1. Không bao giờ là quá muộn để chọn bản thân mình
Nếu bạn từng đi máy bay chắc hẳn sẽ nghe thấy lời tiếp viên hàng không dặn: “Trong tình huống khẩn cấp, bạn nên đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi giúp trẻ em và những hành khách khác”.
Họ làm vậy là có lý do cả. Nếu không đeo mặt nạ cho mình trước, bạn sẽ chẳng đủ khả năng để cứu giúp người khác. Và nguyên tắc này cũng áp dụng cho cuộc sống hiện thực. Những người thành công như tác giả sách bán chạy, doanh nhân thành đạt, họa sĩ tài năng,…họ đều chọn sống vì bản thân mình và theo đuổi những thứ giúp họ trở thành người tốt nhất.
Khi chọn sống vì bản thân mình, bạn sẽ trở nên tự tin hơn, kiên trì theo đuổi mục tiêu cá nhân và làm những thứ khiến mình vui vẻ. Bạn dạy mọi người biết nên đối xử với bạn như thế nào, bằng cách cho họ thấy tầm quan trọng của những suy nghĩ, ý tưởng và cảm xúc của bạn. Suy cho cùng, bạn không thể hy vọng người ta coi trọng mình khi bạn còn chẳng coi trọng bản thân.
Những người thành công luôn lựa chọn chính mình đầu tiên!
2. Không bao giờ là quá muộn để học những điều mới mẻ
Không bao giờ là quá muộn để bạn tiếp thu những bài học cuộc sống, hay lấy cho mình tấm bằng đại học. 40 tuổi mới bắt đầu học thạc sĩ thì có sao? Thạc sĩ cũng chỉ mất 2 năm để hoàn thành. Dù bạn có chấp nhận thử thách này hay không thì sau 2 năm bạn vẫn chạm ngưỡng 42 tuổi đấy thôi. Và cũng chẳng có vấn đề gì nếu năm 52 tuổi bạn mới bắt đầu học điêu khắc hay mở quầy rượu ở tuổi 62. Muốn thành công và hạnh phúc, bạn phải biết nắm bắt cơ hội đang đến với mình chứ không phải cố nắm bắt chúng trong một độ tuổi nhất định.
Hầu hết chúng ta đều dành cả tuổi trung niên để chăm sóc người khác. Khi con cái trưởng thành và ra riêng, đây là lúc để bạn quan tâm đến chính bản thân mình. Khi đã giúp người khác vươn tới thành công của họ, thì hãy chuẩn bị vững chắc cho hành trang vươn tới thành công của chính mình. Hãy cầm cây cọ lên, phủi bụ đang bám trên cây đàn piano đã lâu không chạm đến hoặc lên kế hoạch kinh doanh mới. Dù giấc mơ của bạn là gì, hãy hoàn thành nó.
Chẳng bao giờ là quá muộn để đi du lịch vòng quanh thế giới, trở thành một người đầu bếp, viết một cuốn sách, lấy bằng cao học, bắt đầu kinh doanh,… Bạn đừng lấy tuổi tác ra làm lý do vì bạn có đủ khả năng để học hỏi và thành công kể cả khi bạn nghĩ điều này là không thể.
James Altucher - tác giả cuốn sách “Choose Yourself” từng gợi ý rằng: “Hãy giả vờ như thể tất cả mọi người có mặt trên hành tinh này là để dạy bạn. Những người nổi tiếng, những người quá cố, hàng xóm, người thân, đồng nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn trở thành một người khiêm nhường. Bạn sẽ học hỏi nhiều điều từ mọi người, bạn sẽ trân trọng họ hơn và họ cũng sẽ trân trọng bạn hơn. Bởi ai cũng thích được chỉ dạy”.
3. Không bao giờ là quá muộn để đầu tư vào bản thân
“Chúng ta phải dám là bản thân mình, dù điều đó có đáng sợ hay lạ lùng đến thế nào đi nữa”, May Sarton - nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Mỹ.
Sự trưởng thành bắt đầu từ khi bạn sinh ra và tiếp diễn trong suốt cuộc đời bạn. Ngay cả khi cơ thể ngừng phát triển, tinh thần và cảm xúc của bạn vẫn thay đổi theo thời gian. Sự phát triển về mặt nhận thức, sự trưởng thành từ những trải nghiệm, sự phát triển cảm xúc theo thời gian đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Qua năm tháng, trưởng thành đã trang bị cho chúng ta cái nhìn lạc quan hơn về thế giới, tặng chúng ta nhiều thời gian hơn để hoàn thành giấc mơ của mình.
Nỗ lực phát triển bản thân theo thời gian sẽ giúp bạn trưởng thành một cách dễ dàng hơn. Điều này đòi hỏi bạn phải biết học hỏi từ sai lầm, chia sẻ kiến thức với người xung quanh và học cách sống một cuộc đời thoải mái.
James Altucher - tác giả cuốn “Choose Yourself” từng nói rằng: “Thành công đến từ việc không ngừng trau dồi khả năng của mình trên mọi lĩnh vực - về óc sáng tạo, về mặt tài chính, về tinh thần và về thể chất. Hãy luôn tự hỏi bản thân: Mình cần cải thiện điều gì? Mình nên nói chuyện với ai? Mình nên nhìn vào điều gì?”.
4. Không bao giờ là quá muộn để đứng lên từ thất bại
Một thứ mà chẳng ai trong số chúng ta có thể thoát được ngay cả khi trưởng thành đó chính là “phạm sai lầm”, bởi đó là một phần cuộc sống. Trên thực tế, phạm sai lầm là cách để chúng ta học hỏi.
Bị bỏng vì chạm tay vào bếp nóng thì lần sau chúng ta sẽ không chạm vào nó nữa. Một sai lầm xảy ra, sẽ có một bài học được tiếp thu. Những người lớn tuổi đều hiểu rằng, sai lầm là điều không thể tránh khỏi, nhưng nó lại đem đến những giá trị to lớn cho mỗi người. Học hỏi từ chính sai lầm sẽ giúp bạn từ nạn nhân trở thành người chiến thắng, khắc phục thiếu sót để rút ra kinh nghiệm. Đứng lên từ thất bại có nghĩa là học cách thích nghi với sự thay đổi và học cách kiên trì đối mặt với nghịch cảnh.
Những người thành công muộn màng biết cách dùng sai lầm để làm bàn đạp cho thành công. Trí tuệ được trau dồi qua năm tháng chẳng thể đảm bảo rằng bạn sẽ không bao giờ gặp phạm sai lầm. Tuy nhiên, bạn sẽ học được cách biến trở ngại thành động lực, biến thảm họa thành chất xúc tác đưa bạn tới thành công.