếm có vài ngàn đô la mỗi tháng từ du khách nhưng anh thấy rất vui, chỉ tiếc là không về sớm để mở cái gì đó kiếm ngàn tỷ, xứng danh đáng mặt anh tài.
Khi có cơ nghiệp, có tiền nhiều thì con cái đi du học nước nào cũng được chào đón, đặt vé máy bay khoang hạng nhất thì đi đâu cũng được làm thủ tục ưu tiên, làm chủ nhà máy ngàn nhân công thì nước nào chẳng cấp visa cho đi, họ chào mời mình qua xài tiền ở nước họ. Có tiền triệu đô thì mua quốc tịch nước nào cũng được, không cần 15 năm lưu lạc đời Kiều.
Anh nhận ra là chết thì chôn chỗ nào cũng trên trái đất, cũng có toạ độ, xác hữu cơ cũng thành cát bụi hư vô. Quan trọng lúc sống, làm để lại gì cho đời, chứ không phải tìm cách sở hữu, có cái gì trong tay.
03
Chọn nghề, chọn bạn đời, chọn chỗ làm, chọn nơi sống....phải là ước mơ của mỗi cá nhân. Bi kịch sẽ bắt đầu nếu chúng ta không có bản ngã riêng, sống theo sắp đặt của cá thể khác. Não không đủ trí để nghĩ khác. Cứ nghe ai nói, anh muốn A, anh muốn B...thì lập tức bị cuốn theo và nói "Em cũng muốn vậy".
Thời đại 4.0 rồi mà vẫn có nhiều trường hợp "cha mẹ đặt đâu con nằm đó" kiểu Thánh Gióng. Nhưng Thánh Gióng cũng chỉ nghe lời cha mẹ khi dưới 3 tuổi. Gióng lên 3 là Gióng lập tức vươn vai thoát ly gia đình.
Mô tuýp đúng của tuổi trẻ phải là: Tèo bỏ sĩ diện nhảm nhí và lười biếng cố hữu, quyết lấy sức dài vai rộng ra để đi theo chương trình vừa làm vừa học ở nước ngoài. Tèo mở youtube karaoke hát vang bài "Lạy mẹ con đi" (vì không nhớ lời), rồi nói "Mong mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ. Phen này con đi, xxyyzz". Vừa dứt lời, bà mẹ liền nói: "Con lên đường bình an, mau chóng gặt hái thành tựu. Người ta giàu người ta ăn nho Mỹ, còn mình nghèo, mẹ chỉ mong con đưa mẹ sang Mỹ ....ăn nho. Đi đi con trai, làm đàn ông chớ có luỵ tình, chớ có bịn rịn luyến lưu. Làm tướng thì phải ra trận suốt, lâu lâu tạt về thăm mẹ thăm vợ thăm con rồi tiếp tục chinh phục muôn dặm thương trường".
Bay đi bay đi, những cánh chim đại bàng, chớ làm đời gà quanh quẩn chuồng chầu chực người cho ăn rồi tức nhau tiếng gáy, tiếng cục tác chi cho bé mọn. Gia đình là bến cảng yên bình ghé về thăm sau những chuyến hải hành năm châu bốn bể. Đi xa vài năm rồi trở về nơi mình đã sinh ra, đã lớn lên, với một tâm thế khác, mở cái gì đó ra làm. Làm ông chủ ở quê nghèo là tạo phúc tạo đức lớn nhất, từ thiện lớn nhất. NGƯỜI MÀ CHO người khác cơ hội việc làm thì thật đáng được xã hội kính trọng, tôn vinh.
Tuổi trẻ đời người cũng phải có một mùa xuân xa xứ, luộc bánh chưng bánh tét giữa tuyết trắng trời. Mùng 1 vẫn đi làm đi học bình thường, tối về gọi video call để tâm sự, hát vang trên facetime: "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con". Tưởng bà mẹ khóc kiểu mấy bà già xưa, ai dè bà mẹ liền nói "Oh no no. Mẹ đang trong spa làm mặt. Tiền con gửi về biếu Tết, mẹ sẽ đi du lịch. Tết nhất là dịp cánh phụ nữ nước ta cùng nhau du xuân con ạ. Giờ mẹ nghĩ lại rồi, đời người hữu hạn, ước mơ đi đâu thì đi ngay... Làm cật lực rồi đi chơi thật xa thật nhiều như tuổi trẻ các nước khác, cho xứng thanh xuân. Trên đường thiên lý, kết bạn với những con đại bàng giữa trời xanh, yêu tầm cỡ đại bàng mái cho mẹ".
Bỏ sức lao động làm cật lực để rồi đi. Không đi xa được thì do lười và do nhát, chứ không có lý do gì khác. Đi xa là đi tỉnh xa khởi nghiệp, thực tập sinh ở nước này nước kia, working holiday....chứ không phải lao lên Sài Gòn cầm đơn xin việc ngồi ôm máy lạnh lương dăm bảy triệu đồng, roài tối hạnh phúc với mấy cái thú thị thành như nhậu vỉa hè, uống trà sữa, ôm điện thoại ngồi trong quán chu mỏ cười chụp hình đăng facebook, yêu đương quanh quẩn với mấy con gà mái gà trống trong cái chuồng nội thành chật chội. Ôi mấy cái đó thì ai làm chả được, tuổi nào làm chả được. Thanh xuân hừng hực sức sống mà bé mọn tầm thường thì uổng quá uổng.
(Lược trích Tony Buổi Sáng)