Biến lương thiện thành phẩm chất và ưu điểm
Bạn đi đường gặp một người ăn xin, bạn cảm thấy họ thật đáng thương. Đây chính là lương thiện, nhưng nó có tác dụng gì không? Bạn sẽ thấy, sự đồng cảm của bạn không có giá trị trong trường hợp này.
Bạn đi đường và vô tình gặp một người đang bị ăn hiếp, bạn cảm thấy kẻ đang bắt nạt kia thật xấu xa độc ác và người bị ăn hiếp kia được bạn quy vào thành phần yếu thế, cần được bảo vệ. Đây chính là lương thiện.
Bạn có thể thấy, lương thiện không thể thay đổi được điều gì cả, nên nó không phải là ưu điểm như nhiều người vẫn thường lầm tưởng. Người xấu trên thế giới này rất nhiều, nhưng người lương thiện mới chiếm đa số.
Vậy làm thế nào để có thể biến “lương thiện” trở thành ưu điểm? Đó chính là “vì người khác” hay nói cách khác là giúp đỡ người khác.
Vẫn là bạn khi gặp người ăn xin trên đường đó, bạn cảm thấy họ đáng thương thì đó là lương thiện. Nhưng nếu bạn chủ động tiếp cận họ, cho họ một vài đồng hoặc một ít thức ăn, đây là vì người khác. Như vậy, lương thiện đã trở thành ưu điểm và phẩm chất.
Khi bạn chứng kiến kẻ xấu ăn hiếp người tốt, bạn cảm thấy bất bình. Nếu lúc này bạn dám đứng ra can ngăn để đối phương dừng sự áp bức đó lại, hoặc hô to một tiếng để kêu gọi sự giúp đỡ, đó là chính là giúp đỡ người khác. Và hành động này được xem là ưu điểm và phẩm chất của một người.
Sống lương thiện có tránh được khổ ải không?
Từ xưa đến nay, chúng ta đều nói đến câu “cho đi thì mới có nhận lại”. Sống lương thiện nhưng không cho đi, thế thì liệu có đủ tư cách để cấm cản khó khăn bủa vây không? Điều này cũng giống như việc bạn đi siêu thị mua đồ nhưng không muốn chi tiền vậy.
Nếu bạn giúp đỡ nhiều người, khổ nạn cũng tự khắc giảm đi không ít. Nên nhớ rằng, ở đây là “giảm đi” chứ không phải “biến mất”.
Tôi thường giúp đỡ mọi người ở nơi làm việc, đến khi tôi gặp khó khăn, thì nhiều đứa bạn lên tiếng bất bình rằng: “Ê, bình thường ông hay giúp đỡ họ, đến khi ông gặp chuyện lại chẳng có ai chịu đứng ra hỗ trợ gì cả”. Lúc ấy, tôi chỉ biết cười, dựa vào cái gì mà đòi người khác phải gánh chịu giúp bạn? Và tôi giúp đỡ người khác không phải vì muốn họ cứu bản thân một mạng hoặc ra sức giúp đỡ ngược lại tôi lúc tôi cần.
Cuộc đời này là vậy, dù bạn có sống ra sao, tốt hay xấu thì nó vẫn đầy rẫy những khó khăn và hoạn nạn. Chỉ là, nếu bạn sống lương thiện đôi khi sẽ có người nguyện lòng dang tay ra giúp đỡ bạn, mọi việc cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Đây chính là phúc phần của bạn. Nhưng đừng bao giờ lầm tưởng rằng sống lương thiện, tốt bụng với đời là để bản thân có thể bình yên đến già.
Lương thiện đôi khi cũng là một chấp niệm trong tư tưởng. Sống lương thiện là để thỏa mãn giới hạn đạo đức, để bản thân không thẹn với lòng. Và sống lương thiện còn là để cảm thấy vui vẻ hơn, nhìn thấy cuộc đời tràn ngập ấm áp và bao dung.
Dùng tâm thái bình dị để tìm thấy hạnh phúc trong khổ nạn
Trên đời này làm gì có ai sống dễ dàng, ai rồi cũng gặp phải những khó khăn, bất trắc khiến bản thân mệt mỏi. Nhưng một nhược điểm rất lớn của nhiều người chính là luôn cho rằng bản thân gặp nhiều khó khăn hơn những người xung quanh, cho răng ông trời không công bằng.
Một cô gái vì gặp phải nhiều chuyện không như ý trong cuộc sống mà nhảy từ tầng 10 xuống. Trong quá trình rơi xuống, cô ấy nhìn thấy một cặp vợ chồng ở tầng 9 đang cãi nhau. Cô nhận ra, rõ ràng trước mặt hàng xóm hai người rất ân ái, nhưng đóng cửa nhà lại thì cãi nhau không ngừng. Rồi tới tầng 8 cô nhìn thấy chàng trai bình thường sống rất mạnh mẽ nhưng giờ lại ngồi trong góc phòng lén khóc một mình, thì ra đàn ông mạnh mẽ cũng có lúc phải rơi nước mắt. Rồi cô nhìn thấy chồng sắp cưới của cô gái tầng 7 đang dan díu với bạn thân, còn gì đau đớn hơn điều này. Tầng 6, cô lại nhìn thấy cô gái bình thường rất hay cười lại đang uống thuốc để kiểm soát chứng trầm cảm. Cô nhìn thấy chàng trai trẻ tầng 5 5 thất nghiệp vừa hút thuốc vừa lướt từng trang mạng để tìm việc. Sàn nhà có rất nhiều đầu lọc, có lẽ cậu chàng đã áp lực nhiều lắm!
Mỗi chúng ta, ai cũng đều chất chứa nỗi bất hạnh trong lòng, ít hay nhiều lại còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề của từng cá nhân. Khổ nạn còn đó, chúng ta phải không ngừng chinh phục, những gì còn đọng lại chính là trải nghiệm và đúc kết.
Dùng tâm thái dung dị nhất để đối xử với thế giới này, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay cả trong khổ đau.