GTHN - Một tác giả nữ vừa đưa ra những lời khuyên tiền bạc hữu ích trên trang Business Insider, giúp cho mọi người có thể tránh để chìm vào những khoản nợ khó chịu.
Ảnh minh họa. |
Theo một báo cáo năm 2015 của Pew Charitable Trusts, 80% người Mỹ ngập trong đống nợ. Patrice C. Washington, tác giả của cuốn sách đưa ra “câu trả lời thực sự về tiền bạc cho mọi phụ nữ: Làm cách nào để chiến thắng trong trò chơi tiền bạc dù có đàn ông hay không...", trong đó cho rằng những lời nói dối về tiền bạc có thể khiến chúng ta chìm sâu hơn vào nợ nần.
Dưới đây cô đã đưa ra 8 lời nói dối mà chúng ta phải tránh để không phải chìm ngập vào đống nợ.
1. “Tôi không biết gì về tiền”
Washington không đồng tình với câu nói này, cô cho rằng có quá nhiều thông tin về tiền bạc mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy. Đặc biệt trong kỷ nguyên Google, không có lý do gì để bạn đưa ra lời nói dối trên.
Theo cô, không phải mọi thông tin tài chính đều tốt nhưng việc nói rằng “Tôi không biết gì về tiền” nhưng biết cách quản lý tiền bạc cũng là biết cách tăng thêm kinh nghiệm sống. Tiền sẽ quyết định bạn sống ở đâu, đi xe gì, ăn gì và ăn mặc như thế nào và do đó đây là vấn đề mà bạn phải lưu tâm.
2. Tôi làm việc chăm chỉ vậy nên tôi xứng đáng có điều đó
Không ai nói rằng bạn không làm việc chăm chỉ hay bạn không xứng đáng được hưởng thành quả nhưng vấn đề ở đây là tại sao bạn thật sự cần một sự đền đáp. Có rất nhiều lúc bạn chưa hoàn thành tốt mục tiêu tài chính đã đề ra nhưng lại dễ dàng hài lòng và cần mua một thứ gì đó để cảm thấy vui vẻ hơn. Cốt lõi là bạn vẫn chưa hoàn thành và đang cố tìm ra một lý do để biện minh.
3. Đây là tình huống khẩn cấp
Tình huống khẩn cấp được định nghĩa là một tình huống bất ngờ và nguy hiểm, đòi hỏi bạn phải hành động ngay lập tức. Những từ mấu chốt ở đây là “nghiêm trọng, nguy hiểm và bất ngờ”. Đúng là có những tình huống thực sự khẩn cấp như mất việc làm, nhưng nhiều người rơi vào tình huống khẩn cấp vì họ không chuẩn bị cho những thứ phải được lên kế hoạch từ trước. Lời khuyên ở đây là không chỉ chú tâm vào những khoản thu chi hằng tháng. Bạn còn phải chú ý tiết kiệm cho một phần tư hoặc nửa năm tiếp theo phòng những trường hợp khẩn cấp xảy ra.
4. “Tôi mua nó ngay mùa giảm giá”
Washington cho rằng khi mua một món đồ giảm giá 50%, không phải là bạn được lợi 50% mà là bạn đã lãng phí số tiền đó cho món đồ mà bạn không cần đến.
“Nếu bạn đang mắc nợ và không có tiền tiết kiệm, hãy bỏ qua những món đồ giảm giá. Nếu món đồ đó thực sự không cần thiết, bạn đang tự dối lòng mình. Đáng lẽ số tiền đó có thể được dùng để trả nợ hoặc tiết kiệm và sau này đem ra dùng cho những việc chính đáng”, cô nói.
5. “Nếu tôi kiếm được nhiều tiền hơn thì điều này đã dễ hơn rất nhiều”
Có rất nhiều ví dụ cho thấy những người giàu có nắm trong tay hàng triệu USD cũng không tránh được những quyết định ngớ ngẩn về tiền bạc.
“Cách bạn quản lý 100 USD cũng sẽ giống với cách mà bạn quản lý 100.000 USD. Vẫn là bạn, với thái độ, hành vi và thói quen như nhau. Vấn đề không phải là bạn có nhiều tiền hơn mà bạn phải tuân theo những quy tắc đã đề ra”.
6. “Tôi sẽ bắt đầu sau”
“Nếu bạn nghiêm túc muốn thay đổi thói quen của bản thân hoặc muốn một điều gì đó xảy ra, bạn không cần phải đợi đến một dịp đặc biệt như năm mới, tốt nghiệp hay sinh nhật…”, Washington nói.
Thêm vào đó nhiều người thường không hiểu rằng không cần phải hoàn thành một mục tiêu lớn hoặc thay đổi thói quen của bạn chỉ sau một đêm. Hãy đi từng bước nhỏ, miễn là bạn đang đi đúng hướng.
7. “Tôi không kiếm đủ tiền để tiết kiệm”
Đáp lại câu nói này, Washington cho rằng: “Được thôi, vậy hãy bắt đầu kiếm nhiều tiền hơn đi”. Nếu bạn vẫn mãi giữ suy nghĩ đó trong đầu, sẽ chẳng có mức nào là đủ.
8. “Đó là một khoản nợ tốt”
Washington không tin rằng có thể phân loại nợ thành tốt và xấu. Nhiều người nói những khoản nợ sinh viên là tốt, nhưng điều đó không đúng và thậm chí việc coi đây là một khoản nợ tốt sẽ khiến bạn trì hoãn trả nợ. “Tốt nhất là không có khoản nợ nào. Nợ sinh viên thì cũng giống như khoản nợ thế chấp mà thôi, vì cuối cùng bạn vẫn phải chịu áp lực trả nợ”.
Theo Báo Thanh Niên