Người luôn túc trực, bên cạnh khi con sinh nở chính là bà ngoại. Kể từ khi biết con có tin vui, tuần nào, tháng nào mẹ cũng gửi cả đống đồ ra cho hai mẹ con bồi bổ. Có gì ngon mẹ cũng dành dụm cho cháu nhỏ trong bụng con gái mình. Mẹ còn cẩn thận nhắc nhở đủ thứ, nào là ăn cái này tốt, tránh ăn cái kia, giữ gìn sức khỏe ra sao… Con gái mang bầu nhưng bà ngoại còn lo lắng, sốt sắng nhiều hơn.
Ngày con sắp sinh con, dù đêm hôm khuya khoắt, mẹ vẫn cố bắt chuyến xe cuối cùng lên thành phố với con gái và cháu ngoại. Suốt đêm ở trong viện, nhìn con đau mẹ lại càng xót nhưng vẫn cố gắng an ủi, động viên. Ngày trước sinh con mẹ cũng thế. Nghe mẹ nói mà lòng rưng rưng vì mẹ cũng từng vất vả như thế. Người xưa nói quả không sai, chỉ đến khi sinh con mới hiểu được lòng cha mẹ.
Người đầu tiên bế cháu ra từ phòng sinh chính là bà ngoại. Nhìn cháu, mẹ khóc không thôi, không ngừng hỏi bác sĩ con gái có sao không. Chỉ khi biết cả con và cháu đều khỏe mạnh, mẹ mới thở phào nhẹ nhõm, quay ra nựng yêu cháu: “Giống của bà, bà nhìn cái là nhận ra ngay!”
Vì con sinh mổ nên sữa chưa về, vết mổ lại đau. Đêm nào cũng thế, mẹ bế cháu ngồi trên giường, nhìn con đau mà ứa nước mắt. Mẹ thay con chăm cháu, thay tã, cho ăn, tắm rửa, bế cháu cả đêm để con có thể yên tâm ngủ. Nhiều khi tỉnh dậy, con vẫn thấy mẹ bế cháu, nhẹ nhàng ru rồi đi quanh phòng, bởi con bé cứ đặt xuống giường là lại khóc oe oe.
Mấy ngày chăm con chăm cháu, mẹ gầy sọp cả đi. Ngày xuất viện về nhà, bà ngoại cũng đi theo, ở lại chăm con, thức đêm chăm cháu. Những đêm dài thao thức, bóng bà ngoại vẫn lặng lẽ bế cháu, tiếng ru ầu ơ như ngày mẹ chăm con thuở bé. Mẹ vẫn cứ chu đáo, dịu dàng và hi sinh âm thầm như thế. Mẹ “tranh” phần bế cháu, chỉ sợ con mệt, thiếu ngủ.
Con chỉ đành ngoan ngoãn vào giường nằm, nước mắt cứ ứa ra, ướt gối từ khi nào. Nhìn đôi tay mẹ gân guốc sần sùi, mái tóc bạc dưới ánh đèn lờ mờ mà lòng thổn thức. Mẹ nuôi con đã vất vả, giờ lại nhọc nhằn vì cháu, giành làm hết việc chỉ vì sợ con mệt, con đau.
Đến ngày mẹ về quê, mẹ dặn với đôi mắt đỏ hoe: “Gắng mau khỏe, được tháng rồi mẹ đón về. Hai mẹ con cố gắng chăm nhau. Bà nội yếu, bà chăm được bao nhiêu thì chăm, còn con phải cố gắng nhé”. Đến ngày hai mẹ con bắt xe về bà ngoại, mẹ ra tận ngõ đứng đợi đón con. Vừa xuống xe, bà đã vội ra bế cháu vào lòng rồi nhìn con, thấy con đôi mắt thâm quầng mà lòng mẹ xót.
Về nhà, mẹ vẫn không cho động vào bất cứ việc gì. Đêm đến, bà vẫn ôm cháu để con gái ngủ. Mẹ bảo: “Bà đẻ ngồi ít thôi không sau này đau lưng. Mẹ già rồi, chả ngủ được mấy, có cháu ngoại ôm là vui rồi”. Con biết lưng mẹ ngày nào chả đau. Khi mẹ mới sinh con, được vài ngày đã tự giặt giũ, nấu cơm, đi làm chứ đâu được nghỉ ngơi như bây giờ. Ấy thế mà mẹ chẳng khi nào nghĩ tới mình, chỉ mong những điều tốt đẹp nhất cho con cháu mà thôi.
Bữa nào bà cũng nấu đủ món, bắt con ăn nhiều để lấy sữa cho cháu, rồi lại tranh phần bế cháu để con được ăn thoải mái. Đêm hôm chốc chốc bà lại vào nhòm xem hai mẹ con ngủ ngon khóc. Hễ thấy cháu khóc là mẹ chạy vào ngay, bế dỗ dành cho cháu nín.
Hết cữ, hai mẹ con chia tay bà ngoại về bên nội. Nhà nội mới là nhà mình, còn nhà ngoại chỉ là ngoại thôi. Nghe mà xót xa quá. Con gái với cháu về rồi, nghe mọi người kể bà ngoại nhớ cháu thơ thẩn cả đêm không ngủ được. Lắm đêm mơ cháu khóc, mẹ giật mình chạy vào buồng chẳng thấy con cháu đâu, nước mắt lại ứa ra.
Những lúc như thế, ông lại an ủi: “Con gái lấy chồng là con người ta. Cháu cũng là cháu người ta. Nó phải ở nhà nó chứ ở nhà mình mãi làm sao được”. Nghe xong, bà ngoại lại thở dài.
Người ta nói, phụ nữ khổ nhất là khi sinh nở và mấy tháng ở cữ nuôi con. Thế nhưng, bao nhiêu cái khổ đó, hầu như mẹ nào cũng gánh hộ con gái mình gần hết. Người xưa có câu “cháu bà nội, tội bà ngoại”. Lúc này, chỉ muốn kêu hai tiếng thân thương: Mẹ ơi, bà ngoại ơi.