Không tính toán
Cổ nhân dạy: "Nhân hữu thiên toán, thiên tắc nhất toán". Nghĩa là, con người dù cho có mưu tính trăm phương nghìn kế cũng không bằng tính toán của trời.
Con người sống ở đời, có thể ai cũng có những tính toán cho bản thân mình nhằm thu được lợi ích. Dù cho con người có tính toán kỹ lưỡng, tính tới tính lui thì cũng không thể tránh khỏi được quy luật "người tính không bằng trời tính".
Hiểu câu "thiên tắc nhất toán" như thế nào? Tại sao lại nói là trời tính? Thực ra, đó chính là căn cứ vào "đức" của mỗi người nhiều ít ra sao. Nếu người nhiều "đức" sẽ được hưởng nhiều phúc lộc. Còn người nào "đức" ít, "nghiệp" nhiều thì dẫu có toan tính đến đâu cũng không đạt được như ý nguyện, thậm chí còn rước họa vào thân, gặp nhiều quả báo.
Thuận theo tự nhiên
Khổng Tử giảng: "Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã", nghĩa là không biết mệnh trời thì không thể làm người quân tử.
"Tri mệnh" trước tiên là biết được "mệnh của tự thân". Con người khi sinh ra và sống trên đời, nên làm sao để lập thân xử thế.
"Thiên mệnh" ý nói sau khi đã trải qua những thăng trầm trong cõi nhân sinh thì hiểu được đạo tự nhiên của trời đất, từ đó có thể tuân theo mệnh trời.
Khi đã hiểu số mệnh con người và trong lòng không có hoài nghi thì có thể thản nhiên đón nhận mọi thứ, thuận theo tự nhiên mà sống, cũng sẽ không cần đi đoán mệnh nữa. Đó chính là bí quyết để sống thanh thản giữa đời, tận hưởng hạnh phúc ở hiện tại mà không phải lo lắng về tương lai.
Không tranh giành
"Lưu thủy bất tranh tiên", ý nói rằng nước chảy không tranh lên trước. Lão Tử nói: "Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh", ý nói nước là thiện nhất, là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh không giành lợi ích.
Vận dụng lời dạy của Lão Tử vào cuộc sống, cách sống của người khôn ngoan chính là chân thành giúp đỡ mọi người mà không tranh giành danh lợi, không tranh giành cao thấp, cũng không tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Chính là bởi vì không tranh giành hơn thua cho nên không có oán hận lo âu.
Không ham dục vọng
Cổ nhân nói: "Kỳ thị thâm giả, kỳ thiên ky thiển". Dục vọng ham muốn quá nhiều khiến con người trở nên nông nổi. Một người có quá nhiều dục vọng thì sẽ khuyết thiếu trí tuệ và linh tính. Người như thế sẽ bị dục vọng làm cho mê muội mất cả ý chí, tham dục bại thân.
Trong cuộc sống, khi một người tham tài, tham quyền, ham mê nữ sắc, thì khả năng phán đoán của họ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí đánh mất cả tâm trí của mình, đó cũng là bước đầu của tai họa.
Nếu một người không lấy sự nghiệp và tu dưỡng làm trọng, không hiểu được cần phải tiết chế dục vọng, thì rất dễ dàng rơi vào sự nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Học theo lời dạy của cổ nhân, chúng ta nên loại bỏ những ham muốn dục vọng, mưu cầu lợi ích, biết đủ để hạnh phúc. Đồng thời, không ngừng tu dưỡng đạo đức bởi đây mới là nền tảng gốc rễ của con người.
Đời là vô thường
Con người sống trên thế gian, hãy hiểu rõ sự thay đổi của nhân tình thế thái. Con người tùy tình cảnh khó khăn hay thuận lợi và đổi thay. Sắc mặt của mỗi người cũng dựa theo địa vị cao thấp của đối phương mà biến đổi nhiệt tình hay lạnh nhạt.
Mọi sự xu nịnh, bợ đỡ đều là bình thường, dễ hiểu trong cuộc đời. Khi con người nhận ra được điều này sẽ biết cách xem nhẹ được sự thay đổi của nhân tình thế thái.
Chính vì thế, muốn sống ung dung tự tại giữa đời, cần giữ tâm thế bình tĩnh của người khôn ngoan. Gặp chuyện không được như ý hay ai đó đối xử lạnh nhạt cũng chớ nên tức giận trong lòng cho tổn hại sức khỏe. Khi đắc ý, được người ta theo đuổi cũng đừng vội vui mừng, luôn giữ sự minh mẫn, thanh thản trong tâm hồn.