Càng lớn lên, chúng ta càng được hướng dẫn nhiều hơn về cách sử dụng tiền hợp lý và trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, ngay cả những người chi tiêu giỏi nhất trong chúng ta cũng có xu hướng quên đi một số cách hiệu quả để thực hiện tiết kiệm.
Dưới đây là một số mẹo tiết kiệm hiệu quả và dễ nhớ mà ai cũng có thể thực hiện. Bạn có thể nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ rất nhiều trong số chúng.
1. Mua đồ đã qua sử dụng
Chúng ta có thể nghĩ đến việc mua xe đã qua sử dụng nhưng lại thường ít khi nghĩ đến đồ đã qua sử dụng khi muốn mua quần áo, đồ điện tử hay đồ nội thất. Tất nhiên, các mặt hàng dễ hư hỏng sẽ không phù hợp để bạn mua đồ đã qua sử dụng song bạn có thể tiết kiệm kha khá tiền từ việc mua rất nhiều sản phẩm khác đã qua sử dụng.
Không phải mọi sản phẩm đều được sử dụng rất lâu trước khi bán lại, thanh lý. Sự thật là trong thời buổi mua sắm như ngày nay, rất nhiều sản phẩm được mua một cách bốc đồng và người sở hữu nhanh chóng nhận ra nó không thực sự phù hợp hoặc cần thiết đối với mình và muốn thanh lý. Bạn có thể tìm được rất nhiều sản phẩm hay ho khi tìm đồ đã qua sử dụng.
2. Chờ một ngày trước khi mua hàng
Điều này đặc biệt quan trọng đối với các giao dịch mua giá trị lớn. Việc mua hàng một cách nóng vội, hấp tấp góp phần lớn vào việc tại sao tiền của bạn lại vơi đi một cách nhanh chóng như vậy.
Nếu bạn thực sự muốn mua thứ gì đó, hãy đợi một ngày hoặc lâu hơn trước khi mua. Đây sẽ là khoảng thời gian để bạn bình tĩnh hơn, suy nghĩ rõ ràng hơn về sự cần thiết của sản phẩm đó. Bạn cũng có thời gian để tham khảo về các mặt hàng tương tự hoặc giá của sản phẩm đó được bán ở những nơi khác. Nếu đó là sản phẩm không thực sự cần thiết, thời gian chờ sẽ giúp bạn sáng suốt hơn, ít bị cám dỗ hơn.
3. Mua hàng số lượng lớn
Mẹo nhỏ này rất đơn giản. Nếu đó là thứ bạn biết mình sẽ sử dụng nhiều và thường xuyên như đồ vệ sinh cá nhân hoặc đồ ăn, hãy cân nhắc đến việc mua chúng với số lượng lớn để tiết kiệm hơn.
Giấy vệ sinh, khăn giấy, kem đánh răng và các vật dụng cần thiết khác là những lựa chọn tốt để bạn mua hàng với số lượng lớn. Lý do là bởi bạn cần dùng các sản phẩm này thường xuyên, hạn sử dụng của sản phẩm lại dài. Tuy nhiên không phải sản phẩm nào bạn cũng nên mua với số lượng lớn. Nếu mua nhiều mà không dùng hết, để chúng hết hạn, hỏng thì đó chính là hoang phí.
4. Đối xử tốt với bản thân
Tâm lý mua sắm bốc đồng và chi tiêu quá đà khá phức tạp nhưng cũng không kém phần thú vị. Nó có thể thổi bay số tiền tiết kiệm của bạn nhưng tin vui là đa phần sẽ có thể kiểm soát, kiềm chế được bằng sự củng cố tích cực.
Chăm chỉ tiết kiệm và không quên tự thưởng cho bản thân một cách phù hợp chính là phương pháp tuyệt vời để bạn duy trì sự kiểm soát tài chính, có thể bám sát ngân sách một cách lâu bền. Hãy đặt ra các quy tắc cho bản thân nhưng đừng quên những phần thưởng cho để khích lệ, động viên kịp thời.
5. Nhìn ngang, ngó dọc
Đây sẽ là mẹo tiết kiệm hữu ích với rất nhiều người, đặc biệt nếu bạn có thói quen lựa chọn sản phẩm đầu tiên nhìn thấy ngang tầm mắt.
Sự thật là các cửa hàng, siêu thị thường sắp xếp để các sản phẩm mà họ muốn đẩy mạnh doanh thu ở những nơi tiện cho khách hàng nhìn thấy. Chỉ cần bạn nhìn ngang ngó dọc một chút, tham khảo thêm các kệ trên cao và dưới thấp, rất có thể bạn sẽ tìm được sản phẩm mình cần mua với giá phải chăng hơn. Hãy nhớ so sánh giá theo cùng một đơn vị, tránh trường hợp tưởng 1 sản phẩm là rẻ hơn song sự thật là sản phẩm kia có khối lượng lớn hơn nhiều.
6. Sử dụng tiền mặt
Thẻ tín dụng ngày càng cung cấp cho chúng ta nhiều tiện ích hơn và không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi của tấm thẻ này. Tuy nhiên chúng cũng khiến chúng ta có xu hướng sử dụng một cách dễ dãi, dễ mua sắm bốc đồng và không kiểm soát được cách chi tiêu của mình.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng tiền mặt, bạn sẽ cảm giác về mọi hoạt động chi tiêu chân thực hơn thế. Bạn sẽ cảm nhận rõ ràng về sự mất mát khi bỏ tiền ra mua thứ gì đó, đặc biệt là những sản phẩm không thực sự cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn có ý thức hơn trong việc hạn chế chi tiêu.
Đối với các giao dịch mua lớn, bạn sẽ thấy được việc sử dụng tiền mặt phát huy hiệu quả tốt. Thay vì có thể quẹt thẻ và mua hàng một cách nhanh chóng rồi trả nợ sau, bạn sẽ phải chuẩn bị trước để có đủ tiền mua sản phẩm đó. Khoảng thời gian chờ này cũng là lúc để bạn bình tĩnh hơn và suy nghĩ xem liệu sản phẩm đó có thực sự cần thiết, liệu mình có cần nó đến mức đó.
7. Mượn (hoặc mua) từ bạn bè
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Đừng quên rằng xung quanh bạn luôn có rất nhiều bạn bè, người đồng hành. Bạn hoàn toàn có thể mượn các vật dụng như đồ nội thất, phụ kiện nhà bếp… từ phía bạn bè.
Nếu bạn muốn mua một chiếc máy đánh trứng để tập tành sự nghiệp làm bánh, hãy nói cho những người xung quanh bạn biết. Bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên, tư vấn hoặc được bạn bè cho mượn dùng để trải nghiệm hoặc biết đâu ai đó đang muốn thanh lý vì mua nhưng không có nhu cầu sử dụng…
8. Tự nấu ăn thay vì đi ăn hàng
Đây là điều mà chúng ta thường quên khi lên kế hoạch ăn uống cho mình. Hãy lên kế hoạch trước cho tuần mới của bạn, bao gồm cả việc xác định thời gian có thể chuẩn bị bữa ăn và bám sát kế hoạch đó. Bằng việc tự chuẩn bị đồ ăn mang đi thay vì ăn hàng, chúng ta có thể tiết kiệm rất nhiều tiền.
Mẹo nhỏ ở đây chính là lên kế hoạch trước cho thực đơn tuần để đảm bảo sử dụng tối đa các nguyên liệu có, tránh tình trạng lãng phí. Nếu quỹ thời gian của bạn khá hạn hẹp, hãy thử các món ăn có thể bảo quản và ăn trong nhiều bữa. Khi học cách bảo quản thực phẩm cũng như đồ ăn đúng cách, bạn sẽ tiết kiệm được tiền và đảm bảo sức khỏe.
9. Xem các suất chiếu phim buổi chiều
Chắc hẳn tiền chi cho rạp chiếu phim là một khoản không nhỏ trong ngân sách mỗi tháng của bạn. Nếu có thể chuyển sang xem phim tại nhà thì bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền.
Tuy nhiên nếu không muốn từ bỏ sở thích này, muốn được thưởng thức những bộ phim mới ra mắt với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt, bạn hãy cân nhắc đến việc xem các suất chiếu vào buổi chiều. Ở một số rạp, giá vé của các suất chiếu này rẻ hơn kha khá so với các giờ buổi tối. Nếu bạn đi theo gia đình hay đi theo nhóm đông, các bạn có thể tiết kiệm hiệu quả chỉ bằng việc cùng nhau xem một bộ phim sớm hơn một chút.
10. Rút phích cắm thiết bị điện khi không sử dụng
Đây là một mẹo tuyệt vời giúp bạn tiết kiệm tiền điện, đặc biệt là trong mùa đông. Hãy nhớ rằng một số thiết bị điện nhất định có thể tiêu tốn nhiều năng lượng ngay cả khi bạn đã tắt chúng.
Trước khi bạn đi ngủ hay ra khỏi nhà, hãy tạo thói quen rút phích cắm của các thiết bị không cần thiết như thiết bị nhà bếp, TV hay máy chơi điện tử. Số tiền bạn tiết kiệm được từ thói quen đơn giản này trong vòng 1 năm có thể khiến bạn phải bất ngờ.
Theo Bảo Anh (Gia đình & Xã hội)