Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Cúi đầu kéo xe, ngẩng đầu nhìn đường”. Ý muốn nói là khi kéo xe phải cúi đầu, dùng hết sức mình để kéo, đồng thời cũng phải thường xuyên ngẩng đầu lên nhìn đường để đảm bảo phương hướng và mục tiêu chính xác.
Những người thực sự lợi hại đó là khi họ có tư duy kẻ mạnh và sở dĩ họ thành công chính là vì họ đều vừa ngẩng đầu nhìn đường vừa cúi đầu bước đi.
Đừng nỗ lực chỉ vì muốn cảm động chính mình
Xiao Dan đang làm công việc phát triển nội dung khóa học trong một cơ sở giáo dục và đào tạo. Vì Trung Quốc áp dụng chính sách “giảm kép” nên ngành của họ phải sa thải nhân viên một cách trầm trọng và một người phải đảm nhận thêm nhiều việc của người khác.
Cách đây vài ngày, cô ấy nhập viện vì có triệu chứng ho và sốt, cô ấy hốt hoảng vì nghĩ mình đã bị nhiễm Covid-19, nhưng khi đi kiểm tra cô ấy mới biết mình nhiễm Mycoplasma.
Xiao Dan thường xuyên đi ngủ lúc hai hoặc ba giờ đêm hơn 5 ngày trong tuần, hơn nữa vì chế độ ăn uống không có dinh dưỡng nên hệ thống miễn dịch của cô ngày càng kém. Thậm chí, cô ấy còn tự cười nhạo bản thân và nói rằng giờ cô chỉ có công việc mà không có cuộc sống.
Tôi hỏi cô ấy có dự định gì không khi mà sau 5-6 năm đi làm, công việc thì càng lúc càng nhiều mà lương thì không hề tăng. Cô ấy nói rằng, đợi đến lúc sa thải rồi tính tiếp, hiện tại cô ấy không có thời gian nghỉ đến việc ấy, thời gian rảnh rỗi trong ngày cô ấy chỉ muốn ngủ mà thôi.
Điều này làm tôi nhớ đến “Bánh xe Hamster", chú chuột hamster nhỏ luôn phải cúi đầu dùng hết sức mình chạy trên bánh xe mỗi ngày, nhưng dù có nỗ lực ra sao, chú cũng không thể thoát được khỏi bánh xe.
Trong cuộc sống, nếu bạn cứ chỉ cúi đầu mà đi đường, không có phương hướng và mục tiêu thì dù có chạy nhanh đến đâu thì sau cùng cũng chỉ có bản thân tự cảm động mà thôi.
Trong 2 năm trở lại đây, học trực tuyến đã trở thành một kênh quan trọng để nhiều người nạp lại năng lượng cho bản thân.
Tôi có một đồng nghiệp cũ tên Dương, làm văn thư trong đơn vị. Cậu ấy cũng được gọi là “chuyên gia học tập” trong văn phòng chúng tôi, bởi cậu ấy mua rất nhiều khóa học trực tuyến, đọc sách mỗi ngày, thậm chí cậu còn học cả khóa “đào tạo lãnh đạo” và tham gia vào rất nhiều khóa đào tạo người thuyết giảng.
Cuối tuần nào cậu ấy cũng tham gia rất nhiều lớp học Offline, đầu tư vô cùng nhiều tiền, khiến bản thân trở nên bận rộn mỗi ngày. Thế nhưng, làm việc hơn 2 năm rồi Dương lại chẳng có thay đổi bao nhiêu, ngược lại càng ngày càng trở nên lo lắng.
Có lần tôi hỏi Dương “Cậu có biết mục tiêu của mình là gì không?”
“Tôi cũng chưa biết, nhưng tôi nghĩ cứ theo thời thế chắc chắn không sai, càng nhiều kỹ năng thì bản thân sẽ không phải lo lắng” – cậu ấy cười đáp lại.
Quả thật, chẳng có gì sai nếu bạn biết cách nhìn ra xu thế của xã hội. Nhưng nếu có bận rộn nhìn lên nhìn xuống, nhìn trái nhìn phải mà không có một cái đích cụ thể thì đó lại chẳng phải điều hay. Bởi nếu bạn chỉ biết ngẩng đầu lên nhìn đường mà không tập trung vào đầu ra của hành động thì sự phát triển giả tạo này chỉ khiến bản thân bạn ngày càng thêm bối rối mà thôi. Và đó cũng chưa bao giờ là tư duy kẻ mạnh!
Tư duy kẻ mạnh: Lập kế hoạch tổng thể và thoát khỏi lối suy nghĩ ngắn hạn
Sự khác biệt giữa các bậc thầy và những người bình thường chính là các bậc thầy có khả năng nhìn ra được cái tổng thể, cái toàn cục còn người bình thường thì không.
Đổng Minh Châu là một doanh nhân nổi tiếng tại Trung Quốc. Khi nhận lời tham gia làm giám khảo cho một chương trình truyền hình thực tế và tuyển dụng, phỏng vấn làm việc Đổng Minh Châu đã cho mọi người thấy được sự mạnh mẽ, khí chất và sự nghiêm túc của mình trong công việc. Bà thậm chí còn cho người ta thấy được khả năng tuy duy rõ ràng, trực tiếp nhìn thấu được bản chất vấn đề của mình.
Trong một tập, khi một nhân viên của Gree đề nghị làm hoạt động “Trà chiều của bà Đổng”, Đổng Minh Châu là lập tức chỉ ra chủ đề này chưa được rõ ràng. Bà đặt một số các câu hỏi như “Chủ đề của hoạt động này là gì?”, “Ai là khán giả của hoạt động này, nữ doanh nhân, phụ nữ hay người trẻ?”, “Mục đích của hoạt động là bán sản phẩm hay sự va chạm của ý tưởng?”,…
Những câu hỏi này đều xoay quanh những vấn đề quan trọng. Bởi lẽ, mục tiêu rõ ràng thì phương hướng mới không bị mơ hồ, từ đó hành động mới chính xác, làm việc mới nắm chắc phần thắng và cho ra hiệu quả tốt nhất.
Trong bất kỳ công ty, doanh nghiệp hay cá nhân, chỉ khi mục tiêu rõ ràng, phương hướng chính xác hoạt động mới thành công. Lúc nhìn ra được cái tổng thể, bạn sẽ là người chiến thắng.
Đối mặt với thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện tại, những người có tầm nhìn xa từ lâu đã biết ngẩng đầu nhìn đường, họ lựa được “đường vào”, cũng nhìn trước được “đường lui”. Đó chính là tư duy kẻ mạnh thực thụ. Bởi, nếu cứ giữ sự cứng nhắc trong suy nghĩ chỉ khiến con đường đi của bạn ngày càng hẹp, cuối cùng sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Nó cũng giống như nguyên tắc được tiết lộ trong cuốn "Poor economics": "Người nghèo vì sinh tồn, họ quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống trước mắt và không thể lập kế hoạch cho các mục tiêu dài hạn. Và vì không lập kế hoạch cho các mục tiêu dài hạn, họ chỉ có thể luẩn quẩn trong việc giải quyết sự sống còn trước mắt của mình. Đây là chu kỳ nghèo đói bất tận."
Giống như việc thoát nghèo, muốn thoát khỏi tư duy ngắn hạn và có năng lực toàn diện như một bậc thầy bạn phải nhớ 2 điểm này: Thứ nhất là học cách lập kế hoạch: Lập kế hoạch dài hạn cho những việc cần làm, chia nhỏ từng giai đoạn, mục tiêu, vấn đề chính và phương pháp thực hiện cụ thể. Thứ hai là cải thiện nhận thức: Khoảng cách giữa những người bình thường và những người giỏi giang chính là do khoảng cách về nhận thức. Chỉ bằng cách nhập thông tin thông qua việc đọc, rồi xuất ra hành động thông qua thực hành và mở rộng tư duy chúng ta mới có thể thoát khỏi tư duy thiển cận, để bản thân trở nên xuất chúng.
Hãy nhớ một điều rằng “Người bình thường bị mắc kẹt khi vào ván cờ, người tài giỏi phá vòng vây và sắp đặt nó!”.
Tư duy kẻ mạnh: Tập trung vào trước mắt và rèn luyện chăm chỉ để thành công
Tư duy kẻ mạnh thực sự chính là đặt sự tập trung lên hàng đầu khi làm mọi việc. Chỉ bằng cách tập trung làm việc, làm việc nhiều hơn và liên tục làm nhiều việc hơn nữa thì mọi việc mới có thể thành công.
Cách đây ít lâu, lịch tập luyện của các tuyển nữ bóng chuyền Trung Quốc chuẩn bị cho Á vận hội 2018 được tiết lộ khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Mỗi ngày, họ thức dậy lúc chưa đến 6h, ăn sáng lúc 6h30 và bắt đầu luyện tập buổi sáng lúc 7h30 trong 45 phút. Giờ học tập trung sẽ bắt đầu lúc 8h15 và kéo dài trong 5 tiếng, ăn trưa và nghỉ trưa trong hai tiếng rưỡi, bắt đầu lúc 13h. Từ 15h30 đến 19h tiếp tục tập luyện và sau đó đến giờ ăn tốt. Từ 20h sẽ học chuyên môn trong một tiếng rưỡi. Buổi tập sẽ kết thúc vào lúc 21h30, sau đó các cầu thủ bị chấn thương sẽ tập trung trị liệu vết thương của mình.
Từ thời gian tập luyện của các cô gái bóng chuyền nữ Trung Quốc có thể thấy mỗi ngày họ dành khoảng 10 tiếng cho việc rèn luyện thể lực và khoảng 2 tiếng đồng hồ cho việc luyện tập trí não.
Việc huấn luyện tập trung dài hạn đã giúp họ thể hiện những kết quả đáng kinh ngạc trên sân đấu năm đó: Đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc không thua một trận nào trong tám trận và giành chức vô địch Á vận hội sau tám năm.
Một kế hoạch đào tạo tập trung như vậy phù hợp cho tất cả những ai muốn đi tốt con đường hiện tại, đồng thời mong muốn bứt phá và thăng tiến.
Chúng ta luôn cho rằng người ta tài giỏi vì họ có thiên phú, nhưng trên thực tế, ở những người tài giỏi luôn có thứ để chúng ta học được theo. Những người thực sự tài giỏi không phải là những kẻ cơ hội, mà là những người theo chủ nghĩa lâu dài. Hãy tập trung vào trước mắt và đưa ra kế hoạch một cách tổng thể.
Hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể trở thành những người tài giỏi và là người dẫn dắt cuộc sống của chính mình.