Câu chuyện “Để dành đến tết”
Tết của ngày xưa cái gì cũng để dành đến tết. Vào vụ lúa đông xuân, trên thửa ruộng bố tôi cũng dành diện tích bằng hai cái chiếu, đem cấy mấy bó mạ thuộc giống lúa gạo dự. Ông bảo là để ngày tết còn có bát cơm cúng gia tiên, thế mới hả lòng hả dạ.
Tầm tháng 10 âm lịch mẹ tôi cũng chọn trong đàn gà lấy 2 con gà trống đem thiến. Bà dặn chúng tôi phải chăm sóc hai con gà này để dành đến tết còn có miếng thịt gà trống mà ăn.
Trước ngày tết ông công ông táo nhà tôi tát cao, bắt được mấy con cá quả to bằng cổ nhân, thế là bố tôi lại quyết định để dành đến tết làm mấy món cá quả om rau cần thì tuyệt. Không phải nhà nào cũng giống nhà mình đâu.
Tôi nhớ hai thằng gà trống thiến vào tầm tháng chạp âm lịch đã được nhốt riêng. Bọn chúng được nuôi bằng cơm, ngô, thậm chí ăn cả củ hành để chờ đến Tết. Con lợn dự định mổ ăn tết cũng được tăng thêm khẩu phần ăn là cám và bèo. Cả đến mất cái mộc nhĩ sống ký gửi trên cái cọc mục ngoài vườn cũng được treo trên gác bếp để dành đến tết.
Càng ngẫm tôi lại càng thấy rưng rưng khi biết rằng để có cái tết ấm no hơn mọi ngày những người nông dân như cha mẹ ông bà chúng ta đã phải chắt chiu, tần tảo cả năm trời.
Những ngày áp tết từ người già đến con trẻ ai cũng tất bật. Người già nhất là các lão ông lo toan việc lau dọn bài trí bàn thờ gia tiên, nhắc nhở các con tranh thủ chạp mộ gia tiên để còn mời các bậc tiền nhân về ăn tết với gia đình. Các lao động chính trong nhà thì suốt ngày có mặt ngoài đồng với các công việc bừa ruộng, gánh phân, nhổ mạ, cấy lúa,… Mẹ tôi bảo cây mạ ấm rễ trên đất ruộng thì mới yên tâm mà ăn tết. Còn bọn trẻ chúng tôi cũng bận ra trò với biết bao nhiêu là chờ đợi và mong mỏi. Chúng tôi chờ ngày được nghỉ học, chờ ngày tấm áo mới mẹ mua cho để diện Tết, mong tiền mừng tuổi sẽ được nhận để dành mua pháo tép nhiều hơn, “hoành tráng” hơn nhà chúng bạn,…
Rồi tết cũng đã đến không phải lúc sang canh mà là lú
c con lợn kêu eng éc khi bị cắt tiết. Một không khí no đủ, đầy đầm ấm rộn ràng bao phủ lên làng trên xóm dưới. Những tiếng cười nói cứ râm ran trong mà sương đặc. Khi mặt trời soi tỏ mặt người thì con lợn cũng đã gần làm xong. Mọi người làm sớm như vậy để có thịt làm nhân bánh chưng. Bố mẹ tôi tay cầm dao, tay cầm thớt nhanh thoăn thoắt cắt các phần thịt ra cho từng món. Nhân bánh chưng, nồi thịt đông, phần thịt để hôm sau nấu cỗ ba ngày Tết. Coi chừng mẹ tôi với vai trò quan trọng trong đống thịt mỡ rán để ra giêng có tí mỡ xào rau và những dẻ sườn băm nhừ với muối để ra giếng có cái mà gắp. Tần tảo và chắt chiu hơn ai hết so với mọi người khác trong họ ngoài làng.
Mâm cỗ cúng tất niên được trịnh trọng dân lên bàn thờ hôm nay thật thịnh soạn. Có món lòng sốt, đĩa thịt gà sống thiến vàng ươm béo ngậy vừa được chặt to đơm xếp đầy đặn, chiếc bánh chưng vừa luộc xong còn thơm mùi lá dong. Còn bao món xào món nấu mà ngày bình thường không có. Điều ấn tượng đối với tôi khi mở nồi cơm cúng ra thì mùi thơm từ gạo dự nguyện mùi thơm của nén hương lan toả khắp nhà, thơm ra đầu ngõ. Kể từ hôm nay trên bàn thờ đèn hương nghi ngút đến ngày hóa vàng. Chưa bao giờ con cháu nhớ về các bậc tiền nhân, nhớ về cội nguồn như những ngày Tết.
Sau ba tuần hương được hạ lễ. Lúc này cả nhà quây quần bên bữa ăn tất niên. Bây giờ mệt tôi là người hạnh phúc nhất. Bà nhanh tay gắp thức ăn mời bố tôi và gắp bỏ vào bát cho mỗi đứa cháu với câu dặn ân cần “ Đói quanh năm thì phải no ba ngày Tết. Ăn đi các con, các cháu”. Lời mẹ dặn theo tôi đi hết cuộc đời