Câu chuyện "Người bạn của cha"
Hồi tôi 15 tuổi, cha tôi mang về một con chó đực. Con chó có bộ lông trắng, đôi mắt màu nâu đen rất đẹp. Năm đó mất mùa đói kém, gia đình tôi phải ăn khoai sắn độn để sống qua ngày. Thế mà lạ lùng lay, con chó cứ lớn phổng phao, lông tơ mượt mà, theo tôi nhìn thì nó nặng cũng phải đến 15kg.
Cũng như bao nhà khác ở quê, những con chó đều không được đặt tên. Mỗi lần muốn gọi chỉ cần “Êu, Êu” là nó xuất hiện, ve vẩy đuôi, miệng thì rít lên những tiếng rên nghe rất dễ thương. Thường ngày, khi không có ai đến nó thường nằm khoanh tròn trong gầm giường, đầu hướng ra phía cửa. Nếu thấy người lạ nó sủa lên vài tiếng để báo hiệu. Còn là người thân quen nó vùng dậy, chạy xông ra vẫy đuôi rối rít rồi kêu lên mừng rỡ.
Từ ngày cha đem con chó này về nhà tôi như được bình an hơn. Cha tôi quý con chó lắm, mấy ngày mưa rét ông lấy một chiếc bao tải quấn quanh mình, giữ ấm cho nó. Còn những ngày hè nóng nực, ông hay mang nó ra ao tắm cho sạch lông. Mỗi lần đi đám về là ông đều nhặt xương mang về cho nó gặm. Thế cha tôi thương nên con chó quyến luyến cha tôi lắm, suốt ngày luẩn quẩn bên ông.
Một hôm, có hai người khách lạ đến nhà tôi hỏi mua chó. Họ nói, họ ở làng bên cạnh, cách làng tôi một cách đồng, ngày mai gia đình họ có đám giỗ cần một con chó để thịt. Cha tôi nghe vậy không muốn bán, nhưng gia cảnh nhà tôi lúc ấy rất nghèo. Cả cha mẹ và bốn anh em tôi bữa nào cũng phải độn khoai sắn để ăn, nhưng cũng chẳng ngày nào được no đủ. Hôm đó, mẹ tôi bàn với cha lâu lắm. Mẹ tôi bảo “Người chẳng có mà ăn, lấy đâu ra cơm nuôi chó mãi?”. Mẹ nói thể cũng đúng, nếu tiếp tục nuôi nhà tôi thật không còn gì để cho nó ăn, dù rằng con chó cũng vô cùng dễ ăn. Nó chỉ ăn vài cọng rau thừa, dăm bảy cái vỏ khoai lang, mấy cái xương lõi sắn và vài hạt cơm rơi vãi quanh mâm, hoặc bất cứ thứ gì ăn được mà mọi người cho phép.
Đến khi mẹ thuyết phục được cha miễn cưỡng đồng ý bán con chó đi thì tự nhiên nó chạy đi đâu mất. Tôi nghĩ thầm “Chẳng lẽ con chó này hiểu được tiếng người?”. Chúng tôi chia nhau ra tìm kiếm mọi xó xỉnh xung quanh nhà, thậm chí chạy khắp làng nhưng chẳng thấy nó đâu. Cho đến khi cha tôi nước mắt lưng tròng, lên tiếng gọi thì nó mới từ trong đống rơm phía sau chuồng lợn chui ra ngoài. Thấy nó, người ta liền lấy cái chày giã gạo chẹn cổ nó xuống, trói mõm và bốn chân của nó lại. Con chó tội nghiệp kêu rên ư ử, hai mép sùi bọt, tôi nhìn mà không kìm được nước mắt. Cha tôi ôm lấy nó khóc. Nhìn bộ dạng cha tôi khi ấy, thương lắm. Lúc đó, tôi nghĩ đến lão Hạc, có lẽ khi lão bán cậu Vàng cũng như cha tôi bây giờ vậy….
Người ta đưa tiền cho mẹ rồi dùng đòn ống kiêng nó đi. Cha tôi dõi mắt nhìn theo mãi, đến khi nó khuất bóng thì cha quay người đi vào, buồn bã nằm lên giường, tay trái vắt ngay qua trán, tay phải để lên bụng và tiếng thở dài không ngớt….
Chiều hôm đó, cha tôi bỏ ăn. Mẹ tôi thấy thế thì bảo, nó chỉ là một con chó việc gì ông phải tiếc quá như vậy, nếu muốn thì mua con khác về mà nuôi. Cha tôi không nói gì, ông cứ nằm im như người bị bệnh nặng.
Đêm đó, trời tối đen như mực, cả nhà thôi ngủ yên chỉ có cha tôi nằm thao thức. Thỉnh thoảng ông trở dậy bật diêm hút thuốc… Vào khoảng 2-3 giờ sáng, cha tôi là người đầu tiên phát hiện ra có tiếng động rất lạ ở vách cửa. Cha tôi im lặng lắng nghe, ông nghĩ “Chẳng nhẽ đêm đầu tiên không có con chó giữ nhà đã có trộm? Mà nhà mình thì có gì để mà trộm?” Nhưng chỉ một phút sau, theo linh tính mách bảo ông biết con chó đã trở về. Nó cào mạnh vào cửa, kêu rên ư ử như cầu cứu. Cha tôi bật dậy, kéo cửa ra, con chó mừng rỡ nhảy sổ vào nhà.
Mẹ tôi nghe tiếng động, trở dậy thắp đèn. Tội nghiệp con chó, cổ nỏ còn nguyên một vòng xích sắt có khóa nối với đoạn dây thừng lớn đã bị nó cắn đứt kéo lê theo. Cả người nó dính đầy bùn đất, chắc nó đói lắm hai bên sườn xẹp lại dính sát vào nhau. Cha tôi thấy thế vào trạn lấy bát cơm của ông còn từ chiều hôm trước, rồi trộn với ít tương cho nó ăn. Lạ lùng thay con chó đói gần chết và lại là lần đầu ăn một bát cơm ngon như thế nên nó ngước mắt nhìn cha tôi, như nghi ngờ, vừa ngần ngại…. Rồi một lúc sau, nó cúi đầu xuống ăn. Cha tôi vuốt ve nó rất lâu, rồi cho nó vào gầm giường, sau đó ông nằm lên giường và chìm vào giấc ngủ bình thản, ngon lành.
Sáng hôm sau, hai người mua chó quay trở lại nhà tôi, con chó hình như đánh hơi được trước nên nó trốn mất biệt. Cha tôi ra trả tiền lại cho hai người mua chó. Từ tối hôm qua cả nhà tôi hiểu rằng dù có phải chết đói cha tôi cũng chẳng bao giờ bán nó cho ai nữa.
Từ hôm đó, nhà tôi để tâm chăm lo cho con chó nhiều hơn. Cha tôi dù bữa cơm ông phải ăn khoai là chính nhưng ông vẫn luôn dành cho con chó một nửa bát. Con chó hình như cũng hiểu được, nó nhút nhát và cảnh giác với tất cả mọi người nhưng riêng với cha tôi nó vẫn cứ luẩn quẩn bên ông như hình với bóng. Có mấy hôm ông đi làm xa, thế là nó nằm ở thềm nhà cả ngày ngóng ra cổng, đến khi cha tôi về thì nó nhảy xổ ra, quẩy đuôi mừng rối rít.
Hai năm sau, kinh tế gia đình tôi đã khá giả hơn so với trước. Con chó cũng lớn hơn, khỏe ra, mượt mà, rất đẹp. Nó vẫn cứ thế, theo sát cha tôi không rời một bước, trở thành người bạn của cha tôi. Vào một buổi trưa cuối hè, cha tôi ra sông để vớt lục bình về làm phân xanh. Không ai nghĩ rằng dưới con sông ấy lại có một con trăn hoang to như một cây tre bương, dài cỡ 3m.
Hôm đó, cha tôi lội dưới bùn bớt những đám bèo dày đặc vứt lên bờ. Đến gần gốc một cây vạy ông nhìn thấy đuôi một con trăn lớn thò ra. Cha tôi quyết định bắt sống hoặc đánh chết con trăn này. Nghĩ là làm, ông chộp lấy đuôi con trăn rồi đạp hai chân vào gốc cây, kéo con trăn ra ngoài. Con trăn bị lôi ra khỏi hang nhanh như một tia chớp, con trăn cong người cắn chặt vào bắp chân cha tôi. Ngô ngã ra bờ rông, kêu lên một tiếng sợ hãi. Lúc đó con không kịp sủa một tiếng nào, nó nhảy bổ vào cắn vào cổ con trăn. Con trăn quật mình quấn chặt lấy thân con chó, chỉ bằng một cú núc nó làm con chó gãy đôi xương sống. Thế nhưng, mõm con chó vẫn cắt chặt cổ con trăn. Cha tôi ý thức được sự nguy hiểm, ông vớ lấy con dăm quắm mang theo nhằm vào đầu con trăn chém mạnh. Con trăn chỉ quằn quại được một lát nữa thì mềm nhũn ra và bất động.
Cha tôi cứ để máu ở chân chảy ròng ròng, ông quay ra cố gỡ mõm con chó ra khỏi cổ con trăn, ông ôm chặt nó vào lòng. Nhìn con chó thân hình ướt sũng, bê bết bùn, mềm ẹo, mắt nhắm nghiền, cha tôi bật khóc. Ông nghĩ nó đã chết. Ông mang nó về nhà, tắm sạch sẽ cho nó rồi để nó nằm vào một cái nong đặt cuối thềm. Ông bảo tôi đi kiếm thùng gỗ nào đó để bỏ nó vào đem chôn. Cha tôi nhấc nó lên, định cho nó vào hòm thì mắt nó mở ra, chớp chớp nhìn cha tôi. Cha tôi mừng quá, sai tôi chạy ngay đi tìm ông lang Tá về băng bó cho nó. Lo cho nó xong xuôi thì cha mới thấy đau ở bắp chân, ông bèn ngồi xuống thềm đê rông lang rửa sạch, sát trùng rồi băng bó vết thương.
Buổi chiều, ông bảo mẹ tôi nấu một nồi cháo gạo rồi đập 2 quả trứng vào quậy đều. Sau đó, múc ra tô chờ nguội và vuốt ve dỗ dành cho con chó ăn. Nó nằm im, đôi mắt ươn ướt nhìn cha tôi. Nó mệt nên không ăn một miếng nào. Cả xóm đem con trăn làm thịt ăn, ai cũng khen con chó khôn quá nhưng không ai tin là nó có thể sống. Nhiều người thậm chí còn bảo mẹ tôi đem con chó ra thịt chứ để nó chết thì phí quá. Chỉ riêng cha tôi không nghĩ thế, ông luôn tin rằng nó sẽ sống cùng ông. Và nếu nó có chết thì ông sẽ đem nó chôn như một con người.
Khoảng 2 tháng sau, với sự chăm sóc của cha tôi con chó đã bình phục một cách thần kỳ. Nhưng vì xương sống của nó bị gãy nên hai chân sau hoàn toàn bị liệt. Mỗi lần đi nó chỉ dùng hai chân trước chống xuống đất và lết trên đầu gối của hai chân sau. Điều làm cả nhà tôi ngạc nhiên là từ khi con chó đi được theo kiểu lê lết thì nó chỉ gặp khó khăn trong khoảng tháng đầu, rồi sau đó nó đi nhanh không kém gì những con chó bình thường.
Từ dạo đó, người bạn của cha được cha tôi cưng như con vậy. Một số cơm đạm bạc của ông lúc nào cũng được chia làm đôi cho nó. Con chó rất khôn, nó quấn quýt cha tôi, liếm láp tay chân không muốn rời nửa bước. Ban đêm ông nằm ngủ, nó nằm dưới giường, hình như chỉ có như thế thì cả hai mới yên tâm ngủ.
Cuộc sống cứ như vậy trôi đi, cho đến tháng 2 năm 1959 nhà tôi có đại tang. Cha tôi bị bệnh nặng rồi qua đời. Tôi còn nhớ như in hôm đưa ma cha tôi, trời mưa tầm tã, rét lắm. Anh chị em, chú bác, cô dì trong dòng họ ai cũng khó như mưa. Nhưng không mấy ai để ý trong dòng người đông đúc đó, con chó bị liệt cũng có mặt. Nó ướt sủng, rét run lẩy bẩy nhưng vẫn cố lết trên đôi chân liệt để đi theo dòng người đưa tang. Không ai để ý con chó lết ra rồi lết về nhà như thế nào. Chỉ đến khi trời tối mịt, thắp đèn lên tôi mới tìm thấy nó nằm trong gầm giường, bộ lông hãy còn ẩm ướt, đôi mắt nó cứ buồn rầu khó tả. Nó cứ nằm đó, nhìn về một hướng như một cõi mơ hồ nhưng xa xăm nào đó…
Sáng hôm sau, cúng cơm cho cha tôi, chúng tôi gọi nó ra ăn nhưng không thấy nó trong gầm giường nữa. Nó đã lết ra đầu thềm tự khi nào, nằm quay đầu ra cổng để nóng chờ cha tôi trở về. Tôi bế nó vào nhà, dỗ dành cho nó ăn nhưng nó tuyệt nhiên không đụng vào. Tôi bèn bế nó đặt trở lại gầm giường nhưng nó không chịu, lại lết ra đầu thềm nằm ngóng ra cửa…
Sau hơn một tuần lễ con chó nhịn ăn như thế nó gầy rộc đi. Rồi một buổi sáng tinh mơ, chúng tôi ra nghĩa trang thắp nhang và đặt tấm bia đá lên trên mộ cha. Tất cả mọi người đều kinh ngạc đến mức không còn tin vào mắt mình con chó đã nằm chết trên mộ cha tôi tự bao giờ. Hai chân trước chồm ôm lấy ngôi mộ, hai chân sau bại liệt như đang quỳ, cơ thế nó cứng đơ, đôi mắt nhắm nghiền, thanh thản nhưng dường như đôi mắt nó vẫn còn hơi ươn ướt…
Chúng tôi trở về nhà, đóng một cái hòm gỗ, khâm liệm cho con chó tử tế và đem nó chôn dưới chân mộ cha tôi. Tôi cắm mấy nén nhang lên ngôi mộ nhỏ bé này, lòng miên man nghĩ ngợi : Không biết giờ này, linh hồn cha tôi có đang gặp “người bạn của cha” ở trên cõi cực lạc không. Nếu có gặp lại, chắc cha tôi sẽ vui lắm… cả con chó nữa, chắc nó cũng sẽ vui.
Theo songdep