Câu chuyện “Mẹ nghèo mới rõ lòng con thảo”
Bà Lưu có một người con trai duy nhất tên là Lý Đại Mao. Năm ngoái cậu con trai cưới vợ, sau đó cả hai vợ chồng cùng nhau lên thành phố làm ăn. Do chưa đủ kinh tế mua nhà nên cả hai vẫn phải thuê trọ.
Bà Lưu cũng biết trên thành phố chi tiêu tốn kém, hai vợ chồng trẻ lo ăn uống hằng ngày đã khó nói gì đến tiết kiệm. Vì thương con, muốn đỡ đần con cái nên dù tuổi cao nhưng mỗi ngày bà Lưu vẫn cố gắng gánh ra đi ra chợ bán. Cứ đến cuối tháng, bà Lưu lại gửi 1000 nhân dân tệ ( khoảng 3.6 triệu đồng) lên để giúp hai vợ chồng trẻ tiền thuê trọ.
Nhưng cậu con trai lại bất hiếu, không những không biết ơn mẹ mình mà còn trách bà. Cậu ta nghĩ, con cái nhà người khác kết hôn ba mẹ sẽ mua nhà cho ở sẵn, vậy mà mình kết hôn mỗi tháng mẹ chỉ cho vài đồng trả tiền phòng trọ.
Hai vợ chồng con trai bà Lưu mỗi tháng kiếm được hơn 3000 tệ, nhưng Lý Đại Mao không nói với vợ mỗi tháng mẹ gửi lên 1000 tệ để trả tiền phòng mà nói dối là tiền mình kiếm được. Nhờ thế, mỗi tháng anh ta kiếm được nhiều hơn vợ mình 1000 tệ, rồi tự cảm thấy bản thân giỏi giang hơn vợ.
Còn người vợ, cô từng nói với chồng mình là đón mẹ lên sống cùng. Vì bà ở quê một mình sẽ cảm thấy buồn, hơn nữa ở quê cũng không có việc gì làm chuyển lên đây có thể giúp hai vợ chồng lo chuyện nhà cửa, cơm nước như thế cả hai sẽ có nhiều thời gian hơn để kiếm tiền, sớm tiết kiệm để mua được nhà trong thành phố.
Nghe vợ bảo vậy, Lý Đại Mao nói: “Anh có bảo qua với mẹ rồi, nhưng mẹ bảo mẹ không thích ở chung với người trẻ như chúng ta, bà sợ quan hệ mẹ chồng nàng dâu với em không tốt. Với cả mẹ cũng bảo ở một mình ở quê thoải mái hơn”.
Chớp mắt, hai năm trôi qua, trong hai năm nay ngoại trừ dịp cuối năm Lý Đại Mao dẫn vợ về quê ăn Tết vài ngày và hỏi chuyện sao tháng này mẹ chưa gửi tiền lên thì anh ta chẳng hỏi han gì đến bà Lưu cả. Cách đây không lâu, bà Lưu bị bệnh nên nhờ hàng xóm gọi lên cho con trai “Con à, con tranh thủ về nhà mấy hôm đi, mẹ sợ lần này không qua nổi”.
Thế nhưng, Lý Đại Mao nghe xong thì trả lời với giọng đầy khó chịu: “Mẹ, con bận lắm, không về được. Mẹ tự đến bệnh viện khám đi. Mẹ mới 70 tuổi thôi, chả phải thầy tướng đã phán mẹ sống đến 90 tuổi sao, mẹ lo gì, không có gì nghiêm trọng đâu”.
Thế rồi, chờ ngóng mãi bà Lưu cũng không đợi được con trai mình về. Nửa tháng sau lần gọi điện đó bà Lưu qua đời. Trong những ngày bà Lưu bị bệnh, ông Vương hàng xóm thấy bà không có ai chăm sóc không đành lòng nên bảo con trai mình là Tiểu Vương qua chăm sóc bà. Tiểu Vương là một người hiền lành, thiện lương lại vô cùng hiếu thảo. Nhớ lại lúc nhỏ, mỗi lần bà Lưu có gì ngon đều kêu cậu qua cho nên nghe cha bảo vậy cậu liền đồng ý qua chăm sóc bà Lưu.
Không biết là do bệnh nặng bị lú lẫn hay cố ý, mà trong suốt thời gian bị bệnh bà không gọi anh là Tiểu Vương mà cứ gọi là con trai. Tiểu Vương thấy vậy cũng đồng cảm chấp thuận cách gọi này chỉ cần bà Lưu vui vẻ là được.
Đến ngày cuối cùng trước khi mất bà Lưu gọi tiểu vương vào nhà, cầm lấy tay anh rồi đem căn nhà và mảnh đất giao lại cho anh, nhìn ảnh cười bảo: “Tiểu Vương à, cảm ơn con đã chịu làm con trai của ta mấy ngày qua, cảm ơn con nhiều lắm….”. Nói xong bà Lưu trút hơi thở cuối cùng.
Lý Đại Mao trên thành phố sau khi nghe tin mẹ mất liền vội vã trở về nhà. Sau khi về biết được Tiểu Vương nhà hàng xóm đã thay mình làm tròn hiếu đạo, đem chôn cất bà trên núi thì anh ta chẳng nói gì. Cho đến khi nghe tin ngôi nhà và mảnh đất rơi vào tay Tiểu Vương thì anh ta nổi cơn giận, đi tìm ông Vương để tranh cãi.
Hàng xóm xung quanh nghe tin, truyền tai nhau thì mới biết chuyện Lý Đại Mao bất hiếu, không phụng dưỡng mẹ lúc già yếu, không những vậy bà Lưu lớn tuổi mỗi ngày còn phải gánh rau đi bán để gửi tiền cho con trai… Cứ thế, từng chuyện về phận làm con vô trách nhiệm của Lý Đại Mao lộ ra ngoài. Kết quả ai cũng đứng về phía nhà ông Vương.
Lý Đại Mao cứ nghĩ bản thân như thế là đủ thảm rồi, ai ngờ được khi cô vợ biết chuyện liền cãi nhau một trận với anh ta. Cô không thể ngờ anh lại là một loại người vô ơn, vô nghĩa, bất hiếu như thế. Suy nghĩ nhiều ngày liền, cô liền quyết định ly hôn với Lý Đại Mao. Vì hạng đàn ông như thế thì không thể tin tưởng được, đến mẹ ruột mà anh ta còn chẳng làm tròn phận làm con thì người vợ như cô trông chờ gì được nữa. Thế là Lý Đại Mao cái gì cũng mất, gia sản không còn đến vợ cũng bỏ đi.
Bài học phận làm con từ câu chuyện “Mẹ nghèo mới rõ lòng con thảo”
Chữ hiếu là nền tảng của đạo lý và luân thường của xã hội. Đời người vốn dĩ không có ai là hoàn hảo, không có ai là vạn năng. Cha mẹ sinh ra ta dùng tất cả tình yêu để nuôi nấng chúng ta nên người. Nếu với gia đình giàu có thì điều ấy vô dùng là đơn giản, nhưng với những bậc cha mẹ nghèo thì điều đó khó khăn vô cùng.
Bởi vậy nên phận làm con hãy học cách biết ơn cha mẹ của mình. Đừng bao giờ mở miệng oán trách bố mẹ nghèo không cho mình đủ đầy như người khác.
Đến một độ tuổi nào đó thì con người sẽ không còn khỏe mạnh, minh mẫn như trước đây được nữa. Cha mẹ cũng vậy, rồi cũng sẽ già đi, nói năng lúc nhớ lúc quên, đi đứng, ăn uống đều chậm chạp. Lúc đó bạn hãy nhẹ nhàng với cha mẹ của mình. Hãy kiên nhẫn chăm sóc cha mẹ vì họ đã dành cả cuộc đời này để lo lắng và yêu thương bạn.
Theo songdep