Phúc đức tại mẫu

GTHN - Cổ nhân dạy: “Lưu lại của cải cho con cháu, chúng cũng không giữ được; lưu lại sách vở cho con cháu, chúng cũng không đọc được; chỉ có lưu lại âm đức cho con cháu, mới là kho báu quý giá nhất cho chúng. Điều bạn cần làm trước tiên là hãy gieo trồng ruộng phúc, tích đức làm việc thiện, thì sau này tự nhiên con cháu sẽ tự có phúc báo”.

phuc-duc-tai-mau-cha-me-hien-lanh-de-phuc-cho-con

Người xưa có câu: “Phúc đức tại mẫu”, người mẹ đức hạnh, có giáo dưỡng mới có thể giúp con sửa sai, rèn đức, thành bậc nhân tài. Người mẹ nhân hậu mới có thể để dành phúc cho con. Người mẹ trí tuệ mới có thể giúp con giải trừ tai hoạ.

Bởi, khi một đứa con được sinh ra, người gần gũi nhất với chúng nhất, chính là cha mẹ. Và mọi hành động, lời nói, tính cách của con cái, ảnh hưởng từ cha mẹ rất nhiều. Ví như cha mẹ là người luôn mở lòng từ bi giúp đỡ người khác, làm bất cứ chuyện gì cũng nghĩ cho người khác, thì con cái từ nhỏ đã nhìn thấy điều ấy, đứa trẻ lớn lên cũng sẽ là một người nhân hậu, có tấm lòng quảng đại, bao dung.

Phúc đức tại mẫu

Âu Dương Tu là nhà sử học, nhà văn nổi danh thời Bắc Tống. Khi ông lên bốn tuổi thì cha qua đời. Mẹ ông là Trịnh Thị ở vậy thủ tiết, vất vả nuôi con ăn học. Mặc dù chỉ đọc qua mấy cuốn sách cổ nhưng nhờ có ý chí nghị lực phi thường, bậc hiền mẫu này đã giáo dục được một người con tài đức, là mẫu mực của người quân tử thời xưa.

Cha của Âu Dương Tu khi còn sống là một vị quan thanh liêm, chính trực và hiếu khách ở địa phương. Trong nhà ông lúc nào cũng đông đúc người ra vào thăm hỏi, gia đình lúc đó cũng đủ ăn. Sau khi cha của Âu Dương Tu mất đi, gia cảnh dần dần trở nên bần hàn túng thiếu. Cuối cùng, hai mẹ con ông rơi vào cảnh “phòng không có một gian, đất không có một bờ”. Cô nhi quả phụ rơi vào cảnh ấy, quả thực là khó khăn, gian khổ không thể nào tưởng tượng được hết.

Nhưng mẹ của Âu Dương Tu là một người phụ nữ mạnh mẽ và có ý chí kiên cường. Bà là người nghèo khó nhưng chí không tận nên dựa vào bản thân mình cần cù làm lụng, một lòng nuôi con trai khôn lớn trưởng thành.

Yêu thương con bằng trái tim, giáo dục con bằng lí trí

Năm Âu Dương Tu lên 6 tuổi, mẹ của cậu bắt đầu dạy cậu học chữ, đọc sách. Bà cũng giáo dục con về đạo lý làm người. Bởi vì nhà nghèo không có tiền mua giấy bút nên bà đã dùng cây sậy thay thế. Bà còn lấy cát trải trên nền đất để làm giấy rồi từng nét từng nét dạy con viết chữ. Đây cũng là nguồn gốc của câu tục ngữ nói về bậc hiền mẫu này: “Dùng sậy viết chữ mà dạy con nên người.”

Khi Dương Tu lớn hơn, mẹ đưa cậu đến nhà người hàng xóm để mượn sách về đọc, đôi khi còn sao chép lại nội dung của những cuốn sách ấy.

Năm này qua năm khác, Âu Dương Tu lớn dần lên. Cậu bé thường vừa học chữ đọc sách, vừa tận sức giúp mẹ làm việc nhà. Âu Dương Tu mặc dù hiểu chuyện nhưng cũng không biết được vì sao mẹ lại có quyết tâm và sức mạnh lớn như vậy để nuôi dưỡng mình.

Một lần, Âu Dương Tu đem thắc mắc này đến hỏi mẹ. Mẹ của Âu Dương Tu tình cảm nói: “Sau khi cha con mất đi, mẹ có thể ở vậy nuôi con là bởi vì muốn cho con biết phẩm đức cao thượng của cha con. Mẹ thương cha con, cũng yêu thương con nên quyết tâm nuôi dưỡng con thành người có phẩm đức như cha của con vậy. Vì con, khổ hơn nữa mẹ cũng có thể chịu được.”

Lát sau, bà lại kể về thân thế của bản thân và cách đối xử của chồng mình cho con trai nghe. Bà kể lại:

Lúc mẹ được gả về nhà họ Âu Dương, bà nội của con đã qua đời. Nhưng từ những kỷ niệm của cha con về bà nội, mẹ biết cha con là người hiếu thảo. Cha con ở nhà tôn kính người lớn, ở bên ngoài làm quan thì luôn công chính nghiêm minh. Ông không bao giờ làm việc qua loa, đại khái.

Cha con ban ngày làm việc, ban đêm xem án kiện đến đêm khuya mới ngủ. Đối với những người bị phán tội chết, cha con thường xem đi xem lại bản án nhiều lần. Bởi vì ông cho rằng mạng người là có liên quan đến Trời, không thể qua loa. Về sau này, bởi vì mệt nhọc quá độ mà mắc bệnh.

Cha con trước lúc lâm chung nói: “Ta không thể nhìn thấy con trai trưởng thành, hy vọng nàng sau này có thể nói với con trai rằng: ‘Làm người không thể tham tài cầu lợi, trong cuộc sống đừng truy cầu quá phận, phải hiếu kính người lớn và có một tấm lòng lương thiện’.” Đây là di ngôn của cha con để lại.

Âu Dương Tu nghe xong những lời của mẹ, trào nước mắt nói: “Con nhất định sẽ làm theo lời di huấn của cha để lại. Nhất định sẽ làm một người có phẩm đức cao thượng.”

Cứ như vậy, mẹ của Âu Dương Tu vừa nuôi dưỡng con vừa lấy phẩm đức của chồng làm tấm gương sáng cho con học tập. Quả nhiên, Âu Dương Tu sau này khi làm quan luôn nhớ lời di huấn và noi theo tấm gương đạo đức của cha. Ông làm việc công chính vô tư và luôn trợ giúp người khác, giúp ích cho xã tắc.

Dưới sự giáo dục của mẹ, Âu Dương Tu đỗ đầu Tiến sĩ năm 24 tuổi. Ông giữ chức quan Hàn Lâm học sĩ, Xu Mật Viện Phó sứ, Tham tri Chính sự. Dưới thời vua Tống Thần Tông, ông giữ chức  Binh Bộ Thượng Thư.

Những lời tinh hoa đúc kết của người xưa quả thực là tinh tế, phúc báo của con cái đều liên quan đến cha mẹ, cha mẹ cũng là tấm gương phản chiếu của con cái. Cha mẹ làm điều tốt, thì con sẽ trở thành người tốt. Còn nếu như cha mẹ là người lấy oán báo ân, hay buông lời cay độc, hãm hại người lành, thì đứa con khi lớn lên cũng đâu thể nào là người lương thiện, cũng sẽ không thể làm nên nghiệp lớn.

 

Lan Hòa biên tập

DMCA.com Protection Status
Từ Khoá

#buttons=(Chấp nhận !) #days=(20)

Trang web của chúng tôi sử dụng cookie để nâng cao trải nghiệm của bạn. Tìm hiểu thêm
Accept !