Câu chuyện “Tiền và đạo đức”
Câu chuyện này xảy ra từ hơn 30 năm trước. Vào một buổi tối mùa đông lạnh giá tại Washington D.C, vợ của một doanh nhân giàu có bất cẩn làm rơi chiếc túi da tại một bệnh viện. Sau khi biết chuyện thì vị doanh nhân này vô cùng lo lắng. Bởi vì bên trong túi sách không chỉ có 100 ngàn đô mà còn chứa tài liệu thị trường vô cùng cơ mật. Ông vội vã lái xe đến viện ngay lúc nửa đêm.
Sau khi dừng xe, chạy vào bệnh viện thì ông thấy một cô bé gầy còm đang ngồi ở hành lang, trên tay cô bé đang ôm chặt chiếc túi da mà vợ ông bị mất. Trời khi đó rất lạnh, cô bé ngồi dựa vào tường, người run lên cầm cập.
Cô bé ấy tên là Chiada, em ở bệnh viện để chăm người mẹ đang bị bệnh nặng. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày, mẹ bị bệnh nên họ đã bán mọi thứ trong nhà đi nhưng cũng chỉ đủ để trả tiền viện phí cho đêm nay. Đến mai, hai mẹ con em sẽ phải xuất viện.
Vào buổi tối, Chiada nghĩ đến việc mẹ bệnh nặng mà nhà lại không còn tiền để nằm viện nên bất lực đi đi lại lại ở hành lang, nước mắt giàn dụa cầu xin Thượng Đế ban một phép màu để mẹ mau khỏe lại. Vừa lúc đó, một người phụ nữ đi từ trên lầu xuống, bỗng chiếc túi da từ túi xách bị rơi ra ngoài, nhưng do trên tay còn đang cầm thứ khác nên người phụ nữ không biết mà vẫn đi tiếp.
Lúc đó, ở hành lang chỉ có một mình Chiada, thấy vậy cô bé liền chạy lại nhặt chiếc túi da và vội vàng đuổi theo người phụ nữ ra cửa. Thế nhưng, khi cô bé chạy tới cửa bệnh viện thì người phụ nữ kia đã lên một chiếc xe hơi sang trọng đi mất.
Chiada không biết làm thế nào bèn quay lại phòng bệnh để kể cho mẹ nghe. Khi mở chiếc túi da ra để tìm danh tính người phụ nữ kia thì hai mẹ con đều sửng sốt. Bởi trong túi da có xấp tiền 100 ngàn đô, đây là số tiền quá lớn đối với họ và rất có thể nó sẽ chữa lành bệnh cho người mẹ. Nhưng mẹ của Chiada bảo con gái hay mang chiếc túi da đến hành lang đợi người mất đến nhận lại.
Sau khi nghe Chiada kể lại chuyện túi xách thì vị doanh nhân đã rất cảm kích cả hai mẹ con. Để tỏ lòng biết ơn vị doanh nhân đã cố gắng chạy chữa cho mẹ Chiada, nhưng bà vẫn không qua khỏi cơn bạo bệnh. Vì thương cho hoàn cảnh của Chiada nên vị doanh nhân kia đã nhận nuôi cô bé và cho em đi học.
Kể từ sau đó, công việc của vị doanh nhân ngày càng phát triển, không lâu sau ông đã trở thành vị tỷ phú giàu có. Về phần mình, sau khi tốt nghiệp Chiada đã đến giúp đỡ ông quản lý công ty. Nhờ vào sự thông minh và những kinh nghiệm học từ vị cha nuôi của mình mà Chiada nhanh chóng trở thành một doanh nhân thành công, đứng vững trên thương trường.
Thời gian trôi qua, đến một ngày khi vị doanh nhân biết mình sắp qua đời nên ông đã để lại một bản di chúc: “Trước khi quen biết mẹ con Chiada tôi luôn nghĩ mình là một người giàu có. Nhưng khi đứng trước hai mẹ con họ, những người nghèo khổ không có đủ tiền để chữa bệnh nhưng vẫn nhất quyết trả lại 100 ngàn đô, lúc đó tôi mới nhận ra họ mới chính là những người giàu có nhất. Bởi, dù trong hoàn cảnh nào họ cũng luôn giữ một tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Đây chính là điều mà người làm doanh nhân như tôi thiếu nhiều nhất. Tiền của những người doanh nhân như tôi hầu hết đều đến từ sự tranh giành, tâm kế trên thương trình. Và chính họ đã khiến tôi hiểu được nguồn vốn lớn nhất của đời người chính là phẩm hạnh.
Tôi nhận nuôi Chiada không phải là trả ơn hay thương hại như mọi người vẫn nghĩ. Mà đó là mời về một tấm gương làm người. Có cô bé bên cạnh, trên thương trường tôi luôn giữ được chừng mực việc gì nên làm, việc gì không, tiền nào nên lấy, tiền nào không nên. Việc hiểu rõ được tiền và đạo đức sẽ chính là sự đảm bảo vững chắc cho công ty phát triển vững mạnh và trường tồn.
Sau khi tôi ra đi, toàn bộ gia sản của tôi sẽ để lại cho Chiada thường kế. Đây không phải là quà tặng mà vì tôi muốn sự nghiệp của mình sẽ phát triển hơn nữa. Và tôi tin rằng, con trai sẽ hiểu được tâm ý của tôi”.
Sau khi người con trai đọc xong bản di chúc không những không tức giận mà còn ký tên vào văn bản thừa ký với nội dung “Tôi đồng ý để Chiada là người thừa kế toàn bộ tài sản của bố mình. Chỉ mong cô ấy có thể làm vợ tôi”. Chiada suy nghĩ một lúc rồi cũng cầm bút ký tên “Tôi chấp nhận toàn bộ tài sản mà cha nuôi để lại, bao gồm cả con trai ông”.
Bài học từ câu chuyện “Tiền và đạo đức”
Từ câu chuyện tiền và đạo đức ở trên ta có thể thấy rằng, để kinh doanh thành công, vững mạnh và trường tồn thì người doanh nhân không chỉ biết có tiền mà bỏ qua đạo đức.
Trong kinh doanh đạo đức vô cùng quan trọng, thậm chí nó còn là nền tảng để biết doanh nghiệp đó có phát triển và tồn tại lâu dài được hay không. Đạo đức kinh doanh chính là cơ sở để xây dựng lòng tin, sự gắn kết và trung thành của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, bảo đảm từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp có những ứng xử đúng chuẩn mực đạo đức, qua đó không ngừng nâng cao hình ảnh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Sự tồn vong, phát triển cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp chính là do người tiêu dùng quyết định, do đó doanh nghiệp muốn đạt được tỷ suất lợi nhuận cao và thành công bền vững thì phải xây dựng được nền tảng đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
Theo songdep