Đỉnh cao của tranh luận chính là im lặng
Có một hôm, một học trò của Khổng Tử đang quét dọn ngoài cổng thì có một vị khách đi tới hỏi: “Ông là ai?”
Học trò của Khổng Tử nghe vậy thì tự hào đáp: “Ta là đệ tử của Khổng tiên sinh”
Vị khách nghe vậy liền nói: “Vậy thì tốt quá, tôi có thể gặp để thỉnh giáo ông một việc được không?”
Học trò của Khổng Tử giọng vui vẻ đáp: “Được chứ”, rồi thầm nghĩ: “Không biết anh ta định hỏi gì nhỉ?”
Vị khách hỏi: “Một năm rốt cuộc có mấy mùa?”
“Câu hỏi này mà cũng cần phải hỏi sao?” – Học trò của Khổng Tử nghĩ vậy, nhưng vẫn trả lời “Có 4 mùa là xuân hạ thu đông”
Vị khách kia lắc đầu: “Không đúng, một năm chỉ có 3 mùa thôi”
“Trời ơi, sao rồi, phải là 4 mùa mới đúng” – Học trò liền nói
“Không, là 3 mùa” – Vị khách kia vẫn cương quyết.
Cuối cùng, vì tranh luận không đến kết quả nên cả hai quyết định đặt cược: Nếu là 4 mùa vị khách kia phải dập đầu 3 cái, còn nếu là 3 mùa thì học trò của Khổng Tử phải dập đầu 3 cái.
Đệ tử của Khổng Tử thầm nghĩ trong lòng, mình thắng chắc rồi nên chuẩn bị đưa vị khách đến gặp thầy. Vừa hay, lúc đó Khổng tiên sinh từ trong phòng đi ra, đệ tử liền chạy lại hỏi “Thầy ơi, một năm có mấy mùa ạ?”
Khổng Tử liền nhìn vị khách, nói: “Một năm có 3 mùa”
Câu trả lời của thầy khiến người học trò giật mình suýt ngã nhưng không dám lập tức chất vấn thầy. Vị khách nghe vậy thì lập tức đòi đối phương phải thực hiện lời hứa khi nãy, liên tục hô to “Dập đầu, dập đầu”. Không còn cách nào khác, học trò của Khổng Tử bèn làm theo lời hứa.
Cho đến khi người đó đi rồi, đệ tử mới vội vã chạy đến hỏi thầy: “Thầy ơi, một năm rõ là 4 mùa sao thầy lại nói 3 mùa vậy?”
Khổng Tử cười đáp: “Con không quan sát người vừa nãy toàn thân là một màu xanh à? Anh ta thật ra là một con châu chấu. Châu chấu sinh vào mùa xuân và đến mùa thu là chết, trước giờ anh ta chưa bao giờ thấy được mùa đông. Con nói một năm có 3 mùa anh ta sẽ hài lòng, con nói một năm có 4 mùa hai bên sẽ cãi nhau đến tối cũng chẳng xong. Con chịu thua thiệt một chút, dập đầu cái không có vấn đề gì cả”.
Ở đời, chúng ta gặp gỡ rất nhiều loại người, trong đó có những người có quan niệm sống, lối suy nghĩ và cách hành xử vô cùng ngang trái. Trong bất kỳ vấn đề nào, họ cũng phải thể hiện bản thân là “chuyên gia” và khoe khoang sự hiểu biết ít ỏi của mình. Dù có là bạn bè, người thân đi nữa thì những người đó cũng chỉ biết khăng khăng tự cho bản thân là đúng, không biết tiếp thu ý kiến của người khác chỉ làm cho những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.
Để đối phó với những người như vậy, nên nhớ rằng đỉnh cao của tranh luận chính là im lặng và cho qua.
Những người có lòng bao dung không bao giờ sống trong mắt người khác
Trong Trang Tử có một câu chuyện xưa như thế này:
Có một người tên là Sĩ Khởi Thành, người này nghe rất nhiều lời mọi người tán dương Lão Tử vì thế bèn trèo đèo, lội suối, vượt ngàn dặm xa xôi để đến viếng thăm Lão Tử. Nhìn thấy Lão Tử có vẻ ngoài giản dị, lại sống một mình ở nơi bình thường hắn ta liền tức giận nói: “Người khác nói người là thánh nhân, nhưng ta thấy người chẳng khác gì con chuột”
Lão Tử nghe vậy có chút tức giận trong lòng, nhưng giọng điệu vẫn điềm đạm như nước hỏi hắn: “Tại sao người lại cho là như thế?”
Sĩ Thành Khởi nói: “Nhìn nhà cửa của người, bùn đất trong ổ chuột trộn lẫn với thức ăn và trái cây thừa, những thứ này đều bị vứt ở một bên, tích lũy lương thực nhiều như vậy như lại không bảo quản tốt, như thế này là làm giàu bất nhân, không tiết kiệm”.
Lão Tử nghe vậy nhìn hắn một cái rồi lại cúi đầu tiếp tục đọc sách, hoàn toàn mặc kệ hắn.
Ngày thứ hai, Sĩ Thành Khởi cảm thấy bản thân hơi quá đáng, lại đến nhà Lão Tử để xin lỗi. Lão Tử cười, gật gật đầu, rồi nói: “Người khác nói ta tràn đầy trí tuệ thánh nhân nhưng nội tâm của ta lại không có liên quan đến những danh phận nào. Ngươi mắng ta là heo, chó, chuột cũng không sao, ta vẫn cứ là ta, ngươi nói những gì ngươi nghĩ nhưng điều đó cũng không thể ảnh hưởng đến ta, cũng không thể thay đổi được ta.
Sự khoan dung của Lão Tử khiến cho Sĩ Thành Khởi cảm thấy hổ thẹn.
Ở đời, phàm những người mà người khác nói vài câu đã vội vàng nhảy dựng lên, muốn tranh luận với người khác thì đa phần đều chưa chắc đã thắng bởi đỉnh cao của tranh luận chính là biết lúc nào cần nói, lúc nào không. Người thắng thật sự là người sống trong trái tim của chính mình, tự lo cho bản thân và làm những việc của riêng mình.
Theo SONGDEP