(*) Bài viết là chia sẻ của Eric Roberge, chuyên gia hoạch định tài chính, người sáng lập Beyond Your Hammock và người dẫn chương trình podcast Beyond Finances.
Nếu đã từng đọc những bài viết về phát triển cá nhân hoặc sự nghiệp, bạn chắc hẳn đã nghe nói về các mục tiêu “THÔNG MINH” (SMART). Từ viết tắt này là cách để bạn dễ nhớ về cấu trúc giúp thiết lập các mục tiêu tốt hơn, bao gồm Cụ thể (Specific), Có thể đo lường (Measurable), Khả thi (Actionable), Thực tế (Realistic) và Có thời hạn (Time-bound).
Tuy nhiên từ việc áp dụng thực tế vào lý thuyết lại là một câu chuyện khác. Điều này có thể giải thích vì sao rất nhiều người đặt ra cho mình một mục tiêu tài chính rất tệ và nó dẫn họ đến thất bại thay vì thành công.
Nếu mục tiêu của bạn là có “nhiều tiền hơn” thì bạn rất có thể đang gặp vấn đề
Mục tiêu tài chính tệ nhất mà phần lớn mọi người đặt ra là có “nhiều tiền hơn”. Khi tôi hỏi mọi người về mục tiêu, họ thường đưa ra các câu trả lời khác nhau nhưng đều có nội dung chính như vậy.
Có thể bạn muốn kiếm được nhiều tiền hơn hoặc tiết kiệm tiền hơn hoặc đầu tư nhiều tiền hơn và nhận được lợi tức cao hơn từ những khoản đầu tư đó. Dù mong muốn đó là gì, đa phần mọi người có xu hướng nêu các mục tiêu tài chính của họ là muốn nhiều hơn nữa thay vì làm rõ mọi thứ.
Đây chắc chắn không phải là một mục tiêu THÔNG MINH. Mục tiêu này không cụ thể và không thể đo lường được nên cũng khó để hành động, không thực tế hoặc không bị ràng buộc về thời gian.
Vấn đề lớn nhất của việc đặt “nhiều tiền hơn” thành mục tiêu muốn theo đuổi là khi bạn muốn nhiều hơn thì thật khó để xác định thế nào là đủ. Đó hoàn toàn có thể là nguyên nhân sâu xa của những thất bại hoặc sự không thoả mãn về tiền bạc của chính bạn.
Tại sao những mục tiêu như “kiếm và tiết kiệm nhiều tiền hơn” lại không hợp lý?
Có một số điều xảy ra khi bạn đặt mục tiêu của mình có dạng “tiết kiệm nhiều hơn” hoặc “kiếm được nhiều tiền hơn” thay vì khiến chúng trở nên cụ thể. Điều khó khăn nhất chính là bộ não của chúng ta có khả năng thích nghi rất nhanh với môi trường xung quanh, thói quen và cuộc sống hàng ngày.
Khi nói đến cách chúng ta cảm thấy và những gì chúng ta muốn, hiện tượng này thường được gọi là hiệu ứng thích nghi với sự hưởng thụ. Điều này có nghĩa rằng dù chúng ta cảm thấy tuyệt vời hay khủng khiếp đến mức nào, chúng ta đều có xu hướng nhanh chóng trở lại trạng thái cảm xúc bình thường.
Tất nhiên, điều này có tính hai mặt, mang lại cả điều tốt và không. Nó có nghĩa là ngay cả khi bạn phải trải qua một thất bại nghiêm trọng hoặc điều gì đó không được suôn sẻ, cảm xúc của bạn rồi sẽ trở lại, như chưa từng có chuyện xảy ra và điều này hoàn toàn có thể nhanh hơn những gì bạn tưởng.
Nhưng điều này cũng có nghĩa là khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, chúng ta sẽ quen với điều đó rất nhanh. Những điều mới mẻ và tuyệt vời nhanh chóng trở nên bình thường, mất dần sự phấn khích nhanh hơn bạn tưởng.
Vì vậy, khi bạn được tăng lương , ban đầu bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt. Nhưng đến lần nhận lương thứ 3 hoặc thứ 4, bạn không còn cảm thấy như trước nữa, thích nghi rất nhanh chong và quay lại muốn “nhiều hơn” một lần nữa.
Hoặc có thể nhân cơ hội đó để tăng số tiền tiết kiệm của mình. Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy rất tự hào vì đã làm được điều đó nhưng rồi nhanh chóng coi là điều hiển nhiên và bắt đầu tự vấn: “Sao mình không thể tiết kiệm nhiều hơn nữa?”.
Khi mục tiêu chỉ là “nhiều hơn” và không có điểm nào để xác định là “đủ”, bạn sẽ bị cuốn vào chu kỳ không bao giờ kết thúc của việc nhanh chóng thích nghi với tiêu chuẩn mới. Điều này khiến bạn cảm giác như bạn đang quay trở lại nơi bắt đầu (ngay cả khi đã đạt được tiến bộ).
Vậy làm thế nào để bạn có thể đặt ra các mục tiêu tài chính tốt hơn, có ý nghĩa hơn và hữu ích hơn?
Mẹo giúp bạn xác định bao nhiêu là đủ và cách đặt mục tiêu tài chính tốt hơn
Điều đầu tiên giúp bạn đặt ra các mục tiêu tài chính tốt hơn là làm cho chúng cụ thể và dứt khoát. Bạn cần biết bao nhiêu là đủ để làm những gì bạn thực sự muốn. Khi hiểu được điều gì là quan trọng đối với mình, bạn sẽ dễ bỏ đi những thứ không phù hợp với các giá trị đó và tập trung hơn vào những gì mình thực sự quan tâm.
Khi xác định bao nhiêu là đủ, việc này sẽ trở nên khó khăn hơn khi bạn nghĩ đến những thứ ít hữu hình hơn hoặc không có giá trị cụ thể như bao nhiêu là đủ để nghỉ hưu ở độ tuổi mình muốn hoặc cần bao nhiêu để đảm bảo cuộc sống hiện tại mà không làm ảnh hưởng tương lai tài chính.
Khó nhưng điều đó không có nghĩa là không thể. Bạn có thể đến gặp những nhà lập kế hoạch tài chính chuyên nghiệp để có được con số chính xác cho những gì bạn muốn hoặc đơn giản hơn là tự mình thực hiện. Hãy thử những điều này để bắt đầu xác định thành công thực sự với bạn là thế nào qua các thuật ngữ cụ thể và có thể đo lường được:
Nghĩ về cuộc sống lý tưởng của bạn hiện tại và tương lai
Hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn và hình dung cuộc sống trong mơ của bạn trông như thế nào. Bạn sống ở đâu và thích làm công việc gì hoặc dành thời gian để làm tình nguyện và tham gia vào các hoạt động khác?
Bạn có sở thích cụ thể nào không? Có những kỹ năng nào bạn cần cải thiện không? Bạn trải qua cuộc sống hàng ngày của mình thế nào?
Hãy dành một chút thời gian để mơ mộng và ghi lại những gì nổi bật nhất. Nhưng hãy cẩn thận bởi những câu trả lời đầu tiên có thể khiến bạn liên tưởng đến ngay hình ảnh của chiếc xế hộp xa xỉ hay ngôi nhà rộng vài trăm mét vuông ở nơi phố xá đắt đỏ. Tất nhiên, có được là điều thật tuyệt nhưng liệu chúng có thực sự khiến bạn hạnh phúc hơn những lựa chọn khác (ít tốn kém hơn) không?
Hãy nhớ rằng, chúng ta thích nghi với cái mới rất nhanh chóng. Đó là lý do lớn khiến chúng ta có xu hướng hối tiếc về số tiền đã chi ra để mua sắm vật chất .
Khi bạn nghĩ về cuộc sống lý tưởng của mình, hãy tập trung nhiều hơn vào những điều đem lại hạnh phúc lâu dài cho mình như sự trải nghiệm, cách kiểm soát sử dụng thời gian và chất lượng của các mối quan hệ.
Một điều khác giúp bạn đi đúng hướng hơn là hiểu rõ giá trị của bạn và điều gì là quan trọng nhất đối với bạn. Ví dụ: nếu với bạn gia đình là điều vô cùng quan trọng thì cuộc sống lý tưởng của bạn có thể là dành nhiều thời gian hơn cho các thành viên trong gia đình, không nhất thiết phải là cùng nhau ăn những bữa ăn đắt đỏ.
Tính toán chi phí và chọn điểm xuất phát
Hãy xem những gì bạn đã viết ra như những điểm nổi bật trong cuộc sống lý tưởng của bạn và từ đó ước tính xem chúng tốn bao nhiêu tiền. Một số ví dụ về các ưu tiên của bạn có thể là:
Du lịch đến các quốc gia bạn chưa từng đặt chân;
Bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng;
Kết hôn hoặc cóp chi phí học hành cho con cái;
Tự do tài chính để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.
Khi bạn xác định được điều gì là quan trọng, hãy bắt đầu tính toán chi phí cho các hạng mục này. Bạn chỉ cần xác định một con số cụ thể như là điểm bắt đầu và sau đó có thể chủ động hơn khi hành động thực sự, điều chỉnh khi có thứ thay đổi.
Hiểu rõ mục đích và bắt đầu hành động
Một trong những vấn đề lớn nhất của mục tiêu “nhiều tiền hơn” là nó khá vô nghĩa. Song khi đã cụ thể hoá và khiến những gì bạn muốn trở nên hữu hình hơn cũng như đưa ra các con số để bắt đầu, bạn đang có cái nhìn rõ ràng hơn.
Bạn cũng xác định được một cách rõ ràng lý do tại sao bạn muốn điều đó hoặc tại sao một ưu tiên hoặc mục tiêu cụ thể lại quan trọng với bạn đến vậy. Càng hiểu rõ mục đích, bạn sẽ càng dễ thực hiện công việc cần thiết để đạt được, có động lực hơn để không ngừng tiến về phía trước.
Một điều quan trọng là hãy thừa nhận sự tiến bộ của bạn trong suốt chặng đường và kỷ niệm các mốc quan trọng hoặc thành tích nhỏ dẫn bạn đến mục tiêu cuối cùng. Bạn sẽ thấy dễ dàng hơn, hào hứng hơn khi làm theo kế hoạch hành động để đi từ vị trí hiện tại đến nơi lý tưởng mà bạn muốn.
Thật khó để biết phải làm gì để có được “nhiều hơn”. Thực tế hơn nhiều khi xác định một điểm cụ thể bạn muốn đạt tới và làm việc lùi lại từ đó để chọn các hành động cụ thể cần thực hiện để đạt được mục tiêu của mình.
Theo Vietgiaitri