Câu chuyện “Nghệ thuật khen trước lời chê”
Calvin Coolidge là tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ. Ông ít nói nhưng bản tính hài hước, hơn nữa lại còn rất giỏi áp dụng nghệ thuật khen trước lời chê trong giao tiếp, đại ý là dùng biện pháp khen để phê bình người khác một cách ý nhị, tinh tế và đầy thông minh.
Nữ thư ký xinh đẹp của Calvin Coolidge rất nhanh nhẹn nhưng lại thiếu tính cẩn trọng trong công việc. Vì thế, Calvin Coolidge muốn giúp cô ấy làm tốt hơn vai trò của mình.
Một buổi sáng nọ, nữ thư ký đến trình công văn cho Calvin Coolidge. Ông liền cười nói với cô: “Hôm nay cô mặc chiếc váy này thật là đẹp, rất phù hợp với người có vóc dáng xinh đẹp như cô”.
Nhận được lời khen ngợi từ Tổng thống, nữ thư ký vừa mừng vừa lo nhưng trong thâm tâm cũng rất phấn khích.
Nhưng ngay sau đó, Calvin Coolidge nhìn cô cười mỉm rồi đổi giọng nói tiếp: “Đừng kiêu ngạo nhé, tôi tin rằng cô có thể xử lý các tài liệu này cũng đẹp như cô vậy”
Nữ thư ký nghe vậy liền hiểu ngay lời nói của Tổng thống, khen chỉ là bước đệm còn phê bình mới là mục đích chính của ông. Lúc này, khuôn mặt cô ửng hồng nhưng trong lòng thì không hề cảm thấy khó chịu, ngược lại cô còn cảm thấy vui mừng khi nghe lời phê bình từ Tổng thống Calvin Coolidge.
Từ đó về sau, cô luôn đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu trong công việc và không bao giờ mắc lại những sai lầm tương tự như thế khi xử lý các công văn nữa.
Bạn của Calvin Coolidge biết về việc ông dùng nghệ thuật khen trước lời chê trong giao tiếp hằng ngày, thậm chí là trong công việc rất linh hoạt và đem lại nhiều lợi ích nên hỏi ông ấy: “Biện pháp này thật hay làm sao mà bạn nghĩ ra được vậy?”
Coolidge nghe vậy liền nói: “Nó rất đơn giản. Bạn đã bao giờ thấy một thợ cắt tóc cạo râu cho ai đó chưa? Họ luôn bôi một chút xà phòng nước lên trên trước chỗ cần cạo, họ làm vậy vì điều gì? Chính là vì không muốn người khác bị tổn thương”
Quả là một cách ví von ấn tượng. Phê bình người khác và cạo râu là hai việc khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau đến kỳ lạ. Bôi xà phòng trước thì cạo râu sẽ không gây ra đau rát, lời khen chân thành mang theo ẩn ý phê bình lại rất dễ khiến người nghe tiếp nhận và vui lòng làm theo.
Bài học từ câu chuyện “Nghệ thuật khen trước lời chê”
Thông qua câu chuyện của Tổng thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge ta có thể rút ra cho mình một bài học lớn về giao tiếp.
Nếu như khen là sự biểu dương cái tốt, cái người khác đã làm được khiến họ cảm thấy vui vẻ, được ghi nhận và động viên, khích lệ thì phê bình lại thường đề cập đến điểm chưa được, điểm thiếu sót, hạn chế của người khác.
Theo tâm lý chung của con người: ai cũng thích được khen và không ai muốn bị phê bình. Vì vậy lời phê bình thường khiến người đón nhận nó không cảm thấy vui, nhất là khi bạn không biết cách phê bình khéo léo, tế nhị, ý tốt của bạn sẽ bị hiểu lầm, lời phê bình trở thành lời tuyên chiến mở đầu cho một cuộc xung đột mà nếu không cẩn thận nó sẽ phá vỡ mối quan hệ bấy lâu bạn gây dựng.
Nhưng trong thực tế đôi khi bạn sẽ cần phải phê bình người khác trên tinh thần giúp họ nhận ra điểm sai, điểm thiếu sót của mình để mà sửa chữa và thay đổi (phê bình tích cực).
Để làm được điều này bạn nên áp dụng nghệ thuật “Khen trước, chê sau”, cách phê bình này thường xuất hiện ở những người khéo ăn khéo nói. Ví dụ trước khi phê bình ai đó bạn sẽ thường có lời khen, ghi nhận những gì mà họ đã làm được kiểu như: Mẹ biết là con đã rất cố gắng nhưng…; Anh/chị đã rất cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao nhưng trong lần này tôi rất lấy làm tiếc…; Hoặc trong các cuộc họp nhận xét, kiểm điểm (báo cáo cuối năm, hội đồng chấm luận văn, luận án) ta thường dễ bắt gặp những lời nhận xét ưu điểm, sau đó đến nhược điểm, những cái chưa làm được cần sửa chữa…Cách phê bình này khiến người bị phê bình cảm thấy được an ủi phần nào vì dù sao trước khi nghe những lời không vui họ đã được “xoa dịu bằng những lời có cánh”.