Khi bạn cần trò chuyện với sếp và trả lời những câu hỏi phức tạp, bạn cần giữ vững lập trường. Có một số thủ thuật đơn giản có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong công việc, nhanh chóng tiến tới thành công hơn.
Dưới đây là những lời khuyên hữu ích giúp bạn tạo thiện cảm với cấp trên, thúc đẩy mối quan hệ nơi làm việc.
1. Cố gắng nói trước trong các cuộc họp
Khi trong một cuộc họp kinh doanh, đừng đợi ai đó hỏi bạn điều gì. Có thể sau đó rất nhiều người sẽ không ngừng nói chuyện và thảo luận và bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội bày tỏ ý kiến của mình cũng như lỡ mất cơ hội được công nhận.
Bạn cũng cần suy nghĩ kỹ trước khi nói ra điều gì đó, đừng nói với mục đích để khoe khoang. Những gì bạn đang nói phải là chủ đề mà bạn thực sự hiểu. Ngoài ra, điều quan trọng là bạn phải hiểu những thông tin nào nên được thảo luận trực tiếp với sếp của bạn hoặc với đồng nghiệp của bạn, những thông tin nào có thể để sau, trao đổi lúc khác.
2. Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng "Anh/chị có khỏe không?"
Các nhà nghiên cứu của đại học Harvard nói rằng, để có một buổi nói chuyện thành công, tốt hơn hết bạn không nên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi “Anh/chị có khỏe không?”. Lời mở đầu này không mang nhiều ý nghĩa, quá trừu tượng và khó trả lời. Thay vào đó, hãy thể hiện sự đồng cảm và điều gì đó cụ thể, chính xác hơn.
Ví dụ: bạn có thể thử: "Hôm nay anh/chị thế nào?" hoặc các lựa chọn khác như: “Hôm nay anh/chị đã có một ngày làm việc rất vất vả phải không?”, “Cuối tuần này anh/chị có kế hoạch gì chưa?”.
3. Quan sát môi trường xung quanh và sử dụng chúng trong cuộc trò chuyện
Ví dụ, khi bạn đang nói chuyện với sếp của mình trong văn phòng, hãy quan sát những điều có ở xung quanh phòng. Bạn có thể thấy những tác phẩm nghệ thuật hay tấm ảnh chụp gia đình trên bàn làm việc của sếp. Bằng cách hỏi xem sếp có hứng thú với nghệ thuật hay thích sưu tầm không, sếp sẽ thấy có thiện cảm hơn với bạn và bạn cũng dễ mở rộng cuộc trò chuyện của mình.
4. Đặt ra nhiều câu hỏi
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc đưa ra những câu hỏi có thể làm tăng khả năng người khác dành cho bạn sự thiện cảm. Khi bạn đặt nhiều câu hỏi hơn, mọi người sẽ thấy bạn là người hiếu học, có khả năng phản hồi, hiểu biết và quan tâm đến vấn đề. Tất nhiên, đừng hiểu nhầm điều này với việc không tìm hiểu trước khi hỏi, hỏi những câu gây mất thời gian của người khác.
Ví dụ: Một đồng nghiệp mới tham gia nhóm của bạn. Đừng lờ họ đi mà hãy giao tiếp với họ và đưa ra những câu hỏi gợi ý để họ có thể dễ chia sẻ hơn về chính mình.
5. Chọn màu xanh lam hoặc đen cho buổi phỏng vấn, tránh màu cam
Theo 2.099 giám đốc tuyển dụng, màu xanh lam và đen là sự lựa chọn về màu tốt nhất để ứng viên mặc khi đi phỏng vấn xin việc, trong khi đó màu cam là sự lựa chọn tệ nhất.
Màu cam có thể quá nổi bật và nó tạo cho người đối diện cảm giác bạn là người sáng tạo nhưng khó có thể trở thành một người hoạt động tốt trong nhóm. Bạn cũng có thể lựa chọn áo sơ mi trắng vì màu này gợi cho nhà tuyển dụng về khả năng tổ chức tốt.
6. Đặt cuộc phỏng vấn vào 10:30 ngày thứ Ba
Việc tạo ấn tượng tốt trong lần gặp đầu tiên với vị sếp tiềm năng là rất quan trọng. Bước này thường xảy ra khi bạn gặp họ trong buổi phỏng vấn. Dưới đây là một số lời khuyên về cách bạn có thể nắm được thành công ngay từ bước đầu.
Theo các chuyên gia, bạn không nên hẹn phỏng vấn vào thứ Hai và thứ Sáu vì mọi người thường dễ mất tập trung hơn vào những ngày này. Sẽ tốt hơn khi bạn hẹn phỏng vấn với nhà tuyển dụng vào ngày thứ Ba.
Bên cạnh đó, khoảng thời gian từ 10:00 đến 11:30 được cho là phù hợp hơn cả. Theo những nhà tuyển dụng có kinh nghiệm, sẽ thuận lợi hơn khi bạn không phải là ứng viên đầu tiên cho cuộc phỏng vấn bởi người phỏng vấn sẽ có xu hướng so sánh những người khác với bạn từ trong tiềm thức. Phỏng vấn cuối cùng cũng không phải là điều tốt vì sau quá nhiều ứng cử viên, nhà tuyển dụng có thể cảm thấy mệt mỏi khi phải đưa ra quyết định.
7. Nghiêng đầu
Theo các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể, khi bạn nghiêng đầu lúc trò chuyện, bạn sẽ gửi đi thông điệp về sự đồng cảm và chú ý lắng nghe tốt hơn. Đồng thời, cử chỉ này cũng không bị gây hiểu nhầm về sự thể hiện thẩm quyền hay quyền lực. Đó là lý do nếu bạn muốn bày tỏ sự đồng tình với cấp trên, hãy nghiêng đầu.
8. Luôn chạm hai chân xuống đất khi ngồi
Điều này có thể sẽ khá mới mẻ với nhiều người song nó thực sự là một mẹo giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Cụ thể, khi bạn giữ hai chân chạm đất thay vì ngồi vắt chân hay cả hai chân không chạm đất, bạn có thể cân bằng tốt hơn giữa mặt sáng tạo và lý trí của não bộ.
Nếu bạn cần trả lời một câu hỏi khó, đừng bắt chéo chân.
9. Ngồi bên cạnh đồng nghiệp mà bạn không ưa
Việc bạn không ưa ai đó ở nơi làm việc hay môi trường khác đi chăng nữa là hết sức bình thường. Tuy nhiên điều quan trọng chúng ta cần hướng tới khi đi làm chính là sự chuyên nghiệp, không để tình cảm riêng ảnh hưởng đến kết quả chung.
Theo các chuyên gia, trong các cuộc họp, chúng ta sẽ khó có khả năng nảy sinh tranh luận với người ngồi cạnh mình. Đó là lý do nếu có đồng nghiệp nào đó bạn không thích và không muốn nảy sinh tranh cãi, hãy ngồi cạnh họ để giảm bớt mức độ gây gổ giữa hai người.
10. Luôn đem đến cho sếp của bạn 2 hoặc 3 giải pháp khả thi
Mất kiểm soát có thể trở thành một vấn đề lớn đối với nhiều vị sếp. Nếu bạn có vấn đề cần giải quyết, hãy mang lại cho họ nhiều lựa chọn hơn thay vì 1 phương án duy nhất. Theo sự tư vấn của các chuyên gia, điều này có thể khiến bạn được cấp trên tin tưởng hơn, trở thành một trong những người đáng tin bên cạnh họ.
Thủ thuật nào có thể hữu ích nhất cho bạn và tại sao? Những thủ thuật nào giúp bạn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với sếp?
Theo Bảo Anh (Gia đình & Xã hội)