Đôi vợ chồng già bị mù sống ở gần nhà ngoại tôi. Tôi nghe ngoại nói thì năm nay hai cụ đã ngót nghét tám mươi tuổi và có với nhau đàn con cháu đông đúc.
Có lần, ngoại kể với tôi rằng, khi xưa lấy nhau, người chồng ngồi xe bò đi đón vợ. Cô dâu và chú rể đều không nhìn thấy gì nhưng chú rể vẫn nhờ người cuốn đầy lụa điều lên chiếc xe và đầu con bò, như vậy cho giống đám cưới.
Về đến nhà, chú rể đã dắt tay vợ vừa đi vừa mò đường từ nhà trên xuống nhà bếp. Cô dâu được dịp khám phá các ngóc ngách trong nhà.
Thế rồi, kể từ đó cho đến nay, suốt hơn nửa thế kỷ, ở cái thôn nghèo ấy, người ta luôn nhìn thấy họ tay trong tay, lặng lẽ làm mọi việc cùng nhau, bất chấp dù trời mưa hay là nắng.
Cuộc sống của hai người mù quả thật không hề dễ dàng. Có lẽ, khó khăn nhất với họ chính là việc múc nước từ dưới giếng lên. Mỗi lần cần múc nước, hai người họ đều dắt nhau đi. Người vợ sờ thấy cây gỗ ở cạnh giếng, một tay ôm chặt cây, còn tay kia níu chặt bàn tay chồng. Người chồng quỳ trên sàn giếng thả gầu xuống múc, kéo nước lên.
Có lần, người hàng xóm đi qua vô tình chứng kiến, thấy họ múc nước khó khăn liền ngỏ ý giúp đỡ nhưng hai vợ chồng mù đều cảm ơn rồi từ chối.
Họ nói với những người hàng xóm: "Các ông bà giúp được chúng tôi một lần, nhưng không giúp được chúng tôi một đời".
Người chồng mù tham gia thổi kèn trong ban nhạc ở thôn quê. Mỗi khi trong làng có đám cưới, ông thường đến thổi những bài như "trăm con chim phượng hoàng", "niềm vui đầy nhà"... Dù đi đâu, ông cũng luôn có một yêu cầu đó là cho người vợ mù của ông đi cùng. Ông bảo rằng, để vợ ở nhà một mình, ông không yên tâm.
Người vợ mù ngồi chăm chú mỗi khi tiếng kèn của người chồng cất lên. Dường như những giai điệu đó là ông thổi dành riêng cho bà. Người ta thấy những lúc ấy, khuôn mặt người vợ mù có phần đỏ ửng lên khiến ai nấy đều cảm thấy người phụ nữ đang ngồi lặng lẽ kia xinh đẹp rạng rõ biết bao.
Một lần, người chồng mù sơ ý bị ngã gãy chân phải nằm viện. Suốt những ngày ông điều trị, ba bốn hôm liền, người vợ không ăn hạt cơm nào vào bụng. Bà bảo, bà chẳng còn lòng dạ nào mà ăn nữa.
Sau này, khi hai vợ chồng đều đã già và không cần đi ra ngoài nữa, họ bắt đầu trồng hoa trong sân nhà. Dù chẳng thể nhìn thấy được những đóa hoa tươi rực rỡ mình trồng lên, nhưng ông bà đều rất hạnh phúc mỗi khi đến mùa hoa nở.
Các con của ông bà có lần đã từng hỏi: "Nếu ông trời dành cho bố mẹ một cơ hội, liệu bố mẹ có muốn nhìn nhau bằng mắt không?".
Ông trầm tư một lúc rồi trả lời: "Dắt tay nhau một đời, có bao nhiêu đường vân trong lòng bàn tay mẹ con, đều đã in trong trái tim bố. Bố chưa từng trông thấy người đẹp nhất. Trong trái tim bố thì mẹ con là người đẹp hơn cả. Cần mắt để làm gì. Mắt là thứ tham lam nhất trần đời, nhìn cái gì cũng đánh giá tốt hay xấu, xinh hay không xinh; nhìn cái gì hay là muốn có cái đó. Trên mặt người ta có một vết sẹo cũng có thể để trong tim suốt đời. Tim sáng hơn mắt. Nó là sáng nhất, thật nhất!".
Còn bà thì cho rằng: "Người ta nhìn người bằng mắt, bố mẹ nhìn người bằng trái tim. Tim sáng hơn mắt, thật".
Lời bàn:
Khi chúng ta được ban cho đôi mắt sáng rõ nhìn đời, nhìn người nên ta chỉ dựa vào ánh mắt để quan sát mà có thể quên dùng đến trái tim. Có lẽ, vợ chồng người mù nói đúng, tim sáng hơn mắt, nó là sáng nhất, thật nhất.
Nhìn đời bằng con mắt, ta chỉ thấy những điều hiển hiện trước mặt. Nhưng khi dùng trái tim để cảm nhận con người và cuộc sống, ta còn thấy được nhiều điều ý nghĩa hơn ẩn sau đó.
Trong cuộc sống, đừng chỉ nhìn mọi thứ bằng đôi mắt mà hãy thử dùng trái tim để cảm nhận, chắc chắn bạn sẽ thấy được tình yêu thương chân thành mà người khác dành cho.