GTHN - Dưới đây là 4 dấu hiệu lớn cho thấy ngân sách của bạn không tốt và đã đến lúc bạn phải thực hiện một số sửa đổi nhằm có được ngân sách phù hợp hơn, tiết kiệm hiệu quả hơn và ngày càng đến gần với mục tiêu tài chính.
Lập ngân sách là một phần quan trọng trong việc việc quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan, giúp bạn giữ lại được nhiều nhất những đồng tiền của mình. Tuy nhiên, sự thật là không phải ngân sách nào cũng thực sự giúp mọi người đạt được mục tiêu tài chính của họ .Dưới đây là 4 dấu hiệu lớn cho thấy ngân sách của bạn không tốt và đã đến lúc bạn phải thực hiện một số sửa đổi nhằm có được ngân sách phù hợp hơn, tiết kiệm hiệu quả hơn và ngày càng đến gần với mục tiêu tài chính.
1. Bạn thường xuyên vượt quá ngân sách
Nếu bạn không tuân theo các giới hạn chi tiêu của mình, ngân sách của bạn khi đó giống như một danh sách những điều bạn muốn, một con số nào đó trong mơ bạn muốn thực hiện được, không phải thứ thực tế bạn bám sát hàng tháng. Lúc này, ngân sách đang không thực hiện được nhiệm vụ của mình là đảm bảo bạn đang sử dụng tiền một cách khôn ngoan nhất để hướng tới mục tiêu.
Trong trường hợp bạn luôn thấy mình vượt quá ngân sách, điều tốt nhất nên làm là tìm hiểu lý do vì sao. Bạn đã đặt ra những mục tiêu không thực tế cho bản thân? Bạn có đang chi tiêu quá nhiều hoặc không theo dõi chi tiêu của mình một cách chặt chẽ? Tìm ra lý do khiến bạn bội chi rất quan trọng để bạn thực hiện các bước thay đổi và có được ngân sách hợp lý hơn.
Nếu bạn thấy ngân sách của mình đã không còn phù hợp, hãy xem xét để sắp xếp lại mọi thứ từ đầu. Bạn cũng có thể xem xét đến việc lựa chọn một cách tiếp cận khác, chẳng hạn như lập ngân sách bằng phong bì, trong đó bạn đặt một lượng tiền mặt nhất định cho từng loại chi tiêu vào một phong bì và ngừng chi tiêu ngay khi tiền trong phong bì hết. Có rất nhiều phương pháp lập ngân sách hiệu quả và hãy chọn loại phù hợp nhất với mình.
2. Bạn lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn
Điều chúng ta hướng đến là chi tiêu hợp lý, không phải sống một cách khổ sở. Một ngân sách tốt và lý tưởng nên bao gồm một số tiền nhất định cho những cuộc mua sắm hay hoạt động giải trí có ý nghĩa với bạn. Nếu không chủ động xây dựng những khoản đó, bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn, thậm chí là ngột ngạt và khó có thể gắn bó lâu dài với ngân sách đó. Cũng giống như việc ăn kiêng, khi bỏ đói bản thân, ép mình vào một chế độ quá khắc nghiệt, bạn hoàn toàn có thể bị phản tác dụng và ăn nhiều hơn bình thường để bù lại. Việc xây dựng ngân sách không hợp lý có thể dẫn bạn đến bội chi.
Nếu ngân sách của bạn khiến bạn cảm thấy như mình không bao giờ được hưởng bất kỳ điều vui vẻ nào, không có một chút tiền nào để chi tiêu theo mong muốn, hãy xem xét lại và sắp xếp cho mình một khoản tiền nhỏ để làm những điều mình thích.
3. Bạn phải đối mặt với rất nhiều khoản chi chưa dự trù
Nếu bạn thường xuyên thấy mình phải đối mặt với những khoản chi bất ngờ thì rất có thể ngân sách của bạn chưa đủ toàn diện. Bạn đã chưa tính đến các chi phí thông thường có khả năng phát sinh.
Ví dụ: Những thứ như quà tặng ngày lễ và sửa chữa nhà cửa không phải là điều nên khiến chúng ta bất ngờ vì chúng ta đều biết rằng rồi sẽ có khoản chi đó. Vì vậy, hãy dành chỗ cho nó ngay từ khi bạn lập kế hoạch và dần tiết kiệm cho chúng.
Nếu bạn đang rơi vào tình huống này, đừng lo lắng vì chúng ta sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề. Hãy xem lại bảng sao kê thẻ tín dụng của bạn trong 6 tháng qua hoặc sổ ghi chép chi tiêu của bạn và lập danh sách về mọi chi phí định kỳ. Sau đó, tìm ra số tiền bạn cần chi mỗi tháng cho những khoản đó để luôn chủ động hơn, không bị bất ngờ và phá hỏng ngân sách.
4. Bạn thất vọng với số tiền mình tiết kiệm được
Ngân sách là thứ sẽ giúp bạn hoàn thành các mục tiêu, bao gồm tiết kiệm tiền cho những trường hợp khẩn cấp và cho tương lai.
Trong trường hợp bạn luôn cảm thấy thất vọng với số tiền bạn mình dành dụm được cho mục tiêu dù có lập ngân sách, đã đến lúc bạn cần quay lại và làm mọi thứ từ đầu. Hãy quyết định số tiền bạn muốn tiết kiệm (con số lý tưởng là khoảng 20% thu nhập của bạn) và sau đó tính toán các con số còn lại để bạn có thể hoàn thành được mục tiêu đó.
Ví dụ: Nếu thu nhập của bạn sau khi trừ đi các khoản thuế phí là 20 triệu đồng mỗi tháng và bạn muốn tiết kiệm 2 triệu đồng, hãy coi 2 triệu đồng này như một chi phí bạn phải trả hàng tháng như tiền thuê nhà hay những thứ cần thiết khác. Sau khi đã gửi tiền tiết kiệm cũng như trả các hóa đơn quan trọng khác, hãy chia số tiền còn lại thành các loại chi tiêu tùy ý khác nhau mà bạn muốn. Trả tiền cho bản thân trước chính là lối suy nghĩ giúp bạn tiết kiệm hiệu quả.
Những thay đổi này trong ngân sách sẽ góp phần giúp bạn tạo ra một ngân sách phù hợp hơn. Đó là khi bạn vừa có thể tận hưởng cuộc sống của mình, vừa đảm bảo có thể hoàn thành các mục tiêu của mình trong tương lai.
Theo Vietgiaitri