GTHN - Bài viết không dành cho những ai đã quá chán ngán với chuyện giới trẻ chết chìm trong cô đơn vô hạn. Bài viết dành cho ai rảnh rỗi, đủ thời gian để “bao trọn” những gì tôi sắp lảm nhảm.
Tôi không thường đọc những bài viết chủ đề cô đơn trên Guu, phần vì quá nhiều những thứ giống như vậy. Phần vì đứa cô đơn (như tôi) cũng chẳng cần biết chuyện cô đơn của người khác. Chuyện của mình chưa đủ bơ vơ sao? Vậy mà giờ tôi lại đang ngồi viết về cái chủ đề thảm thiết này. Uh thì lúc đang cô đơn lảm nhảm chuyện cô đơn.
Cô đơn đến bật khóc
Khoảng nửa năm trước, tôi từng có dịp trải nghiệm cảm giác “Uống cà phê trên đỉnh núi, bạn sẽ có cảm giác chìm xuống hố sâu hun hút.”* Mà tôi đâu có ngồi trên đỉnh núi, cũng đâu có cà phê đâu. Chỉ có cảm giác chìm sâu, chìm sâu... Là khi một mình, một phòng, không khí còn vương mùi Tết. Trời chắc không lạnh nhưng cả nhà sực lên cảm giác lạnh tanh. Đói không biết đói, mệt không biết mệt. Thành ra vui cũng không biết vui, buồn cũng không biết buồn. Chỉ có cái cảm giác trống rỗng, trống-đến-mức-rỗng. Sợ chính mình lúc ấy, vậy nên điên cuồng chat Facebook, điên cuồng gọi điện thoại. Bạn bè, người thân, người thương, thậm chí ngay cả người ghét. Xong xuôi, cũng điên cuồng khóc. Nước mắt của rất nhiều ngày, nhiều tháng dâng lên. Không biết tôi đã khóc bao lâu. Sau đó cũng tự mình lau nước mắt, lên gác, bật đèn, đi ngủ. Vừa ngủ nhưng cũng vừa thức. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ mình quá!
Chẳng hiểu sao giây phút đó, thấy mình chìm sâu vô tận. Có lẽ cảm giác tràn đầy của Tết nhất quá khác biệt so với khi lẻ loi; có lẽ một phần nào đó trong tâm bị khiếm khuyết; có lẽ có một dự cảm không lành về ngày dài tháng rộng; có lẽ linh cảm đi trước thời gian, thấu được sự xa lạ của lòng người. Căn nhà đó, sau này tôi không ở lại. Cảm giác cô đơn đến bật khóc đó, sau này cũng chưa có lại.
Cô đơn nhưng rất dễ chịu
Thiệt. Chứ chẳng chơi.
Không phải quen dần với cô đơn nên mới thấy vậy. Chỉ là thấy cô đơn nhiều khi chẳng hề đáng sợ như mình đã nghĩ.
Có một dạo, bị nghiện nặng “Khi người lớn cô đơn”. Nghe hoài không biết chán. Cho đến khi có người chỉ trích “Ở nhà một mình bật bài này lên tự kỉ!” mới nhận ra: “Ủa, nghe bài này khi home alone đâu có thấy buồn hay cô đơn miếng nào đâu?!”. Nhạc dịu dàng không day dứt, như là đồng cảm, thấu tâm. Vậy mới nói, cái cách “giải sầu” của mình vốn khác người. Khi buồn, nhiều người bật nhạc vui, giật đùng đùng cho khuây khỏa. Còn mình thường repeat mấy bài “buồn ơi là sầu” cho đến khi buồn tự dưng tan. Vậy là coi như xong một nỗi. Quay qua nhìn người nói mình tự kỉ. Trái lại thấy thương cho anh, cứ phải bật những bài rộn ràng để làm vui khi quanh năm quanh quẩn.
Có một thời rất trẻ, mệt mỏi với cảm giác một mình, một nhà. Thường thì những lúc như vậy, người ta sẽ thấy bơ vơ, người ngoài nhìn vào cũng thấy mình cô đơn. Bây giờ - cũng rất trẻ, đã thản nhiên đối mặt với sự lẻ loi. Chỉ cần lòng vui, mọi thứ tự nhiên trôi yên bình. Giống như bằng một sức mạnh nào đó, tâm hồn vượt ra khỏi trạng thái vật chất mang tên một mình của cơ thể để vui với vô vàn thứ bên ngoài. Cô đơn vì thế mà dễ chịu.
Những cụm từ đại kị của tôi là “đi mua sắm một mình”, “đi ăn một mình”, “đi cafe một mình”. Vậy mà giờ ngồi quán cafe, ăn bánh, uống cacao. Một mình. Tâm trí vô cùng nhẹ nhàng. Àh, thì ra cô đơn không phải là khi ngồi giữa nhiều người lạ mặt, lạ lòng. Cô đơn chính là ngồi gần những người quen mặt, mà phát giác lòng người lạ đến khó hiểu. Ở giữa những người không quen, chẳng cần biết người ta nghĩ gì, lòng người ra sao. Dần dần, quen thói không suy xét ai, để tâm trí đơn độc. Cứ tự nhiên trôi, tới đâu thì tới. Cô đơn vì thế thấy dễ chịu lạ lùng.
Cũng chẳng hiểu sao, có những người sinh ra, lành lặn. Nhưng trong lòng, cứ không thôi cô đơn. Như mình.
Vòng một vòng, thấy đúng kiểu lảm nhảm cho chính mình nghe.
Ai đã kiên nhẫn đọc đến dòng này. Cám ơn vì đã nghe tôi lảm nhảm. Đừng quá để tâm về những dòng lảm nhảm của tôi. Chủ yếu...
Viết tặng tôi những ngày cuối 20, viết cho những cô đơn đã qua.
* Một câu trong truyện ngắn "Là cà phê. Là Thụy." của Thiên Bình.