GTHN - Bốn câu chuyện tựa bốn màn đối đáp ngắn ngủi nhưng lại hàm ẩn triết lý nhân sinh.
Câu chuyện 1
Đệ tử học âm nhạc cùng sư phụ. Mặc dù cậu học hành rất chăm chỉ nhưng tiến triển lại rất ít. Một hôm, đệ tử sinh tâm nghi ngờ và đến hỏi sư phụ: “Liệu có phải bản thân con vẫn chưa luyện tập chăm chỉ?”
Thấy đệ tử luôn băn khoăn về sự nỗ lực cũng như thành quả học tập của mình, sư phụ lấy một cây sáo ra và hỏi: “Nếu lỗ bị bít lại hết thì còn thổi ra tiếng sáo không?” Đệ tử trả lời: “Đương nhiên là không thể ạ”. Sư Phụ nói: “Hầu hết các loại nhạc cụ đều có lưu lại một chút ít khe hở, chính những khoảng trống này tạo nên nhạc cụ và các giai điệu âm nhạc mỹ diệu. Con cũng như thế, không cần dùng tay chân làm việc chăm chỉ cả ngày đến độ không cho mình chút khoảng thời gian nghỉ ngơi, không cho mình có một chút rảnh rỗi, như vậy sẽ đem đến bất lợi đối với khúc nhạc diễn tấu tươi đẹp của đời người”.
Nghe xong, đệ tử đã hiểu được nguyên nhân bản thân không có tiến triển tốt trong việc học âm nhạc, không phải bởi không đủ chăm chỉ mà do quá siêng năng, không để cho bản thân có chút rảnh rỗi để cảm thụ bản nhạc tươi đẹp cuộc đời.
Câu chuyện 2
Đệ tử hỏi Sư phụ: “Khi thực hiện việc nào đó, làm thế nào để đầu tư ít nhất mà vẫn thu được lợi nhuận cao nhất?”
Vị sư phụ thắp một ngọn đèn trong phòng và hỏi người đệ tử: “Con có thể chỉ dùng một giọt nước dập tắt ngọn đèn này được không?”. “Một giọt nước sao có thể dập tắt ngọn đèn ạ?”. Đệ tử trả lời.
Tuy nhiên, sư phụ lại nói, ông có thể dùng nước dập tắt ngọn đèn, hơn nữa chỉ cần dùng một giọt là đủ. Người đệ tử thấy sư phụ dùng tay dính một giọt nước rồi đưa đến trước ngọn đèn và nhỏ lên ngọn lửa. Ngọn đèn phát ra tiếng “xèo xèo” rồi tắt lịm, ánh sáng đèn trong phòng biến mất.
“Đây chẳng phải là, một giọt nước có thể dập tắt đèn trong phòng sao?” Sư phụ nói: “Đối ngọn đèn và bấc dầu mà nói, ngọn đèn chỉ là biểu tượng, còn bấc dầu mới là gốc rễ sinh ra ngọn đèn. Một người có thể làm chơi ăn thật, đầu tư ít mà đạt lợi nhuận cao thì người đó phải rất tài giỏi trong việc nhìn thấu ngọn nguồn của vấn đề”.
Câu chuyện 3
Đệ tử muốn thử thách Sư phụ, vì vậy cậu lấy một tờ giấy và nói rằng đây là bức tranh do cậu vẽ.
Tuy nhiên, sư phụ lại không nhìn thấy bất kỳ bức tranh nào mà chỉ thấy một tờ giấy trắng. Sư phụ nói: “Vẽ ở đâu?”. Đệ tử nói: “Vẽ trên tờ giấy trắng, hình vẽ một con trâu đang ăn cỏ. Sư phụ lại hỏi: “Thế cỏ đâu?” Đệ tử nói: “Cỏ bị trâu ăn hết rồi”. Sư phụ hỏi: “Thế con trâu đâu?” Đệ tử nói: “Trâu đã ăn hết cỏ và rời đi rồi ạ”.
Lúc này, đệ tử nhân cơ hội nói: “Đời người giống bức họa này, cỏ được ăn rồi, trâu cũng đi rồi, cuối cùng không để lại dấu vết gì, tất cả chỉ là hư vô”.
Sư phụ cầm lấy tờ giấy trắng của đệ tử, lấy bút lông vẽ lên, rất nhanh sau đó trên tờ giấy xuất hiện một con trâu đang ăn cỏ, rồi nói: “Mặc dù cỏ được ăn sạch, trâu cũng rời đi, nhưng chỉ cần chúng ta nắm lấy từng khoảnh khắc tươi đẹp thì có thể vẽ ra bức tranh đời người tuyệt đẹp”.
Câu chuyện 4
Trên suốt dọc đường, đệ tử luôn mồm nói lời khoe khoang thành tích với sư phụ. Cậu nói bản thân chăm chỉ và vất vả như thế nào. Buổi sáng quét chùa đốn củi, buổi chiều gánh nước, buổi tối tụng niệm kinh sách.
Sư phụ lấy tay chỉ lên bầu trời và hỏi: “Mặt trời đang làm gì?” “Chiếu sáng và tỏa nhiệt”. Đệ tử trả lời.
“Nó có nói không?” Sư phụ hỏi. Đệ tử lắc đầu.
Buổi tối, sư phụ chỉ tay lên trời rồi nói: “Các vì sao kia đang làm gì?” “Đang phát sáng ạ”. Đệ tử trả lời.
“Nó có nói gì không?” Sư phụ hỏi. Đệ tử lắc đầu.
“Đó là lý do vì sao mà mọi người ca ngợi sự vĩ đại của mặt trời và nét xinh đẹp của các ngôi sao”. Sư phụ nói tiếp: “Sự vĩ đại và tốt đẹp thì không cần phải nói ra, mà là do lặng lẽ làm việc mà đạt được”.
Đệ tử nghe xong không khỏi tỏ ra xấu hổ và yên lặng không nói thêm gì nữa.
Theo Vision TimesSan San biên dịch