Câu chuyện “Người chồng chậm chạp”
Tình yêu thì không có lý do. Nhưng cuộc hôn nhân nào cũng có va chạm, thách thức, có những cơn sóng gió chực chờ đánh tan mọi sự gắn kết.
Quán cà phê của chị mới mở được chỉ chừng 5 năm nhưng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của cả xóm. Ai cũng biết, cái quan đông khách là nhờ sự duyên dáng của bà chủ. Chị xinh đẹp, tháo vát lại lanh lẹ. Nhưng cũng chính vì thế mà những thắc mắc của mọi người càng đổ dồn về phía ông chủ - một người chồng chậm chạp, mờ nhạt, kiệm lời.
Chị lanh lẹ một cách tinh tế vô cùng. Chị có thể thoăn thoắt làm công việc của 3-4 người nhưng mặt mũi lúc nào cũng tươi như hoa, miệng cứ đon đả phục vụ và thuộc làu thói quen, sở thích của từng vị khách. Chị chạy tới, chạy lui không ngừng từ sớm đến đêm.
Anh chồng chỉ phụ dắt xe, do khu vực để xe lọt thỏm trong sân nên công việc của anh cũng không mấy nặng nền. Người ta nhìn vào chỉ thấy chị chạy như con thoi còn anh thì lầm lì đứng đó. Trong khi chị hớn hở chào mời khách thì anh lại ăn nói nhát gừng, đôi lúc còn tỏ ra nặng nề khi thấy những chiếc xe của khách đậu không ngay ngắn. Thế nên khách vào quán hay cố đi thật nhanh qua khu vực để xe để đỡ phải giao tiếp lâu với anh, mà một phần cũng là để tiến vào không gian của chị thật lẹ.
Thỉnh thoảng, vẫn có người dừng giữa cuộc nói chuyện, hất cằm ra sân hỏi chị: “Chồng cô đó hả”, chị cười: “Dạ, ông xã của em đó ạ”. Giọng chị rõ to như cố để cho con người đang lúi húi ngoài sân kia nghe thấy.
Chẳng ai hiểu một người chồng chậm chạp như vậy có gì để mà tự hào giới thiệu. Một người vô tâm nhìn một lần cũng có thể thấy vợ chồng họ như đôi đũa lệch.
Có bữa, thấy anh đi ngang, nhóm tài xế là khách quen cất giọng nói vu vơ: “Mới sáng sớm mà hanh nắng rồi, có cái bạt sao không kéo lại che cho khách”.
Nghe vậy, anh bèn đi lại tháo dây kéo bạt che kín cả quán. Lúc này, đám tài xế lại nhao nhao: “Mới sáng mà che kín mít vậy, phí cả gió trời!”
Chừng như nghe không rõ, anh lúng túng, chau mày làm ra vẻ khó hiểu. Bên này, đám khách lại phá lên cười, tranh nhau nói mấy câu yêu sách chẳng đâu đến đâu. Một trong số đó còn nói: “Ông chủ này coi bộ lãng tai à nha!”.
Lúc này, chị chủ quán phăng phăng bước tới, đon đả cười với cả chồng lẫn khách, nói: “Quán này chuyên môn hóa cao lắm nghen, kéo bạt chừng nào là do tui phụ trách, ông chủ chỉ việc đứng đó kiểm soát tui thôi à!”
Nói xong, chị lại lấy sợ dây thừng từ tay chồng rồi kéo ngược tấm bạt hở ra một nửa, như thế vừa che được nắng vừa lấy được gió trời. Xong việc, chị nói: “Anh coi ăn sáng đi cho kịp giờ, đồ ăn em để sẵn trong lồng bàn rồi nhen!”
Anh quay đi. Cái giọng ngọt như mía lùi của chị vợ tươi tắn như đẩy người chồng chậm chạp lên một trời danh giá. Thấy cái vẻ ù lì của anh, người ta ưa làm tội làm tình thế đấy. Nhưng chỉ cần một lần bị chị vợ dẹp gọn, những kẻ yêu sách kia cũng phải nể anh thêm mấy bậc. Bởi, chẳng cần biết anh kguf khờ ra sao, chỉ riêng có được một người vợ khôn khéo một lòng một dạ yêu kính là đã có số má rồi.
Hôm đó quán vắng khách, tôi đến thì gặp lúc chị thảnh thơi ngồi nghỉ mệt còn anh thì lúi húi tỉa tót cây cối. Quán không quá rộng nhưng luôn đem lại cảm giác xanh tươi, đó chính là nhờ mấy chậu cây được đặt đúng chỗ, được trồng theo tầng chậu nhỏ, rồi chậu lớn trông rất ngăn nắp. Thấy vậy, tôi khen: “Chị không có nhân viên mà vẫn giữ được cái quán sạch sẽ, tươi mát ghê luôn!”
Chị cười nói: “Tại tui có ổng!”
Rồi chị tiếp tục huyên thuyên rằng anh giỏi về cây cối ra sao, anh bỏ ngủ trưa để chăm chút “bầy cây” này như thế nào. Tôi chợt hiểu về cách mà họ gắn bó trong cái quán này. Tôi hỏi: “Ảnh hiền queo mà chị thì lẹ làng vậy, sống sao cho khỏi lệch nhịp?’
Chị đáp thiệt nhanh: “Quan trọng là mình chọn cuộc chiến nào thôi cưng ơi. Tụi chị bán quán, nhằm ngay cái thế mạnh ăn nói của chị nên chị nổi hơn. Ảnh giỏi kỹ thuật, giỏi cây cối, giỏi kiên trì,… thì lại không nhanh nhạy lắm vụ tiếp chuyện với khách. Nhưng đừng tưởng vậy là mình ngon hơn ảnh nghen! Không có ảnh lo hậu kỳ, điện nước, cây cối, nhạt nhẽo… thì chị với cái quán này cũng chịu chết à. Người ta không biết thì nói này nói kia chứ mình là vợ chồng, mình biết chồng mình giỏi gì, dở cái gì là sống được hết!”.
Nghe chị nói thế tôi vỡ lẽ hoàn toàn. Chợt giật mình nhận ra, nếu vợ chồng nào cũng biết cái giỏi, cái dở của nhau thì chẳng “cuộc chiến” nào, chẳng tình thế nào có thể đẩy người ta vào những lệch pha, hơn kém đến mức chẳng biết so sao cho bằng như lúc đầu.