Một kẻ chỉ cần người khác nói nặng lời một tí là đã nổi đóa lên và tấn công người khác chưa bao giờ là người thông minh. Người thông minh thật sự là dù có gặp bất kỳ sự xúc phạm nào cũng luôn điềm tĩnh, luôn mỉm cười để đối đáp lại. Và sự khiêm nhường đó không phải là biểu hiện của nhu nhược mà đó là biểu hiện của một bậc trí giả chí lớn với tầm hiểu biết sâu rộng.
Nhường một bước là trí tuệ
Cổ ngữ nói:” Trong đối nhân xử thế, nhường một bước là cao, lùi một bước là nền tảng để tiến bước. Nhường một bước cho người là hành động sáng suốt”.
Trong cuộc sống, những lúc gặp phải mâu thuẫn, rơi vào tranh chấp, bất hòa nếu ta biết nhường bước đúng lúc ấy là một loại trí tuệ và khí chất của người quân tử. Việc nhường một bước không chỉ giúp giảm đi những tranh cãi không cần thiết, có được một tâm cảnh thuần tịnh, trong sáng mà qua đó còn thể hiện phong thái, nội hàm tốt đẹp của ta.
Người xưa có câu “Ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”, ẩn chứa hàm ý nếu chỉ biết lao vào cắn xé nhau mà không để ý đến những điều khác thì người chịu thiệt chỉ có bản thân mà thôi. Vì thế, chúng ta phải biết lùi một bước, nhường ba phần để bảo vệ chính bản thân mình, đạt được những điều mình muốn. “Kẻ thích tranh chấp, trời đất cũng sẽ ganh đua với họ. Còn những người khiêm nhường, trời đất cũng sẽ mở đường cho họ”, bởi vậy người thông minh trong cuộc sống phải biết lấy lùi làm tiến để dành lấy thắng lợi cuối cùng. Cổ ngữ đã nói: “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, quả thật không sai!
Nhường một bước là cốt cách
Chuyện kể lại rằng, Lận Tương Như bởi vì có công đem ngọc trả lại vua Triệu mà được phong làm Thượng Khanh. Địa vị của Lận Tương Như đột nhiên cao hơn của Liêm Pha (một vị tướng giỏi của nhà Triệu).
Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến lúc vào triều, Lận Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành chức vị với Liêm Pha. Nhiều người thấy khó hiểu bèn hỏi Lận Tương Như. Ông trả lời: “Nước Tần không dám mạo phạm chúng ta là vì nước Triệu có ta và Liêm Pha, nếu bọn ta tranh chấp nhau chẳng phải là tạo cơ hội cho nước Tần hay sao”.
Khi những lời này của Lận Tương Như được truyền đến tai Liêm Pha tướng quân, bấy giờ Liêm Pha tướng quân mới bình tâm suy nghĩ cảm thấy mình vì tranh giành địa vị cá nhân mà không nghĩ đến quốc gia đại sự, thật là không phải. Ông liền đem một cành mận gai đến xin nhận tội và nói: “Ta quả thật là một kẻ hèn mọn, không biết rằng thừa tướng lại bao dung độ lượng như vậy, vì thế ta đến để cảm tạ và nhận lỗi”. Như thấy Liêm Tướng quân đến xin chịu tội, vội vàng đi ra nghênh đón. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt và đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu.
Tầm nhìn của Liêm Pha chỉ ở trong triều đình nhưng tầm nhìn của Lận Tương Như là vận mệnh của đất nước. Do vậy, ông chấp nhận nhường nhịn để có được điều tốt đẹp cho dân tộc, cho đất nước.
Qua câu chuyện xưa ta có thể thấy rằng, khi tầm nhìn của mỗi người khác nhau thì sẽ có cách ứng xử khác nhau. Khi ta đứng trên lầu, ta chỉ có thể nhìn được tầng trệt, nhưng khi ta đứng ở đỉnh núi ta sẽ nhìn thấy cả núi sông. Đời người cũng vậy, có tầm nhìn rộng ta sẽ biết cách ứng xử bao dung và khiêm nhường.
Đối với bậc trí giả, mỉm cười lùi một bước không phải là sợ hãi, khiêm nhường không không đồng nghĩa với nhu nhược. Tiến một bước chưa chắc đã có được điều mình muốn, nhưng lùi một bước chắc chắn sẽ an nhiên. Người càng có hàm dưỡng thì thì càng biết nhường bước. Khi nhìn qua tưởng như bản thân đang chịu thiệt thòi, nhưng thực ra đã thắng được lòng người. Nhường bước là một loại tu dưỡng cũng là một loại cốt cách.
Theo songdep